Rơi lệ với những trang viết về đồng đội

Thứ Năm, 11/12/2014, 08:26
Thành công với những tiểu thuyết viết về người lính như “Mai-pi-muôn”, “Nơi không có mùa đông”, “Những tầng cây săng lẻ”, “Một buổi sáng nhiều chim”… Châu La Việt chia sẻ rằng, anh cảm ơn những năm tháng là người lính, bởi chặng hành trình đầy gian khổ thiếu thốn ấy lại chính là một động lực, một nguồn sống để những người viết như anh được chiêm nghiệm, được hồi ức và được sống thêm những ngày tháng có ý nghĩa trong thời bình. Đầu tháng 12 này, anh đã xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ 6 của mình mang tên “Tiếng chim hót lánh lót trong rừng”. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với nhà văn Châu La Việt.

- Thưa nhà văn Châu La Việt, chỉ trong vòng hai năm qua, anh đã có tới 4 tiểu thuyết viết về người lính, viết về những kỷ niệm, hồi ức của mình những năm tháng chiến tranh, mỗi cuốn sách là một dấu ấn khó quên. Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết mới nhất “Tiếng chim hót lảnh lót trong rừng” đã ngay lập tức được đưa vào chương trình đầu tư sáng tác văn học đề tài Chiến tranh cách mạng năm 2014 (Bộ Quốc phòng). Anh có thể chia sẻ đôi nét về cuốn sách này?

Nhà văn Châu La Việt và các nhà thơ Hồng Thanh Quang, Trần Đăng Khoa (từ trái qua).

- Nhiều năm tôi là một người lính ở một binh trạm (BT) làm nhiệm vụ vận chuyển và chiến đấu tại mặt trận miền Tây, góp phần giành lại Cánh đồng Chum cho lực lượng Pathet Lào. Thời gian trôi qua, năm 2011, tôi cùng những người bạn Nguyễn Hiệp, Nguyễn Hiếu, Trần Minh Văn, Trịnh Dũng, Lê Đình Đạo… sang Thủ đô Viêng Chăn của nước bạn Lào và được một người con trai của Chủ tịch Xuphanuvông đang giữ cương vị là Thứ trưởng trong chính phủ Lào cũng như đại sứ của ta ở Lào lúc ấy là nhà thơ Tạ Minh Châu đón tiếp rất ân tình. Đêm ấy trong một khách sạn tầm cỡ 5 sao ở Viêng Chăn, khi các bạn đã yên ngủ, riêng tôi lại nằm… khóc! Nước mắt cứ trào ra khi nhớ lại những ngày tháng chiến đấu ở BT 13 mặt trận Xiêng Khoảng - Lào, nhớ lại tuổi 17 của mình với chiếc ba lô cóc và khẩu súng trên vai, một đêm chiến tranh lội qua Nậm Tiền - Nậm Mật, khi thì nước sông loang loáng ánh bạc, khi thì bừng sáng vì pháo sáng quân thù… Vâng, cái đêm tuổi 17 lần đầu sang Lào ấy, và rồi nhiều năm tháng chiến đấu ác liệt ở Bản Ban, Nọng hét, Phu lốc cốc… để giúp các bạn Lào giành lại Cánh đồng Chum, để giải phóng nhân dân các bộ tôc Lào. Ngay lúc ấy, trong ký ức tôi hiện lên hình ảnh Chính ủy Dư Cao và BT 13 của tôi với bao sự tích hào hùng những năm tháng ấy, bao vẻ đẹp cao quý của người lính những ngày tháng ấy, lẽ nào theo nước con suối kia, theo con gió cánh rừng kia, một đi không trở lại? Và văn học, văn học sẽ, và phải làm được điều này… Sau chuyến đi Viêng Chăn ấy, tôi đã từ TP Hồ Chí Minh bay ra Vinh, rồi theo con đường 7 trở lại những con đường, những cánh rừng năm xưa. Tôi đã quỳ xuống vã lên mặt mình nước dòng sông Lam, quỳ xuống uống dòng nước trong vắt của sông Nậm Mật, Nậm Tiền… Và rồi đêm ấy, tôi đã bắt đầu những dòng viết đầu tiên cho câu chuyện này.

