Ra rạp hay dự Oscar?

Chủ Nhật, 13/07/2008, 22:30
Giới điện ảnh Việt Nam tuần qua lại nóng lên việc phim nào sẽ được gửi đi dự giải thưởng điện ảnh của Mỹ - giải Oscar 2009.

Năm nay, Việt Nam là một trong 96 nền điện ảnh được Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ mời đưa phim dự hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất. Bộ phim "The Counterfeiters" của điện ảnh Áo đã giành chiến thắng cho hạng mục này vào mùa Oscar 2008. Nếu đã xem bộ phim này, khán giả sẽ hiểu "gout" của giám khảo Oscar và phim Việt Nam chưa có gì đáng nói.

Tin từ Cục Điện ảnh, chưa có bộ phim nào chính thức được chọn. Nhưng với tất cả những gì mà điện ảnh Việt Nam "khoe" với dư luận trong nước thì đều thiếu sức hấp dẫn và cơ may lọt vào hạng mục đề cử phim hay nhất là gần như không có, ngoại trừ một phép mầu! Chỉ cần so sánh với "Mùa len trâu", một phim tham dự Oscar và có vẻ tiếp cận gần nhất với hạng mục này của điện ảnh Việt Nam cũng thấy, những bộ phim chúng ta sản xuất năm vừa qua không có gì để nói nhiều. Tất nhiên, như "Mùa len trâu" cũng không "sủi tăm" ở giải này. Tiếp theo đó là "Chuyện của Pao", "Áo lụa Hà Đông", tin gửi đi dự thi thì có, tin hồi đáp về giải thưởng thì không. Phim Việt Nam gửi đi dự Oscar với tâm thế "cho có với người ta".

Năm nay, hai ứng cử viên lớn cho cuộc dự thi này là "Rừng đen" của đạo diễn Vương Đức và "Trái tim bé bỏng" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Đây là hai bộ phim đã được giới báo chí "mổ xẻ" khá kỹ trong giải Cánh diều vàng 2008. Khi ấy "Trái tim bé bỏng" được tôn vinh, còn "Rừng đen" chỉ được đưa vào đề cử và giành giải thưởng nhỏ. Đã có dư luận cho rằng "Rừng đen" bị vùi dập.

Còn dư luận ngược lại cho rằng "Rừng đen" chính là "phần hai" của bộ phim "Những người thợ xẻ" mà Vương Đức đã thực hiện trước đó gần 10 năm. Và "Trái tim bé bỏng" cũng là một bản kéo dài từ "Đời cát". Nghĩa là về đề tài, hai bộ phim này đã có sự "thâm canh" của chính hai đạo diễn. Hai bộ phim không dở, có thể nói là những bộ phim có cảm xúc. Nhưng chỉ là như thế. Không xuất sắc so với chính họ. Và cũng không xuất sắc trong cảm nhận chung của khán giả.

Tất nhiên, khán giả ở đây là nhóm khán giả khá khiêm tốn, chủ yếu là báo giới và những người làm điện ảnh. Còn khán giả theo nghĩa phổ thông thì cả "Trái tim bé bỏng" và "Rừng đen" đều chưa được đông đảo khán giả biết đến, thậm chí "Rừng đen" còn chưa xuất hiện trên hệ thống rạp chiếu. Thế nên với khán giả Việt Nam, những bộ phim này dù có tham dự hàng trăm liên hoan phim thì cũng không mang lại cho họ nhiều ý nghĩa cho lắm. Với mỗi bộ phim, được xem là điều quan trọng nhất chứ không phải là việc phủ lên nó những lớp áo của hào quang.

Phim dự Oscar thì không có nghĩa hay hơn chính nó trước khi tham dự. Câu hỏi lớn vẫn luôn được đặt ra, khi nào phim sẽ ra rạp và muốn xem nó thì sẽ đến đâu để được xem. Được xem và được bàn luận về phim Việt Nam cũng là cái quyền mà rất khó khăn khán giả mới được hưởng!

Thiên An
.
.
.