Rực rỡ tuổi hoàng hôn của một nghệ nhân gốm

Chủ Nhật, 06/05/2007, 08:37
Mọi sự thành đạt đều bắt đầu từ ý chí, nghị lực vượt qua chính mình và vượt qua hoàn cảnh, cùng với sự say mê tìm tòi sáng tạo để vươn tới đích. Đó là định hướng của Nguyễn Đức Dương khi bước sang bên kia dốc của cuộc đời…

27 Tết năm 1987, tại Hàng Ngang, Giám đốc Trung tâm Triển lãm Hàng thủ công mỹ nghệ Trung ương để ý tới một người khách ăn mặc lịch sự, dáng vẻ trầm tư, cứ dùng dằng nửa ở nửa đi, bèn hỏi: "Xin lỗi, hình như ông có điều gì muốn trao đổi cùng chúng tôi?". "Dạ thưa, nhìn chiếc bình cổ men trắng, trang trí vân tản màu xanh dương, tôi lại nhớ tới mẹ tôi".

"Chẳng lẽ, sản phẩm của chúng tôi lại gây ấn tượng mạnh đối với ông đến thế ư?". "Dạ thưa, trước kia, mẹ tôi ở trong Nam cũng có một chiếc bình cổ như thế này, nhưng bị thất lạc trong chiến tranh, và bà khôn nguôi tiếc nuối nó. Tôi chỉ còn 500đ (bằng 5 tháng lương của chuyên viên 1 thời đó - LTĐ), mà sản phẩm này được trao giải nhất và tác giả được tặng danh hiệu Bàn tay vàng, thì hẳn là nó phải đắt lắm, tôi không đủ tiền mua nó để biếu mẹ tôi trong dịp Tết đầy ý nghĩa này: Tôi là người của chế độ Sài Gòn, lên trại Tuyên Quang từ năm 1975, vì cải tạo tốt, nên Tết này tôi được trở về với mẹ tôi…".

"Tâm thành của ông như thế, chắc là sẽ được toại nguyện…".

Buổi sáng truân chuyên

Nguyễn Đức Dương sinh năm 1937, tại Yên Thế, Bắc Giang, nhưng lớn lên lại sang Thái Nguyên làm chân đóng đanh leo thang, cờ đèn kèn trống, kẻ vẽ báo tường, nghĩa là đủ nghề tạp vụ trong ngành Tuyên huấn từ năm 1958.

Cũng như những con dân đất Việt, thời trai trẻ của Nguyễn Đức Dương hòa vào dòng chảy chung của lịch sử dân tộc: Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược! Thế nên, đôi khi nguyện vọng chính đáng của ông chưa thể thực hiện được. Tài lẻ của ông cũng chỉ đủ cho người ta chấp nhận chuyển ông về ngoại thành Hà Nội phụ trách công tác xây dựng.

Lăn lộn mãi trên công trường như một sự thử thách ý chí và nghị lực, cuối cùng ông đã toại nguyện: Được cử đi học Trung cấp Mỹ thuật tại 44 Yết Kiêu, Hà Nội. Tốt nghiệp, ông về Xưởng phim Hoạt hình Trung ương vẽ phim theo yêu cầu của đạo diễn Ngô Mạnh Lân. Hằng ngày, ông đạp xe gần 40 cây số đi về.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, xin cho vợ về xưởng phim không được, năm 1980, ông đành bỏ nghề vẽ phim, trở về Xí nghiệp Gốm Bát Tràng, quê vợ, và mọi việc chuyên môn lại bắt đầu từ vạch xuất phát.

Bát Tràng vốn là làng nghề sành sứ truyền thống từ xa xưa. Biết bao nghệ nhân sở tại đã làm nên một thương hiệu nổi tiếng cả trong nước và quốc tế. Ông loay hoay trong cái xưởng gốm ấy 5 năm trời mà vẫn chưa tìm ra lối thoát.

