Rất khó quản lý ca sĩ lưu diễn nước ngoài dưới danh nghĩa du lịch

Thứ Bảy, 26/02/2005, 07:02
"Hiện nay, nhiều ca sĩ có được những hợp đồng biểu diễn ở nước ngoài trong những chuyến du lịch. Có trời mới biết được họ đi du lịch rồi mới có hợp đồng biểu diễn hay có hợp đồng biểu diễn rồi mượn cớ đi du lịch. Nói chung sự thật thà mà các nhà quản lý trông chờ vào các ca sĩ có vẻ... hiếm lắm!”, ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật và Biểu diễn, nói.

- Thưa ông, hiện nay, các nghệ sĩ nói chung và ca sĩ nói riêng của ta đi lưu diễn ở nước ngoài không còn là chuyện hiếm?

- Theo chủ trương của Nhà nước, chúng ta mở cửa và hội nhập về văn hóa để tạo điều kiện cho các ca sĩ của ta ra nước ngoài và các nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn. Theo quy định này, chúng ta thường có ba hình thức lưu diễn: thứ nhất, theo hiệp định văn hóa giữa hai nước, nghĩa là đi biểu diễn theo đường ngoại giao hay còn gọi  là lưu diễn một cách chính thống; thứ hai, lưu diễn theo hợp đồng ký kết giữa các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, Hội Việt kiều... Nói tóm lại là biểu diễn để làm kinh tế; thứ ba, đi du lịch rồi kết hợp biểu diễn tại nước ngoài.

- Nghĩa là các ca sĩ được phép đi du lịch rồi kết hợp biểu diễn ở hải ngoại dù trước đó chưa thông qua cơ quan quản lý trong nước về giấy phép, tiết mục trình diễn...

- Trước kia, Quy chế 32 về hợp đồng biểu diễn của ngành nghệ thuật không đề cập đến vấn đề này, cho nên sau khi phát sinh việc một vài ca sĩ đi du lịch nước ngoài rồi kết hợp biểu diễn đã khiến chúng tôi phải soạn thảo và cho ra đời Quy chế 47 nhằm bổ sung sự quản lý của các nhà chức trách đối với các ca sĩ vừa đi du lịch vừa biểu diễn.

Phải nhắc lại rằng, trước khi thực hiện Quy chế trên, chúng tôi đã phải bàn luận cũng như tranh cãi rất nhiều để đi đến quyết định. Cuối cùng, chúng tôi quy định: đối với các ca sĩ trong nước khi đi du lịch nước ngoài, nếu được mời biểu diễn, cho phép tham gia. Nhưng trước khi tham gia biểu diễn phải báo cáo với Đại sứ quán Việt Nam tại quốc gia đó, thông báo cho cơ quan quản lý ở trong nước, đồng thời phải làm lại visa về mục đích xuất cảnh. Nếu không thực hiện được những bước trên thì khi trở về Việt Nam, phải làm báo cáo để nộp ngay cho cơ quan quản lý Nhà nước.

- Như ông biết trong thực tế đã có ca sĩ nào đi du lịch lại có hợp đồng biểu diễn mà báo cáo cho Đại sứ quán Việt Nam hay thực hiện bất kể một quy định nào mà cơ quan quản lý của ông đặt ra chưa?

- Theo tôi biết thì có rất ít nếu như tôi không muốn nói là chưa.

- Vậy những đối tượng ca sĩ nào thường làm như vậy, thưa ông?

- Chủ yếu rơi vào những nghệ sĩ tự do, đặc biệt là những “sao” không thuộc nhà hát hay cơ quan Nhà nước. Phải thú thực rằng, mặc dù ở trong ngành thật, nhưng nhiều khi chúng tôi lại biết chậm về những chuyến lưu diễn ở nước ngoài của các ca sĩ. Phải qua thông tin của báo chí, chúng tôi mới hay. Như vụ Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc biểu diễn ở Mỹ thời gian vừa rồi tại Pechanga Resort & Casino và Pala Resort & Casino, nhờ tin tức trên hệ thống thông tin đại chúng chúng tôi mới biết. Nếu vụ này trót lọt, chắc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng “qua mặt” được cơ quan quản lý như 3 show diễn ở San Jose, 3 show ở Hollywood Panic Casino, 6 show ở Atlantic, vũ trường Majestic (tất cả đều ở Mỹ) vào năm ngoái.

- Thưa ông, thực tế của những chuyến lưu diễn này là giao lưu văn hóa, quảng bá nghệ thuật hay...?

- Thực tế chỉ là kiếm tiền. Theo tôi biết những chuyến lưu diễn như vậy của các ca sĩ mang lại cho họ rất nhiều tiền, nghe đâu như Đàm Vĩnh Hưng, chưa phải là một ngôi sao sáng nhất, nhưng cátsê cũng lên đến hàng ngàn đôla. Tuy nhiên, những chuyến lưu diễn thành công chỉ diễn tại nhà hàng. Và họ chỉ được trình diễn tại các nhà hàng, quán bar... chứ không phải là sân khấu uy tín gì tại hải ngoại. Một nghệ sĩ chân chính, hết lòng vì sự nghiệp nghệ thuật theo tôi không bao giờ đi trình diễn như vậy.

- Có lý do cho rằng, sở dĩ một số ca sĩ phải mượn cớ đi du lịch nước ngoài để biểu diễn là vì không muốn hầu bao của mình xẹp xuống do phải nộp thuế cho quốc gia họ đến lưu diễn và cho cơ quan thuế của Việt Nam vì thu nhập cao. Ông suy nghĩ như thế nào về nguyên nhân này?

- Theo tôi đúng như vậy chứ không hoàn toàn là lý do như một số ca sĩ cho biết: thủ tục xuất cảnh đối với ca sĩ đi lưu diễn nước ngoài nhiêu khê. Đó  là sự ngụy biện cho việc làm không công khai của một số ca sĩ trong việc lưu diễn. Về vấn đề này, tôi muốn nói thêm, để các ca sĩ làm tròn trách nhiệm của mình trước Nhà nước về nộp thuế, ngành thuế nên tham gia theo dõi việc xuất cảnh của các nghệ sĩ. Cục Nghệ thuật và Biểu diễn đã có một số buổi làm việc với Cục Thuế để bàn biện pháp trong thời gian tới. Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện bằng cách cung cấp những lịch trình lưu diễn nếu có hoặc những địa chỉ trên mạng thường xuyên quảng cáo chương trình biểu diễn của ca sĩ tại nước ngoài.

- Sau tất cả những gì chúng tôi trao đổi với ông từ đầu đến giờ thì có lẽ công tác quản lý đối với việc ca sĩ biểu diễn ở nước ngoài dưới vỏ bọc du lịch dường như chưa hiệu quả. Ông có nghĩ vậy không?

- Đúng là công tác quản lý của chúng ta trong vấn đề này thiếu chặt chẽ. Sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng còn thiếu như ngành an ninh, ngoại giao và cơ quan quản lý nghệ thuật... Chế tài xử phạt các ca sĩ đi lưu diễn ở nước ngoài không báo cáo chưa đến nơi đến chốn. Đặc biệt là đối với ca sĩ tự do thì chưa kịp thời ra quy chế để có “tóc mà nắm” khi họ vi phạm. Nói chung là còn nhiều bất cập. Nếu thực hiện nghiêm túc Quy chế 47 chắc sẽ không còn tình trạng trên.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này

Tú Anh
.
.
.