Rồi mình tự nắm tay mình đón xuân

Thứ Hai, 21/03/2005, 10:41
Nói về anh, người ta luôn nghĩ tới người đàn ông có trực giác mạnh, luôn soi thấu tâm can người khác. Anh bảo, đó là hệ quả của nghề đạo diễn. Lợi thế ấy sẽ thật tốt khi đi ngoại giao. Nhưng sẽ là nhược điểm trong những cuộc kiếm tìm hạnh phúc...

Hà Nội giao thừa nào cũng vắng bóng một đạo diễn nổi tiếng. Người đàn ông với đôi mắt trĩu buồn và hàm râu quai nón rậm rạp như cánh rừng nguyên sinh không buồn cạo thấy lạ lẫm với phố xá trong những ngày thiên hạ đón xuân sang. Anh nổi tiếng là mát tay, mỗi bộ phim đều tạo ra một loạt diễn viên mới, trẻ và đẹp. Xung quanh anh là hàng trăm nhan sắc, mỗi nhan sắc là một mũi tên và không ít người coi mối quan hệ với anh là vũ khí để tấn công màn bạc và để nổi tiếng.  

Và thật kỳ lạ, mỗi năm anh chỉ làm một bộ phim, kể cả “mì ăn liền” truyền hình dài 54 tập hay “dưa muối” phim truyện nhựa dài chín chục phút, nhưng tất cả đều kết thúc khi mùa đông chuẩn bị đi qua. Sau mỗi  bộ phim, thấy như bị rút sức, anh lặng lẽ về lại căn gác nhỏ, về với cô con gái nhỏ bé mà anh yêu quý hơn mọi châu báu của mấy ngàn năm nhân loại gộp vào. Anh là Lưu Trọng Ninh, người của Canh bạc, Hãy tha thứ cho em, Ngã ba Đồng lộc… và vừa tạo cơn sốt tại Sài Gòn với 54 tập Dốc tình của TFS.

 

Nghệ sĩ không cá tính thì cả đời sẽ là nghệ sĩ vô danh. Nhưng cá tính mạnh ấy dễ gây cảm giác bất ổn và mất mát. Giờ đây, như một con thú từng trúng đạn, tuổi bốn mươi nhắc Lưu Trọng Ninh phải tỉnh táo trong những quyết định mang tên hạnh phúc và tình yêu.

 

Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, Lưu Trọng Ninh tìm về với mẹ, người phụ nữ đẹp hoàn hảo và dịu dàng luôn vỗ về anh như một chú bé con. Nhưng rồi mẹ anh cũng không ở với anh. Cái tết đầu tiên không còn mẹ, Lưu Trọng Ninh thấy mắt mình cay xè khi nhìn những chùm pháo bông rực rỡ mang mùa xuân về thành phố. Chịu không nổi, anh chui vào trong xe và lặng lẽ rời phố phường.

 

Từ năm đó, anh thường chơi với cô con gái đến 22 giờ ba mươi tết, khi con phải về nhà với mẹ, Lưu Trọng Ninh lại lặng lẽ lên xe. Anh sợ tết, sợ giao thừa chật hẹp trong căn gác của mình. Anh đi ra ngoại thành, về các tỉnh, một mình rong ruổi khắp đường quê. Lang thang vô định, như một người lữ hành cô độc giữa muôn ngàn đoàn tụ của cuộc đời…

 

Một người nữa cũng thích lang thang một mình trong ngày tết là tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái. Vài năm trở lại đây, chị hay có thói quen dậy sớm vào sáng mùng một, khi trời bảng lảng sương, phố phường yên ả hiếm có trong cả một năm tấp nập bề bộn. Chị xách xe ra đường, đi dọc những con phố thơ ấu, ngắm nhìn những biến thiên của đời sống trong không gian hoài niệm. Không phải ai cũng nghiệm ra Hồ Gươm đẹp nhất lúc 7 giờ sáng ngày mùng một như chị.

 

Và không phải ai cũng nhớ được thói quen đẹp, sáng mùng một tới bưu điện gửi một lá thư, một tấm thiệp cho bè bạn, người thân. Chị đi một mình, đi mãi đến khi nào cảm thấy mình cần quay lại vì biết con gái chị đang đứng đợi ở bậc thềm. Chị nghiên cứu sâu về folklore và trân trọng những mỹ tục xưa cũ. Gói bánh chưng đẹp, làm cỗ giao thừa ngon, nhưng chị bắt đầu cảm thấy mỏi mệt khi tết đến. 6 cái tết ở Nga, mỗi lần giao thừa lại phải chưng 2 cái đồng hồ để chạy theo hai múi giờ Nga và Việt, đếm tích tắc trong căn phòng giá lạnh mà nao buồn nhớ quê nhà.

