"Sa tặc" đe doạ nơi để kiếm thần Hưng Đạo Vương

Thứ Hai, 26/04/2010, 11:50
Di tích Cồn Kiếm, theo truyền thuyết là nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn để lại thanh kiếm thần, có nguy cơ bị đổ sụp do nạn khai thác cát.

Cồn Kiếm là doi cát dài chừng 200m, nổi giữa dòng sông Thương - còn gọi là Lục đầu giang, thuộc cụm di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Tương truyền đây là nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn để lại thanh kiếm thần, đã giúp đánh bại quân Nguyên - Mông. Thanh kiếm này là biểu tượng trị thủy, ngăn chặn thủy quái quấy nhiễu dân lành, không cho dâng nước gây lụt lội làm hại con người. Với những giá trị to lớn như vậy nên từ rất lâu, Cồn Kiếm đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Tuy nhiên, từ khi địa bàn Hải Dương đẩy mạnh tốc độ đô thị, công nghiệp hoá, rất nhiều dòng sông đã bị khai thác cát bằng "công nghệ" tàu hút, công khai hoặc lén lút khiến dòng chảy bị thay đổi, hiện tượng sạt lở vùng bờ đang là mối nguy cơ cao. Trong đó, ngay cả di tích lịch sử Cồn Kiếm cũng không tránh khỏi bị xâm phạm.

Theo phản ánh của Công an xã Hưng Đạo, khoảng một tháng nay, trên sông Thương, đoạn sát với di tích Cồn Kiếm xuất hiện 6-7 tàu hút cát công suất lớn, mỗi tàu có khoảng 10 người chuyên kéo, cắm và rê ống để hút cát lên tàu. Tần suất hoạt động của nhóm "sa tặc" này gần như kéo dài suốt ngày đêm.

Ban ngày, các tàu hoạt động ở khu vực gần đó nhưng thuộc địa bàn xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, đợi khi đêm xuống mới kéo về Cồn Kiếm.

Trong khi đó, cơ quan quản lý di tích Hải Dương có nhiều lo lắng khác. Đó là cấu trúc của di tích Cồn Kiếm chỉ là một doi cát kéo dài chừng 200m nằm ở giữa dòng sông, bất kỳ sự tác động nào dẫn đến thay đổi dòng chảy cũng đều ảnh hưởng đến sự tồn tại của Cồn Kiếm.

Nay xuất hiện nhóm "sa tặc" với công cụ, cách thức và công suất hàng nghìn khối cát mỗi đêm, chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến chân ta luy tự nhiên Cồn Kiếm bị sụt lở, biến dạng và có nguy cơ đổ sụp xuống lòng sông

Lê Minh Triết
.
.
.