Rắc rối chuyện thu bản quyền bài hát trên phim 3 lần

Chủ Nhật, 07/06/2009, 11:48
Bản quyền các bài hát trả cho nhạc sĩ là đúng rồi. Vậy các nhạc công chơi giai điệu đó hay ca sĩ hát bài hát đó họ có được hưởng một phần trong cái số tiền bản quyền mà Trung tâm bản quyền âm nhạc thu kia không?

Sau những ngày công chiếu bộ phim truyện nhựa "Đừng đốt" do NSND Đặng Nhật Minh làm đạo diễn phục vụ những ngày lễ lớn (30-4, 1-5, 7-5 và 19-5 vừa qua) đã và đang có tiếng vang rất tốt của khán giả trong cả nước. Đoàn phim cũng như Hãng phim Hội điện ảnh Việt Nam vui mừng chưa được bao lâu thì phải đối diện với những lo âu về việc thanh toán bản quyền rất là rắc rối cho 2 bài hát mà đạo diễn dùng trong bộ phim này mà một số báo chí những ngày vừa qua đã đề cập đến.

Dùng cái gì, dùng của ai (bất kể là thơ ca nhạc họa hay truyện ngắn truyện dài) từ trước đến nay và cho đến sau này nữa cũng đều phải thanh toán tiền nhuận bút cũng như thù lao, bản quyền là điều đúng đắn mà ai cũng nhận thấy. Nhưng từ sự nhận thấy cho đến việc thanh toán đúng việc, đúng người, đúng lý, đúng tình cũng còn là một câu chuyện dài.

Trước tình hình đó nên Trung tâm bản quyền âm nhạc (xin viết là TT) ra đời mấy năm trước đây các nghệ sĩ nói chung, các nhạc sĩ nói riêng ai cũng mừng và thấy sự ra đời của TT này thật đúng lúc. Nhất là người đứng đầu TT này lại là nhạc sĩ nổi tiếng Phó Đức Phương lại càng khiến người viết bài này thêm bội phần bái phục. Nể trọng ông về tài năng qua các bài hát nổi tiếng mượt mà, sâu lắng như "Trên quê hương quan họ", "Hồ trên núi", "Chảy đi sông ơi",... nay càng nể phục ông đã dám tạm bỏ nghiệp sáng tác đang rạng rỡ của mình sang một bên để dành tất cả tâm sức lao vào việc bảo vệ quyền tác giả cho các đồng nghiệp. Người như thế thật quí và không phục sao được!

Biết TT đi từ những ngày khởi thuỷ gian nan đến bây giờ đã rất "hoành tráng" có trụ sở riêng do TT tự trang trải và con số trên 30 nhân viên (có nhiều luật sư) làm việc mẫn cán không kể ngày đêm.

Bàn tay dài của TT không chỉ đã vươn ra khắp nước mà còn ra cả nước ngoài (ký hợp tác bản quyền với 23 nước như nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc TT cho biết). Biết vậy nhưng cũng chả có dịp nào đến với TT nếu không có sự cố bản quyền 2 bài hát được đạo diễn Đặng Nhật Minh dùng trong bộ phim "Đừng đốt".

Một là bài hát "Bài ca hy vọng" dùng trong cảnh bác sĩ Đặng Thùy Trâm hát cho anh thương binh nặng nghe để mong anh dịu bớt cơn đau. Chị hát mới được mấy câu (khoảng vài giây) thì súng nổ, bom rơi báo hiệu giặc sắp càn tới. Cả trạm xá phải sấp ngửa dìu thương binh lánh đi…Và bài hát này được đạo diễn sử dụng lại ở cảnh cuối phim với hình ảnh Đặng Thùy Trâm trẻ trung trên chiếc xe đạp nữ sinh đi hút vào sâu khuôn hình. 90 giây tất cả cho 2 lần dùng.

