“Quỷ cái” quay về với xẩm

Chủ Nhật, 02/12/2007, 10:06
Gặp lại Thanh Ngoan, thấy cô đào lệch danh tiếng của làng chèo Việt Nam dường như trẻ trung và vui vẻ hơn trước nhiều. Ngồi trong căn phòng khách ấm cúng của ngôi nhà nằm sâu trong một con ngõ trên đường Thanh Xuân, chị thoải mái giãi bày những tâm sự của mình về nghề và về nhân duyên của mình.

Vặn nhỏ âm thanh của đôi loa đang phát ra giai điệu  tình tứ của một bài ca trù quen thuộc, vẫn cái duyên nói cười cuốn hút người đối diện, Thanh Ngoan phân bua với tôi những bận rộn của lớp học đạo diễn mà chị đang theo đuổi. Dẫu đã sống hơn nửa đời người trên đất Hà thành nhưng chị vẫn ăn to nói lớn với chất giọng “người nhà quê” gần gũi.

Cô đào lệch danh tiếng trên chiếu chèo

Cách đây chưa lâu, chị vừa trình làng một vở đạo diễn đầu tay mang tên “Trinh phụ hai chồng”. Đây là vở diễn tốt nghiệp lớp Đạo diễn ở Đại học Sân khấu - Điện ảnh của Thanh Ngoan.

Giữa rất nhiều kịch bản hay, chị quyết định chọn vở chèo này vì đây là một trong những tác phẩm hay nhất của Tiến sĩ Trần Đình Ngôn. Vở diễn đã được đồng nghiệp, người xem hoan nghênh nhiệt liệt và được xếp hạng 3 trên 4 hạng phân loại tác phẩm của Nhà nước.

Từ thành công đầu tiên với vai trò đạo diễn, Thanh Ngoan bồi hồi nhớ lại hình ảnh của chính mình gần 30 năm về trước. Tháng 10/1979, cô bé Thanh Ngoan vào học Trường trung cấp Chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Chị nhận vai diễn đầu tiên lúc vừa 15 tuổi. Đó là vai "Quỷ cái" trong vở Trương Viên, một vai phản diện, khi tham gia Hội diễn Văn nghệ năm 1981. Tính đến thời điểm đó, chị học trong trường chưa được 2 năm, nhưng với diễn xuất tốt chị đã được trao giải nhì.

Đến năm 1988, Thanh Ngoan mới có cơ hội tham dự hội diễn lần nữa vì ngày đó các hội diễn còn rất hiếm.

Cô đào lệch nhớ lại: “Khi tôi ngồi trong khách sạn thì thấy các đoàn nghệ thuật đơn vị bạn cứ xếp hàng đi qua phòng mình. Mãi sau tôi mới biết, họ đi... xem mặt tôi vì từ năm 1981, người ta đã được nghe đến một Thanh Ngoan trẻ tuổi có giọng hát “khủng khiếp” ở Nhà hát Chèo Trung ương.

Nhưng phải nói, nhân vật "Quỷ cái" và bài hát "Dạ Nam Phong" tôi thể hiện năm xưa là cực kỳ khó. Đến bây giờ, tôi có thể chủ quan mà nói rằng nhiều người đã không thể hát đúng làn điệu này.

Cô Minh Lý cũng là một người hát "Dạ Nam Phong" nhưng uyển chuyển hơn. Còn "Dạ Nam Phong", và một làn điệu nữa có tên là cú nẩy, mà nghệ nhân Tống Nam Ngũ dạy cho tôi thì hoàn toàn khác hẳn về tính cách”.

Thanh Ngoan có cái may mắn khi được nghệ nhân Tống Nam Ngũ trực tiếp truyền nghề cho từ nhỏ, lúc đó Ngoan mới hơn 10 tuổi. Đã ngót nghét 30 năm trôi qua nhưng chị vẫn không thể nào quên những hình ảnh đã in sâu vào ký ức:

“Mỗi lần chúng tôi đi tập hát, NSƯT Trần Vinh cầm đèn măng xông soi đường, tôi thì dìu cụ Ngũ đi lên cầu thang ngã ba chỗ chiếu nghỉ của nhà hát để ba thầy trò dạy nhau”. Từ cái thuở hàn vi đó để rồi giờ đây có một NSƯT Thanh Ngoan với nhiều năm liền nhận Huy chương Vàng đứng trên đỉnh cao sân khấu chèo truyền thống.

Tình duyên…

Chẳng hiểu có vận vào không hai chữ “đa đoan” với số phận người nghệ sĩ mà Thanh Ngoan và nhiều văn nghệ sĩ khác đã không thể đi trót một chuyến đò đời.

Trò chuyện về những gì đã qua, chị luôn nhắc lại: “Chồng cũ của tôi là một người rất tốt, chỉ có điều anh ấy quá say mê chuyên môn kỹ thuật mà không yêu bộ môn nghệ thuật của tôi. Việc đó đã tạo ra một khoảng cách rất lớn trong đời sống vợ chồng. Khi vợ chồng tôi bỏ nhau, nhiều người không tin và ngạc nhiên vì chưa ai thấy chúng tôi cãi nhau bao giờ”.

Sau những đau khổ đến kiệt cùng trong nội tâm của một người đàn bà nhạy cảm, Thanh Ngoan đã “vịn” câu hát mà đứng dậy như cách nói của nhà văn Phùng Quán năm xưa.