Năm 1985, đủ năm công tác, ông xin nghỉ việc. Và, mọi sự đổi thay trong đời Nguyễn Đức Dương được đánh dấu từ cái mốc tuổi 48 về hưu non ấy.

Buổi chiều thành đạt

Xét cho cùng, mọi sự thành đạt đều bắt đầu từ ý chí, nghị lực vượt qua chính mình và vượt qua hoàn cảnh, cùng với sự say mê tìm tòi sáng tạo để vươn tới đích. Đó là định hướng của Nguyễn Đức Dương khi bước sang bên kia dốc của cuộc đời…

Trong hai hướng gốm và sứ, thì ông chọn gốm, vì sứ thì khó địch nổi với nhiều hãng trên thế giới. Còn sản phẩm gốm có tồn tại được hay không ngoài yếu tố tạo hình, phần lớn là do men quyết định. Cuộc thử nghiệm bắt đầu.

Đêm đêm, đợi vợ con đi ngủ, ông bí mật cho sản phẩm vào lò nung. Ông nhận ra rằng, màu sắc mà ông vẫn vẽ như hồi ở Trường Mỹ thuật, thì không chịu được nhiệt. Thay thế nó phải là những men ô-xít kim loại. Các màu sắc phải cùng chịu nhiệt như nhau. Điều cuối cùng là do thần lửa góp sức, nói cách khác là do kinh nghiệm nung của người điều hành ngọn lửa.

Ông hồi hộp, nín thở chờ đợi giây phút sản phẩm ra lò. Cái nào đẹp thì tặng bạn bè, cái nào hỏng, thì nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân, rồi lẳng lặng quẳng xuống sông Hồng phi tang. Cứ như thế, hàng trăm mẫu mã mới ra đời, chiếm lĩnh thị trường.

Nếu bạn nghề bắt chước, ông vẫn giữ cốt cũ, nhưng chuyển gam màu men mới, vừa tiết kiệm công đoạn sản xuất, vừa thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người mua.

Mặt khác, ông vẫn không ngừng sáng tạo những nội dung thể hiện mới. Cùng là chiếc đĩa treo tường, nhưng Nguyễn Đức Dương lấy chất liệu men khô làm nền, trên đó vẽ tranh Đông Hồ, phố Phái… mà dân trong nghề gọi là "mình khô, hoa ướt", được du khách ưa chuộng, đặt hàng.

Đặc biệt là ông đã tạo ra men màu đồng để làm những sản phẩm gốm giả đồng rất đẹp, như Mặt trống đồng Ngọc Lũ, Cây đèn đồng…

Ở Cây đèn cổ giả đồng, ông đã dày công nghiên cứu kỹ lưỡng, mô phỏng, nâng cao thành sản phẩm vừa giữ được hồn cốt dân tộc, vừa mang được tính thời đại. Muốn vậy, ông lược bỏ phần hoa lá cầu kỳ, phức tạp, ngô nghê; dựa vào hoa văn cổ mà cải tiến họa tiết, sao cho đơn giản, chắc khỏe.

Nhờ những tìm tòi sáng tạo đó, một số sản phẩm của ông đã được Ban tổ chức Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới ngàn năm Thăng Long - Hà Nội tặng giải Vàng (2002); Ban tổ chức Ngày hội trang phục dân tộc và dạy nghề (thuộc Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội) tặng giải Vàng (2003); Bộ Văn hóa Thông tin tặng giải Tinh hoa; Chương trình Nghệ thuật Đông Dương, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội đồng Trung ương các HTX Việt Nam tặng giải thưởng Bàn tay vàng.

Có một kỷ niệm vui khiến ông rất cảm động. Đó là chiếc bình gốm men trắng vân tản của ông được Trung tâm Triển lãm Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trưng bày tại Hàng Ngang, đã có sức hấp dẫn một người khách, để rồi cuối cùng anh ta dốc hầu bao mua bằng được về tặng mẹ, kỷ niệm ngày anh ta hoàn lương ra trại cải tạo hòa vào cuộc sống cộng đồng.