 

Rồi hạnh phúc riêng tư trôi đi, những tình yêu chân thành của chị cũng lặng lẽ xếp nếp trong ngăn túi ký ức. Dù chị không đặt ra điều kiện, cũng không cay nghiệt, nhìn phớt trên đầu đàn ông, nhưng trái tim có những lý lẽ riêng và tình yêu không phải là phép cộng đơn giản. Truyện ngắn Ngồi đợi ở bậc thềm của Minh Thái giống như những trang đời chị ghép lại, một truyện ngắn mà chị chỉ dành cho những người thân thiết đọc để biết chứ chưa từng công bố. Để đến khi đọc tới dấu chấm cuối, người ta thấy lòng mình như tan hoang hết.

 

Vì chiếc bánh hạnh phúc quá bé nhỏ, lại không bao giờ được chia đều khẩu phần như những đĩa cơm bộ đội. Người thì săn đuổi đến khi lòng hoang hoải, người thì yên ổn mà hạnh phúc đến tận lúc im lìm dưới ba tấc đất dày. Cái cảm giác tan hoang về hạnh phúc ấy hệt như một đứa trẻ nghèo mong ngóng cả năm cho ba ngày tết, thấy lòng mình sao mà rộng dài trong suốt đêm mùng ba. Vì nó biết, ngày mùng bốn sẽ không còn bánh chưng, không còn sự sum vầy của gia đình bên mâm cỗ tết, hết cả tiền lì xì và những lời chúc tụng. Và hơn một lần trong đêm mùng ba nó mong ước, giá như đêm nay mới là đêm ba mươi…

 

Chị bảo rằng, chỉ cần một người đàn ông yêu mình gần được như mình yêu họ và không được vắng mặt trong những biến cố quan trọng của đời sống thì chị sẵn sàng vứt bỏ tất cả để đi đến tận cùng. Thế nhưng, không muộn duyên hay hẩm phận, vậy mà giờ này vẫn chưa có ai đồng hành cùng Minh Thái trên những chuyến bay dài của cuộc đời. Đón 22 cái tết một mình, ban đầu chị thường ngồi trong phòng và khóc. Nhưng rồi chị quyết định không khóc nữa, một cảm giác quyết liệt mà chị buộc phải thú nhận với mình. Đến mức chị nhận ra được cả vẻ đẹp của sự cô đơn. Cái sự  cô đơn ấy chị ví như người đã bỏ quên giấc ngủ trưa lâu quá, rồi đến một ngày họ nhận ra rằng mình đã không cần ngủ trong mỗi lúc trưa về.

 

Năm 2004 là 365 ngày bận rộn với Võ Thị Xuân Hà. Đây cũng là năm người phụ nữ bước vào độ hồi xuân căng hết hồn vía mình cho văn học. Hai tập tiểu thuyết đầy đặn lần lượt đến với bạn đọc chỉ cách nhau một tháng, cuốn nào cũng đầy nữ tính, bạo liệt, sexy, có cả những mất mát, nhưng trên hết cả vẫn ứa tràn một khao khát sống, khao khát tình yêu đến cuồng nhiệt. Bạn bè bảo chị, sao mà dại thế, viết văn làm gì nhiều, giá mà chú tâm đến chuyện hôn nhân có phải đã làm bà đại sứ không?

 

Quả là có một nhà ngoại giao phương Tây có ngỏ ý với chị, ngỏ ý tha thiết. Nhưng chị sợ, giống như con thú một lần bị thương, chị đùa với bạn, lỡ lấy người ta rồi mình lại chẳng viết văn được nữa thì chết. Nhưng trong sâu thẳm, chị vẫn tin vào duyên số và vẫn chưa khi nào nghĩ mình đã cạn duyên. Tết này chị làm gì? – Tôi hỏi chị. Xuân Hà ngồi trầm tư nhìn ra những tàn lá rậm ngoài lề phố Lê Ngọc Hân, nơi câu lạc bộ kết bạn Cầm Kỳ do chị sáng lập mới đi vào hoạt động.

