Quanh việc "hầu đồng" được đề cử di sản văn hóa thế giới

Thứ Ba, 11/08/2009, 14:59
Thông tin hầu đồng đang được chuẩn bị đề cử vào danh sách trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đã gây nhiều chú ý và tranh luận trong giới chuyên môn. Đã đến lúc đưa hầu đồng ra đề cử? Trong khi, hầu đồng, vốn là một tín ngưỡng dân gian gắn liền đạo Mẫu, với những hình thức trình diễn và ý niệm tâm linh rất đẹp đã và đang bị lai tạp, biến tướng rất nhiều.

Hầu đồng bị biến tướng

Theo khảo sát của giới nghiên cứu, hầu hết những người ra hầu đồng ngày nay đều có chút biểu hiện lệch lạc về tâm sinh lý, họ lập điện mở phủ, hầu thánh với mục đích chữa bệnh. Đó là một cách giải tỏa tâm lý và là cách để họ tái hoà nhập cộng đồng. Họ thăng hoa nhảy múa trong môi trường tâm linh, trong niềm tin mình đựợc tiếp xúc với thần thánh, trong sự quyện hòa của âm nhạc, vũ đạo và sự hô ứng của các con nhang đệ tử. Nó như một thứ vật lý trị liệu để giải thoát con người khỏi những áp lực của cuộc sống hiện đại.

Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh - chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu hầu đồng và đạo Mẫu, thì xã hội càng phát triển, con người ngày càng bị cuốn vào những guồng xoáy của áp lực thì người ta càng dễ tìm đến các giá đồng. Đó là một nghi lễ mà ở đó, con người có thể giải tỏa được những áp lực trong cuộc sống.

Bước vào giá đồng, nhiều người được siêu thoát, trở về với chính bản ngã của mình. Mọi vướng bận của trần tục đều tan biến trong khói sương mờ ảo, trong tiếng chầu văn ngân nga, và trong một cõi phiêu linh kỳ lạ của tâm hồn. Một sự giải thoát không phải xa rời cuộc sống mà giúp con người đối diện với chính mình, hướng họ tới cảnh giới cao nhất của cái thiện.

Có thể hiểu hầu đồng khởi nguồn là một tín ngưỡng dân gian, thuần khiết giản dị và ẩn chứa những vẻ đẹp tâm linh, gắn liền với văn hóa đạo Mẫu. Hầu đồng tồn tại từ lâu đời trong đời sống nhân dân, đó là một nét văn hoá mang đậm chất bản địa của người Việt.

Đó là sự tích hợp những giá trị văn hóa dân gian có tự lâu đời, âm nhạc, kiến trúc, văn học, trang phục, vũ đạo. Về âm nhạc, hầu đồng mang một loại hình âm nhạc đặc biệt, chầu văn, được coi là một cuộc "hội nhập của thi ca, âm nhạc, vũ đạo và hội họa mang đậm phong cách thuần Việt", với những câu hát đẹp được lưu giữ từ xa xưa.

Ngoài ra, hầu đồng cũng sáng tạo ra một không gian kiến trúc độc đáo của các đền phủ, tượng thờ, các sắc màu ấn tượng đa dạng của trang phục. Về vũ đạo, nghiên cứu trong hầu đồng có đến hàng chục các điệu múa như: múa kiếm, dệt gấm, đi chợ, múa quạt, chèo thuyền, thêu hoa… mềm mại và đề cao tính nữ.

Nên thừa nhận để quản lý

Nhưng xem những giá đồng bây giờ, nhiều người cũng chẳng biết là mê hay tỉnh. Nhìn thực tế bề ngoài, mỗi giá đồng bây giờ biện lễ lên đến hàng chục triệu, cái xô bồ của đời sống thực thể hiện rõ trong một giá đồng, nhiều khi còn được cụ thể hóa quan niệm "thánh một cân trần một yến". Và không loại trừ những cô đồng lập điện, mở phủ để kiếm tiền từ con nhang đệ tử, hốt bạc làm giàu. Về mặt tâm linh ý nghĩa, đã khác xa so với căn gốc cội rễ của một nghi lễ tín ngưỡng rất đẹp trong dân gian.

Ngày xưa cung văn là những người hát chuyên nghiệp, hiểu rõ bài bản kỹ càng. Còn bây giờ, hát chầu văn trong hầu đồng đã lai tạp rất nhiều. Nhiều khi đến các đền phủ, chẳng còn nhận ra nét đẹp của chầu văn nữa, mà đó là một thứ nhạc xập xình hỗn tạp. Nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng báo động về tình trạng này. Việc các cô "đồng đua" không có căn cốt ra hầu đồng, không hiểu biết tín ngưỡng, nên họ hầu giá nhiều khi chẳng theo trình tự nào, các điệu múa, điệu nhảy cũng sai hết ý nghĩa.

Thực tế, với ý nghĩa tâm linh của hầu đồng đang bị lợi dụng và trở thành mê tín dị đoan. Và trong xã hội đương đại, trong điều kiện cuộc sống bây giờ, trong bối cảnh hầu đồng đang rất phát triển, một cách tự phát, xô bồ, biến tướng, chúng ta càng cần phải có một sự nghiên cứu, nhận chân thấu đáo giá trị.

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, chính các nhà quản lý của chúng ta cũng đang hiểu mập mờ về hầu đồng. Hầu đồng là một nghi lễ dân gian không thể tách rời của đạo Mẫu, có gốc rễ từ trong đời sống của nhân dân. Chúng ta cần phải thừa nhận hầu đồng, để quản lý nó như một di sản, định hướng đi đúng và ngăn chặn những biến tướng xa lạ với con người, phản văn hóa. Chúng ta cũng cần giáo dục cho người dân hiểu thấu đáo về những giá trị văn hóa và ý nghĩa tâm linh của hầu đồng. Khi họ hiểu thấu đáo cội nguồn của nghi lễ, họ sẽ có niềm tin và những ứng xử văn hóa hơn, góp phần bảo tồn những giá trị của hầu đồng đúng nghĩa với một di sản của ông cha

Hà Khánh Linh
.
.
.