Mãn nguyện và thành tâm, Nguyễn Đức Dương đã cung tiến một đôi Cây đèn cổ giả đồng lên Đền Hùng, một đôi cung tiến đình làng, nơi đã cho ông tay nghề, cùng sự nghiệp thành đạt như ngày nay.

Mong sao hậu sinh khả úy

Nguyễn Đức Dương có 4 người con, thì một nửa theo nghiệp bố. Chị cả Nguyễn Hải Đức sinh năm 1969, đã xây dựng gia đình và lập được cơ sở sản xuất đồ gốm riêng. Hai chiếc lọ men màu lam trang trí "Lý ngư vọng nguyệt" của chị cũng đoạt giải vàng và danh hiệu "Người có đôi bàn tay vàng" như bố.

Người con thứ ba, anh Nguyễn Đức Huy, sinh năm 1977, lại có năng khiếu hội họa từ nhỏ. Năm 10 tuổi, Đức Huy tham dự cuộc thi do Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức và đoạt giải A với nhóm tượng Rồng rắn, Chơi ô ăn quan, Chuyện thỏ và cáo.

Đức Huy cũng là đội viên duy nhất được chọn đi dự Trại hè thiếu niên tại A-rơ-tếch (Liên Xô). Em không quên mang theo những sản phẩm của mình để làm quà kỷ niệm cho các bạn thiếu nhi quốc tế, như cá sấu, voi mẹ voi con, mèo bắt chuột, khỉ bắt chấy v.v... Thích thú với những con vật ngộ nghĩnh đó, một bạn nhỏ Đức cũng tặng Huy một con chim nhựa.

Trở về Bát Tràng, Huy nghiên cứu con chim nhựa, rồi sáng tạo ra chim gốm, đổ nước vào thân chim, khi thổi, phát ra tiếng líu ríu như họa mi hót. Nhiều nhà bớt được khó khăn nhờ sản xuất hàng loạt chim gốm. Người ta biết ơn, gọi cậu là Huy "chim".

Huy "chim" lớn lên được bố hướng nghiệp, học xong trung cấp lại học tiếp Đại học Mỹ thuật. Tốt nghiệp trở về làng, Đức Huy lại nối nghiệp cha, mở xưởng gốm, tạo ra nhiều sản phẩm mang nét riêng của mình.

“Hàng ngày lên xưởng, bố làm việc bố, con làm việc con, giờ nghỉ, tôi đảo qua xem con làm thế nào. - Nguyễn Đức Dương tâm sự - Cái nào hay thì mình học, cái nào chưa được thì mình góp ý. Con có năng khiếu, lại được học hành cơ bản hơn bố, còn bố giàu kinh nghiệm hơn con, hai thế hệ bổ sung cho nhau”.

Rồi ông Dương kể về cách truyền nghề cho con. Thường là ông đưa ra những thất bại của mình. Một lần, Hà Nội tổ chức triển lãm kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô, người ta đặt một mặt trống đồng Ngọc Lũ cỡ lớn. Ông để con làm.

Đức Huy quá tin vào khả năng của mình, nên sản phẩm ra lò là rạn nứt, cong vênh. Ông nhắc, chỉ còn nửa tháng nữa là tới thời hạn giao sản phẩm, thì Huy nói như một điệp khúc: "Bố cứ yên trí…".

Nhưng yên trí làm sao được khi 15 chiếc mặt trống liên tiếp không thành công. Cuối cùng, Huy đành chịu thua và phải hỏi ý kiến bố.

Lúc bấy giờ, ông Dương mới bật mí: "Con phải tính đến độ co cơ học của vật liệu. Vả lại, kích cỡ sản phẩm quá to, khi vận chuyển vào lò phải tính toán lực phân đều suốt vành sản phẩm. Muốn thế, con phải làm như sau…".

Rồi ông Dương truyền thụ những kinh nghiệm mà ông đã đúc kết qua bao lần thất bại. "Phải qua nhiều lần thất bại mới có được một lần thành công, con ạ…"

Lê Trung Đản
.
.
.