Xung quanh ý kiến về đổi lời Quốc ca Việt Nam:

Quốc ca không phải phản ánh cái hôm nay, mà là biểu tượng lịch sử

Thứ Năm, 06/06/2013, 11:20
Trong phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc hội ngày 4/6, một vị đại biểu Quốc hội đề xuất sửa nội dung lời bài Quốc ca, cụ thể là sửa đoạn “đường vinh quang xây xác quân thù”, để phù hợp với thời kỳ phát triển mới, đã có nhiều ý kiến. Để rộng đường dư luận, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với một số nhạc sĩ có uy tín về vấn đề này.

GS.NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam cho rằng: Bài Tiến quân ca chứa đựng cả hồn đất nước, đánh một dấu mốc lịch sử của thời khắc xây dựng một chế độ mới, đem lại tương lai tươi sáng cho nhân dân, một giai đoạn để tiếp nối đến hôm nay. Cần phải nhìn tổng thể, để thấy đó là một ca khúc hoàn hảo. Tác giả viết “đường vinh quang xây xác quân thù” rất phù hợp với hào khí cách mạng khi đó. Những Bạch Đằng Giang, Chi Lăng, Điện Biên Phủ, Khe Sanh, Quảng Trị… của chúng ta cũng đều “xây xác quân thù” mới giành được chiến thắng. Hào khí ấy đến nay vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Binh sĩ thời Trần cũng thích lên tay 2 chữ “Sát Thát” để biểu lộ tinh thần quyết đánh và quyết thắng giặc Nguyên, đến nay còn được ngợi ca.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, không cần thiết phải thay đổi lời Quốc ca. Bởi bài Quốc ca đã có dấu ấn trong tâm khảm mọi người dân Việt Nam, được Nhà nước ghi nhận và đã song hành cùng lịch sử dân tộc, với thời kỳ khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ, trở thành biểu tượng của một giai đoạn. Trên thế giới, Quốc ca của nhiều nước có tới vài trăm năm, nhưng không thay đổi, vì gắn với sự khai sinh ra thể chế đó. Vì chức năng của Quốc ca không phải là phản ánh cái hôm nay, mà là biểu tượng lịch sử.

Đồng quan điểm trên, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng, bài Quốc ca của nhạc sĩ Văn Cao đã đi cùng lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng của một giai đoạn lịch sử, lời ca đã gắn liền với thời đại rồi, nên không thể dễ dàng thay đổi. Có thể có những ca từ ở thời điểm này không phù hợp, nhưng nó đã được sinh ra trong giai đoạn lịch sử của dân tộc, thời điểm đã khai sinh ra đất nước này, thì vẫn phải giữ nguyên. Trên thế giới, có những bài Quốc ca với lời lẽ bạo liệt hơn nhiều Tiến quân ca, như Marseille, Quốc ca của Pháp, vì ra đời từ thời Công xã Paris, lời ca mang tính chiến đấu rất mạnh, nhưng họ vẫn giữ nguyên vẹn. Vì thế, không cần phải thay đổi lời Quốc ca

Thanh Hằng
.
.
.