Ra mắt đoàn làm phim “Con đường sáng” về cuộc đời hoạt động của nhà tình báo Hoàng Minh Đạo

Thứ Sáu, 09/06/2006, 13:29

"Con đường sáng" sẽ đi theo dấu chân của nhà tình báo vĩ đại, mưu lược, tài ba để dựng lại những kỳ tích của ông trong suốt cuộc đời hoạt động tình báo. Những chi tiết có thật về cuộc đời riêng của Hoàng Minh Đạo sẽ cho thấy chân dung một con người đã vượt qua mọi nghiệt ngã, bất trắc của số phận để đứng vững và trở thành một biểu tượng đẹp của ngành Tình báo Việt Nam.

Bộ phim "Con đường sáng" (biên kịch Bùi Gia Khánh, đạo diễn Phạm Việt Thanh) sẽ được hoàn thành vào tháng 12/2006. Thời điểm này, những thước phim đầu tiên khắc họa chân dung nhà tình báo Hoàng Minh Đạo đã bắt đầu được bấm máy. Đạo diễn Phạm Việt Thanh đã dành tới 4 năm để theo đuổi dự án làm phim, bởi "cuộc đời hoạt động tình báo oai hùng và thầm lặng với những chặng đường quá nhiều gian khổ, mất mát riêng tư của liệt sĩ Anh hùng Hoàng Minh Đạo đã ám ảnh tôi".

Kịch bản được hình thành dựa trên những cuốn sách viết về cuộc đời nhà tình báo cùng với những tư liệu quý giá có được từ các nhân chứng lịch sử, là những người đồng chí, đồng đội hoạt động cùng thời với Hoàng Minh Đạo.

"Con đường sáng" sẽ đi theo dấu chân của nhà tình báo vĩ đại, mưu lược, tài ba để dựng lại những kỳ tích của ông trong suốt cuộc đời hoạt động tình báo. Những chi tiết có thật về cuộc đời riêng của Hoàng Minh Đạo sẽ cho thấy chân dung một con người đã vượt qua mọi nghiệt ngã, bất trắc của số phận để đứng vững và trở thành một biểu tượng đẹp của ngành Tình báo Việt Nam.

Khoảng thời gian được đề cập tới trong 10 tập phim sẽ kéo dài từ năm 1936 đến năm 1969, là câu chuyện kể về hành trình thơ ấu đến khi trưởng thành, giác ngộ cách mạng, trở thành nhà tình báo và sự hy sinh anh dũng trong đêm bi tráng trên sông Vàm Cỏ của liệt sĩ Hoàng Minh Đạo. Bối cảnh của bộ phim sẽ được quay ở nhiều vùng từ Bắc tới Nam.

Để dựng lại không khí miền Bắc Việt Nam thời kỳ những năm 1936 -1954, êkíp làm phim phải rất vất vả và mất nhiều thời gian nhất cho việc chuẩn bị đạo cụ, phục trang, hóa trang. Những vật dụng như xe ba gác, thuyền buồm cánh dơi (đặc trưng của vùng biển Quảng Ninh thời kỳ này, là phương tiện Hoàng Minh Đạo thường đưa cán bộ lãnh đạo đi họp tại Đông Hưng, Trung Quốc), xe tay kéo, xe ngựa chở người, quán phở gánh, tàu tuần tiễu của Nhật, các loại súng trường, súng Pà khooc… đều gần như không còn tồn tại và đoàn phim phải đóng mới, hoặc cải tạo lại.

Có một điều đáng lưu ý là, trong suốt bộ phim dài 10 tập với tổng số gần 100 nhân vật, tên các nhân vật đều được giữ nguyên (tên thật hoặc bí danh) như chính các nguyên mẫu ngoài đời. Diễn viên Xuân Bắc được mời vào vai nhà tình báo Hoàng Minh Đạo. Đạo diễn phim quả quyết: "Bắc là diễn viên có biên độ diễn rất rộng, và tôi tin tưởng Bắc sẽ hoàn thành xuất sắc vai của mình".

NSƯT Trọng Trinh được mời vào vai người cha, và diễn viên An Chinh vai mẹ của Đào Phúc Lộc. NSND Lê Khanh đảm nhiệm vai bà Kíu, người phụ nữ kiên trung không có gia đình riêng nhưng dành cả đời mình để hoạt động cách mạng và nuôi dạy con của các nhà tình báo. Lê Khanh nói rằng chị rất yêu thương nhân vật của mình và cố gắng thể hiện tốt nhất những giằng xé nội tâm của người phụ nữ vốn giản dị bề ngoài nhưng vô cùng phức tạp trong tâm hồn.

Tập cuối cùng của bộ phim miêu tả sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Hoàng Minh Đạo trong đêm Noel 1969, trên sông Vàm Cỏ. Tư liệu về hoàn cảnh hy sinh của nhà tình báo mang một vẻ đẹp bi tráng: "Trong tích tắc, một trận mưa đạn phủ xuống chiếc ghe. Tất cả hỏa lực trên ba chiếc tàu Mỹ đồng loạt nhả đạn. Lửa cháy rừng rực một khúc sông. Chiếc ghe của Năm Thu như một chiếc lá rơi vào biển lửa. Một tiếng nổ long trời bùng lên ngọn lửa cao ngất. Chiếc ghe bị nổ tan thành từng mảnh nhỏ… Chỉ độ vài phút sau, một ngọn đèn pha rực sáng đã tới, liên tục bắn rốc két và đạn đại liên dài theo hai bên bờ...".

Đạo diễn Phạm Việt Thanh cho biết, đây là một trường đoạn đẹp nhất của phim, khắc họa cái chết anh hùng của nhà tình báo tài ba. Phim sẽ phải sử dụng tới kỹ thuật 3D để tạo dựng cảnh này, cố gắng mang đến những hình ảnh và cảm xúc chân thực nhất cho khán giả.   

Trong buổi họp báo ra mắt đoàn làm phim, rất nhiều nhân chứng lịch sử, vốn là đồng đội, đồng chí của liệt sĩ Hoàng Minh Đạo, từ khắp cả nước đã có mặt. Họ đều tuổi đã cao và ngực đỏ huân, huy chương. Ai cũng kể lại những ấn tượng đẹp về những ngày được chiến đấu bên cạnh "người anh cả" của ngành Tình báo và nỗi xúc động vì hình tượng Anh hùng Hoàng Minh Đạo đã đi vào trong tác phẩm điện ảnh.

Ông Phạm Dân, nguyên phụ trách Hoa Kiều Vụ, người đã cùng Hoàng Minh Đạo đi bộ từ Bắc vào Nam trên đường Đông Trường Sơn 6 tháng trời ròng rã để gặp anh Ba (tức đồng chí Lê Duẩn) rưng rưng phát biểu: "Chúng ta làm phim về cuộc đời nhà tình báo Hoàng Minh Đạo không phải vì chính anh, mà vì hàng triệu thanh niên Hà Nội nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường miền Nam...".

"Con đường sáng" vô cùng xúc động khi nhận số tiền 100 triệu đồng, được đóng góp bởi các thành viên trong gia đình, dòng họ của người liệt sĩ anh hùng, với mong muốn hình ảnh của ông sẽ trở thành một biểu tượng về tình yêu Tổ quốc, đức hy sinh và lòng quả cảm cho các thế hệ sau này tiếp bước, noi theo

Bình Nguyên Trang
.
.
.