 

Chị bảo, cũng chưa biết, nhưng sao mà sợ tết thế. Mấy chục năm, giao thừa nào chị cũng nhớ Huế và nhớ mẹ đến cồn cào. Bây giờ hai cô con gái ở với bố, chúng chỉ về ngủ với chị đêm ba mươi. Và cũng chỉ khi ấy chị mới ở nhà, còn lại chị lấy công việc, quán xá làm vui. Sáng sớm mùng một chị lặng lẽ dậy đi chùa, tự an ủi mình với một ao ước bình yên. Rồi chị về nhà xem phim, hay đọc sách. Chị ít đi chơi tết vì thấy cứ tẻ nhạt. Cũng không mời ai về nhà, vì đây là “nơi trú ẩn cuối cùng” mà chị không muốn cho ai biết. Mùa xuân năm 2000, người đàn ông đã thề thốt yêu thương Xuân Hà như yêu máu thịt mình lặng lẽ bỏ chị ra đi.

 

Chị đã khóc, để rồi lại cười vào cái sự khóc của mình. Chị ốm quặt quẹo đến nửa năm trời. Không phải vì tiếc nuối hay đau tủi cho một tình yêu mà vì thấy sợ, thấy mất niềm tin vào con người. Giờ thì chị gần như tĩnh lặng trước những ngang ngược của đời sống, tất cả chị dồn vào những trang viết. Chị đang lặng lẽ viết tiếp một cuốn tiểu thuyết. Mà tôi biết, chúng sẽ đẹp hơn nước mắt rất nhiều.

 

Có lẽ hiếm ai đã ngoài 40 mà vẫn… bàng quan với chuyện hạnh phúc riêng tư như diễn viên hài Quốc Khánh. Gặp anh những ngày cuối năm ở Nhà hát kịch Việt Nam, anh đang loay hoay bảo dưỡng con Fiat để đi chúc tết với bạn. Thế không cần một người cho mình ngủ gục trên ngực mỗi khi say khướt sao? Quốc Khánh cười, mắt hằn đều đặn những vết thời gian, đó là chuyện duyên số, tính sao lại với trời. Đàn ông ai chẳng muốn vợ đẹp, con khôn, nhưng số tôi nó thế.

 

Quốc Khánh có một gia đình hạnh phúc, có mẹ và các chị lo cho từng giấc ngủ, miếng ăn. Mẹ anh đến giờ này vẫn thắc thỏm mỗi khi anh đi chơi giao thừa về muộn. Năm nào anh cũng được chúc “cuối năm lấy vợ”, tết nào mẹ anh cũng hí hửng với những câu chúc ấy, nhưng rồi nhiều năm quá, nhiều lời chúc lại hóa mất thiêng. Bây giờ anh cũng ít đi chơi tết, cả năm chạy long tóc gáy ngoài đường, cuối năm ở nhà vui với mẹ. Ra tết anh sẽ xếp lại mọi chuyện để vào vai chính trong bộ phim nhựa Áo lụa Hà Đông.

 

Thế là đã gói hết cả năm những dự định dài kỳ rồi, nên vợ con cũng chưa tính đến. Có vẻ như đời anh ít biến động, cuộc sống cũng yên hàn. Điều đó chưa hẳn là niềm vui nhưng cũng không chắc là nỗi buồn. Hạnh phúc hay bất hạnh vốn bắt đầu từ những quan niệm. Và trong lăng kính của mỗi người, hạnh phúc là những cái bình khác nhau nhưng không bao giờ thông đáy…

 

Một danh nhân từng nói, yêu là không bao giờ phải nói rất tiếc. Tất cả những nhân vật trong bài viết này đều có những tình yêu đẹp, có những hạnh phúc riêng tưởng như vẹn tròn. Nhưng rồi mọi thứ vuột khỏi tay, không hẳn do họ làm nghệ thuật mà hạnh phúc mong manh hơn. Khi nghĩ lại những điều đã đánh mất, tất cả đều nghĩ rằng đó là những tháng ngày đẹp và họ đã sống hết mình.

 

Và bây giờ, họ như những người đang đứng trên sân bay chờ quá cảnh. Họ sẽ lên một chuyến bay nào đó. Và rồi cũng sẽ có người đồng hành với họ trong những chuyến bay vô hồi hạn của loài người. Hạnh phúc bao giờ cũng có đôi..

Toàn Nguyễn
.
.
.