Con thuyền chênh chao rồi cũng tìm được bến đỗ cho mình khi người đàn ông cao to, mạnh mẽ và trẻ hơn chị đã tự nhấn chìm mình trong đôi mắt dao cau của cô đào lệch thanh sắc vẹn toàn. Anh làm trong ngành xây dựng nhưng rất hiểu chèo và yêu chị.

Có anh, chị như được giải phóng về tinh thần để dành hết tâm sức cho bộ môn nghệ thuật yêu thích. Càng được yêu, Thanh Ngoan càng trẻ ra và sống hồn nhiên hơn, nụ cười của chị cũng giòn giã hơn mỗi khi được đắm mình trong sự ấm áp của hạnh phúc gia đình.

Tuy hơn chồng về tuổi nhưng Thanh Ngoan chưa bao giờ cảm thấy yếu thế khi ở cạnh chồng. Quả thực Thanh Ngoan cứ sống một cách thoải mái, vô tư dẫu bạn bè có người cũng thầm lo cho chị khi “cái tuổi nó đuổi xuân đi”.

Chị thì vẫn cười vui bởi chị tin thời gian trôi một cách công bằng. “Quan điểm của tôi là sống với ai, hạnh phúc đó được trọn vẹn trong một thời điểm nào thì hãy cứ tận hưởng thời điểm đó. Nếu có chuyện trắc trở xảy ra thì chắc gì nó đã đến từ sự già nua mà không phải từ vô vàn những nguyên nhân khác nữa".

Kết nối đam mê

Dù đã có được danh tiếng và vị trí xứng đáng trong chiếu chèo dân tộc, thế nhưng ngoài công việc chăm sóc gia đình bé nhỏ của mình, Thanh Ngoan vẫn đau đáu một niềm đam mê bảo tồn và phát triển nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Tất cả những người quan tâm đến vấn đề này đều ý thức được rằng, đưa nghệ thuật truyền thống vào cuộc sống hiện đại, đặc biệt với giới trẻ là rất khó.

Thanh Ngoan tâm sự: “Khi mình không yêu và đam mê nghệ thuật truyền thống thì sẽ không thể nào làm được việc đó. Khi tôi hát chèo thì tôi vẫn mê xẩm và học hát ca trù của cụ Khắc Ban. Tôi là một trong những người đầu tiên đưa ca trù vào chèo trong vở “Hồ Xuân Hương”.

NSND Bùi Đức Hạnh, Giám đốc Nhà hát lúc đó, đã cùng với tôi thử nghiệm thành công việc đưa ca trù vào chèo trong vai chủ quán Hồng Châu”.

Tháng 3/2005, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam bắt đầu quy tụ. GS Phạm Minh Khang làm giám đốc, Thanh Ngoan và nghệ sĩ Thao Giang là phó giám đốc chỉ đạo và tìm tòi.

Khi xin được con dấu xong xuôi thì Nhà nước lại không cấp cho một đồng kinh phí nào. Khó khăn chất chồng khó khăn khi Thanh Ngoan là dân hát chèo nên nghiên cứu hát xẩm, chầu văn là không đúng ngạch.

May mắn, Trung tâm đã quy tụ được những người như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Văn Ty, các NS Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Thanh Bình, Thúy Ngần... đều say mê với nghệ thuật truyền thống.

“Cả nhóm chúng tôi cùng bỏ tiền túi ra thuê địa điểm, mua từ cái máy fax để Trung tâm có thể đi vào hoạt động. Trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống, Trung tâm đã ưu tiên lựa chọn và quyết định nghiên cứu xẩm trước vì bây giờ những nghệ nhân hát xẩm chỉ còn một, hai cụ ở Thanh Hóa, Hà Tây...

Những bài hát xẩm sưu tầm được trong kho thì không ai hát được. Nếu các cụ đó mất đi thì coi như mất cả cái gốc của nghệ thuật hát xẩm. Thế là chúng tôi bỏ tiền ra đi sưu tầm, ghi chép lại theo trí nhớ của các cụ về lời, ý, xuất xứ của các bài hát xẩm.

Tất cả anh em ai có tư liệu gì liên quan đến xẩm thì đều đưa hết về Trung tâm để nghiên cứu. Sau giờ làm ở cơ quan, chúng tôi đến gặp các nhà nghiên cứu hoặc những người có liên quan đến nghệ thuật xẩm như ông Trần Việt Ngữ, ông Hoàng Kiều để tìm tòi và xin ý kiến.

Rồi còn việc đặt lời mới cho các giai điệu xẩm sao cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. “Lỡ bước sang ngang” là một trong những bài mà toàn bộ mọi người phải ngồi lại lựa chọn hát câu trong cả một bài thơ dài của nhà thơ Nguyễn Bính. Kết quả là chúng tôi đã cô lại thành một bài xẩm  vừa đủ ý và cũng vừa phải về dung lượng”.

Đáp lại những nỗ lực tâm huyết của những người nghệ sĩ, cuối năm 2005, đĩa CD đầu tiên có tên “Xẩm Hà Nội” đã được giới thiệu tới tất cả công chúng.

Từ đó đến nay chương trình hát xẩm ở vỉa hè phố cổ Hà thành cũng thu hút được nhiều sự quan tâm và thích thú của mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Vậy là cuối cùng, số phận của Thanh Ngoan cũng đã “ngoan” theo những gì chị sống, đam mê và thể hiện trong cuộc đời này...

Hải Châu
.
.
.