Riêng bài này thì nhạc sĩ Văn Ký không có ý kiến gì. Bởi ngay từ khi dàn dựng đạo diễn đã có ý dùng bài này nên trên giênêric của phim đã ghi tên ông cùng tên bài hát. Chỉ rắc rối ở phần tiền bản quyền mà phía TT đưa ra ( xin sẽ đề cập đến ở phần sau).

Hai là giai điệu không lời bài "Thiên thai" của cố nhạc sĩ Văn Cao. Đạo diễn dùng cho cảnh mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sau một đêm thức trắng đọc nhật ký của con với những dòng nước mắt khô cạn nhưng sớm hôm sau bà vẫn ra tập dưỡng sinh cùng các cụ cao tuổi vì sợ mọi người đợi. Hành động này cho thấy bà mẹ liệt sĩ - bà mẹ Việt Nam nghị lực và cao đẹp biết nhường nào.

Bên bờ hồ mờ sương bà mẹ chị Đặng Thùy Trâm cùng các cụ tập chậm rãi trong giai điệu không lời bài "Thiên thai". (Đạo diễn đã dùng giai điệu này trong cảnh này thật đắc địa). Cảm xúc của người xem dâng trào nhưng việc thi hành luật bản quyền vẫn phải thực thi. Vì đó là luật!

Do trong lúc hoà âm ở Thái Lan, đạo diễn còn cân nhắc xem dùng nhạc gì cho phù hợp với cảnh này và cuối cùng mới quyết định dùng bài "Thiên Thai" nên phần giênêric không kịp ghi tên tác giả. (Tiêu đề bao giờ cũng làm sớm hơn phần hoà âm hậu kỳ).

Phần lỗi này, ngày 27/4  Hãng phim đã có công văn gửi đến gia đình nhạc sĩ Văn Cao xin lỗi trước khi phim được công chiếu trong toàn quốc tối 29/4 và Hãng đang khắc phục đề tên tác giả vào bản Negative (vẫn còn ở Thái Lan) cho những lần in những bản phim sau theo yêu cầu của gia đình mặc dù rất cách rách và tốn kém.

Nhưng, câu chuyện bản quyền hai bài hát này không dừng ở đây. Mà là ở con số 60 triệu do TT đưa ra. Lý do: Hãng phim (nơi sản xuất) và Fafilm (nơi được giao nhiệm vụ phát hành trong nước, chủ yếu là phục vụ nhiệm vụ chính trị có bán vé chăng cũng chỉ là bán thêm cho đỡ lãng phí mà thôi) cùng Công ty BHD (nơi sẽ phát hành bộ phim này ở nước ngoài và đưa dự Liên hoan phim quốc tế) tất cả là 60 triệu cần phải trả cho TT về 3 lần bản quyền (như trên đã nêu) cho 2 bài hát dùng trong phim "Đừng đốt!".

(Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam "biết thân biết phận" đã đem 5.280.000 đồng trả cho khâu sản xuất rồi). Hai nơi còn lại đang bàn bạc, trao đổi!

Vậy, vấn đề đặt ra không chỉ là số tiền bản quyền 60 triệu đồng cho hai bài hát mỗi bài sử dụng có 90 giây (trong khi nhuận bút của tác giả kịch bản cũng chỉ có 88 triệu đồng! Đạo diễn làm cả bộ phim nhuận bút cũng chỉ có vậy!) mà vấn đề nổi lên ở đây là tại sao lại thu những 3 lần bản quyền như thế cho 2 bài hát trong một bộ phim?

Giám đốc TT lý giải rằng sở dĩ thu bản quyền 3 lần như vậy là áp dụng từ việc in băng đĩa nhạc cũng phải trả 3 lần như thế nên phim cũng vậy thôi!!! Còn giá 60 triệu là có barem của nó. Tỷ như 1.800.000đồng  cho 1 phút ban đầu và 600.000 đồng cho phút thứ 2! Cứ thế mà tính và giá bản quyền khâu sản xuất khác với khâu phát hành! (Có phần rẻ hơn).

