Sách bán chạy chưa chắc đã là sách hay

Thứ Tư, 24/03/2010, 15:32
Số lượng sách bán ra tăng, doanh số tăng, số lượt người tham dự tăng theo cấp số cộng của mỗi lần tổ chức Hội sách TP HCM.

>>TP HCM rộn ràng Hội sách

Tuy nhiên, thực tế, những sách nào được mua, sách có được đọc hay không, đọc như thế nào có hiệu quả, có ích cho người đọc và xa hơn là có ích cho sự phát triển của xã hội thì chưa hẳn đã được quan tâm đầu tư một cách đầy đủ, thậm chí còn có nhiều biểu hiện sa đà vào hình thức, mang tính phong trào, miễn sao quảng bá để bán được sách, thu lợi nhuận…

Chia sẻ tại Hội thảo "Đọc sách và dân trí" với chủ đề "Tết đọc sách, tại sao không?" do Sachhay.com tổ chức vào chiều ngày cuối cùng của Hội sách TP HCM lần VI (21/3), Giáo sư Phong Lê đã hồ hởi khẳng định: Ngót một thế kỷ rưỡi, kể từ những áng văn quốc ngữ đầu tiên của Trương Vĩnh Ký ở Nam Bộ và sau hơn một thế kỷ sách quốc ngữ, nếu tính từ khi có phong trào cổ động học quốc ngữ của các nhà Nho trong phong trào Duy Tân thì cho đến bây giờ chúng ta mới thực sự hết nạn đói sách…

Đó là một dấu hiệu lạc quan, nói lên sự phát triển nhưng Giáo sư cũng không thể không băn khoăn bởi số lượng ấn bản trung bình cho mỗi tựa sách quá ít ỏi so với tỷ lệ 85 triệu dân mà vẫn khó bán, sự quảng bá cho sách không nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trong khi người đọc, số đông còn thờ ơ với sách, chưa được biết nhiều đến hiệu quả của một cách tự học bằng đọc các sách kiến thức nền, sách khoa học, kinh tế, sách công cụ.

Ông cho rằng chúng ta đang đứng trước một lãng phí lớn nếu sách in ra mà không được đọc, được đọc rất ít hoặc vì lý do nào đó mà không đến được với bạn đọc đích thực…

Không phải ai đến Hội sách cũng tìm được cuốn sách như mong muốn.

Đối diện với câu hỏi: Tình hình đọc sách ở nước ta hiện nay ra sao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Tá cũng cho rằng thật không dễ trả lời. Bởi, nếu chỉ căn cứ vào việc đua nhau xin thành lập nhà xuất bản hay hiện tượng các công ty văn hóa tư nhân "chạy" mua giấy phép ở các nhà xuất bản, hoặc tạt vào các siêu thị sách hoành tráng, ngợp người trước tầng tầng lớp lớp sách cổ kim đông tây thì rất dễ lạc quan. Ngược lại, sẽ rất băn khoăn khi bình quân mỗi đầu người chỉ có hơn 2 cuốn sách trong năm 2009.

Tại lễ tổng kết của ban tổ chức Hội sách, bản thống kê cũng cho thấy, hầu hết các tựa sách bán chạy đều không phải là những đầu sách giúp người đọc nâng cao kiến thức, thực sự thúc đẩy "nâng dân trí, chấn hưng dân trí" như Giáo sư Lê hay bất kỳ học giả nào khác kỳ vọng.

Tôn vinh sách là cần thiết. Những kết quả đạt được từ Hội sách rất đáng khích lệ nhưng ứng xử với sách thực sự văn hóa, tôn vinh sách, người làm sách, viết sách như thế nào để tránh sa vào hình thức, hô hào chung chung, làm thế nào để thực sự kích thích khả năng tự học, tự đọc, tự nâng cao kiến thức của người dân thì vẫn còn nhiều khoảng trống

PV
.
.
.