- Vậy là nhân vật Chính ủy Dư Cao là nhân vật có thật làm nên cuốn tiểu thuyết. Phải ghi nhận đó là một hình tượng người chính ủy trong Quân đội với một hình tượng đẹp. Viết về ông trong quãng thời gian ông đã mất, anh có gặp phải những khó khăn gì?

- Tôi có một sự ân hận giá như tôi viết tiểu thuyết này sớm hơn, để chính ủy thân yêu của tôi và một số những  đồng đội khác có thể đọc. Toát lên ở người chính ủy này, là một chữ Nhân đậm đà và rất đẹp. Ông yêu thương đồng đội, chiến sỹ, biết chăm sóc họ và tác động tích cực đến họ để họ thành những sức mạnh lớn lao cho đơn vị, cho quân đội, cho dù họ ở hoàn cảnh nào... Sau khi cuốn sách hoàn thành, tôi nhận được sự đầu tư của Bộ Quốc phòng. Với tôi, đó là một niềm hạnh phúc lớn và tôi đã chia sẻ số tiền ấy (32 triệu đồng) thành 10 suất để gửi tặng những người lính viết văn có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi. Họ là những đồng đội cũng say mê văn học và ngày đêm âm thầm vượt mọi hoàn cảnh để sáng tác về người lính và chiến tranh cách mạng, như một sự tri ân.

- Anh là người đi qua chiến tranh và khá thành đạt ở thời bình, tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng, anh chưa bao giờ thoát mình ra khỏi những ngày tháng nằm gai nếm mật ấy. Đó phải chăng cũng là một nguồn “cảm xúc” anh muốn nuôi dưỡng để viết văn?

- Tôi thầm cảm ơn cuộc đời vì cho mình một trí nhớ tốt để có tư liệu sống mà viết văn. Tôi lên đường nhập ngũ năm 1969, sau mấy tháng huấn luyện ở Ninh Bình trong đội hình Sư đoàn 320 B. Chúng tôi sớm được tung vào mặt trận, bởi chiến tranh lúc này đã rất quyết liệt. Nhiệm vụ ban đầu của tôi là pháo thủ chiến đấu ở một đơn vị pháo 37 ly thuộc BT 11, rồi BT 13 (Cục Vận tải quân sự) bảo vệ con đường vào mặt trận Cánh đồng Chum. Khép lại những vần thơ rạo rực tuổi thanh xuân, khép lại một tình yêu văn học vô bờ bến, tôi trở thành một người lính chiến thực sự, quần áo tả tơi vì lửa đạn, sống thường trực trên những mâm pháo, ngày và đêm đối mặt với bom đạn. Tôi và đồng đội cũng luôn sẵn sàng tinh thần bất kể lúc nào mình cũng có thể ngã xuống trên mâm pháo… Sau này tôi bỗng nhận được quyết định về cơ quan tuyên huấn của binh trạm, cũng ở ngay giữa mặt trận, nhưng trong một cánh rừng già có phần yên tĩnh hơn trận địa chiến đấu. Lúc này ở BT có nhà văn Phan Trung Nhân, Trung sĩ, trợ lý tuyên huấn. Anh đã từng có truyện ngắn được in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Còn tôi thì cũng vì có thơ in ở Báo Văn nghệ (Tuổi trẻ Trường Sơn), lại có mẹ là ca sỹ (Tân Nhân, nổi tiếng với bài hát “Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - PV) nên được BT gọi về để phiên chế vào đội Tuyên Văn mới thành lập và được giao nhiệm vụ viết kịch cho đội. Thế là từ đây, tôi bắt đầu gắn với cây bút: viết kịch bản, viết bản tin “Đường phía trước”… Tôi luôn nghĩ, văn học về đề tài chiến tranh cách mạng không bao giờ vơi cạn, và tôi đang ấp ủ nhiều dự định để có thể góp phần vào dòng chảy đó.

- Xin cảm ơn nhà văn Châu La Việt!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.