Liệu có khiên cưỡng quá không khi áp thu từ hình thức này sang hình thức khác? Còn barem như thế nào, ở đâu ra và ai duyệt cái barem ấy? Người viết bài này phải thú thật là rất mù mờ về mọi thứ, nhất là luật bản quyền thì lại càng mù mờ. Vì mù mờ nên nghe vậy thì thấy… hãi!

Không chỉ hãi ở số tiền bản quyền quá cao mà còn hãi ở chỗ dường như TT không cần biết bộ phim này làm để làm gì, làm vì ai và cho ai? Mọi người xem xúc động cứ việc xúc động. Tôn vinh sự cao cả, đức hy sinh của một thế hệ trẻ trung đã hy sinh vì đất nước thì cứ việc tôn vinh. Nhưng tiền bản quyền là bản quyền. Phải trả, phải nộp cho đúng barem, đúng luật! Không thì sẽ tư giấy cho các tổ chức liên hoan phim quốc tế, họ mà biết bộ phim chưa thực thi bản quyền bài hát  trong phim thì họ sẽ dừng ngay bộ phim lại không cho tham gia nữa (một luật sư của TT "đe" như thế). Nếu vậy thì nguy to chứ chả chơi!

Dù có hãi đến mấy nhưng thâm tâm vẫn cảm thấy có cái gì đó hình như không ổn (hay chưa ổn) trong việc xử lý vụ việc này với bộ phim "Đừng đốt". Và chắc chắn sự việc sẽ còn  tiếp diễn như thế với những bộ phim được làm sau này nếu đạo diễn nào còn dùng những bài hát của các nhạc sĩ trong phim của mình!

Và, vô hình trung, để tránh sự phiền hà cách rách mất thời gian công sức, tiền bạc và quan trọng hơn là mất mối quan hệ tình cảm, tốt hơn hết là không dùng các bài hát của các nhạc sĩ nữa dù bối cảnh tình huống của câu chuyện có cần đến mấy! Chao ôi, nếu điều này xảy ra thì sẽ thiệt thòi cho người xem biết bao nhiêu!

Từ vấn đề bản quyền âm nhạc này suy sang lĩnh vực nghệ thuật khác thử hỏi tác giả kịch bản hay nhà văn có sách được chuyển thể thành kịch bản liệu có được hưởng bản quyền 3 lần như bài hát của các nhạc sĩ không? (Người sản xuất phải trả 1 lần này, công ty tổ chức biểu diễn hay phát hành phải trả một lần này, nếu phim đưa đi liên hoan phim quốc tế hay phát hành ở nước ngoài cũng được hưởng lần nữa này). Bởi lẽ giá trị của các loại hình nghệ thuật cần được tôn trọng như nhau. Không lẽ các nhạc sĩ được hưởng vậy, các nhà văn, nhà biên kịch lại không?

Bản quyền các bài hát trả cho nhạc sĩ là đúng rồi. Vậy các nhạc công chơi giai điệu đó hay ca sĩ hát bài hát đó họ có được hưởng một phần trong cái số tiền bản quyền mà TT thu kia không? Nếu không có họ thì giai điệu nhạc cũng như giai điệu bài hát đó cũng chỉ là giai điệu chết mà thôi. Họ có được hưởng cả 3 lần như TT tuyên bố và đã từng truy thu kia không?

Người viết bài này cũng cứ thử mạnh dạn nêu ra thế để được những luật gia am tường về vấn đề này giảng giải. Để làm sao cho các nghệ sĩ được thụ hưởng thành quả lao động của mình một cách chính đáng và những người sử dụng những lao động đó cũng biết ứng xử đúng luật để không còn sự vi pham nào nữa- dù sự vi phạm vô tình hay hữu ý, dù ở bất cứ phương diện nào và nhân danh cái gì

6/2009
.
.
.