Quảng cáo ngược đời

Thứ Năm, 13/07/2006, 13:31
Trong cuốn "Điên cuồng như Vệ Tuệ", ở phần trên cùng bìa 4, những người làm sách đã vào đề bằng một câu: "Dù có nhiều trang tả cảnh làm tình, song không thể nói những truyện ở đây mang tính cách khiêu dâm". Đọc những dòng này, không ít người phải thốt lên: "Ô hay, nào ai có khảo mà mình lại xưng như thế?".

Lẽ thường thì con người ta bao giờ cũng "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại". Các nhà sản xuất và kinh doanh lại càng triệt để thực hiện phương thức này. Nghĩa là, để tiếp thị một mặt hàng, họ chỉ đề cập tới tính năng nổi trội, cái phần "tốt đẹp" cần "phô ra" của nó. Chính từ hiện tượng ấy mà tôi hết sức ngạc nhiên khi nhận ra, trong khâu tiếp thị, quảng bá một số ấn phẩm văn nghệ hiện nay, không ít nhà làm sách đã dùng tới những chiêu rất chi là… ngược đời nhằm thu hút sự chú ý của một bộ phận người đọc.  

Cuốn "Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê" của hai tác giả Trung Quốc Lão Hiệp và Vương Sóc do NXB Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2002 là cuốn sách có cách giới thiệu tác giả chẳng giống ai. ở phần bìa 4, các nhà làm sách cho in lời tự sự của chính Vương Sóc: "Tớ là kẻ bất lương, việc gì tớ phải sợ ai". Kế đó là lời nhận định của một đồng nghiệp về ông: "Sách của Vương bán rất chạy, chính vì vậy rất nhiều cây bút căm thù ông đến cùng cực. Họ bảo Vương đích thực là một kẻ bất lương. Họ chỉ trích ông càn quấy, là điếm nhục của văn chương Trung Quốc".

Thiết nghĩ, nếu đúng là có ai đó từng nhận xét về nhà văn họ Vương như vậy, trong khi thực tế không phải vậy, thì các nhà làm sách cần có lời phản biện. Còn nếu đúng sách của ông là "điếm nhục của văn chương Trung Quốc" thì ta tổ chức dịch, quảng bá với bạn đọc Việt Nam làm gì? 

Cũng có cách giới thiệu không kém phần giật gân, gay cấn là cuốn tiểu thuyết "Hậu Chí Phèo" được NXB Thanh Hóa tái bản trong quý II vừa rồi. Ngay ở phần "Trò chuyện với tác giả" in đầu sách, người đọc không khỏi "gai gợn" trước những dòng hỏi - đáp của một nhà báo và tác giả. "Có người nói "Hậu Chí Phèo" nói xấu chế độ, bôi bác rất nhiều cán bộ, kể cả cán bộ có chức có quyền?". Trước câu hỏi thuộc loại "nguy hiểm chết người" này, thay vì việc bác bỏ ngay luồng dư luận (nếu có) ấy, tác giả cuốn tiểu thuyết đã cười mà rằng: "Quyền phán xét là của mọi người".

Chưa hết, sau khi khẳng định mình viết bằng "tâm sáng", tác giả còn "hồn nhiên" chua thêm: "Nếu nó (tức chế độ - NV) không xấu mà tôi nói xấu thì tôi là kẻ xấu". Hẳn bạn đọc khi tiếp xúc với những dòng đối thoại này sẽ không khỏi ngỡ ngàng. Đến người hỏi mặc dù đã đọc sách rồi còn hỏi người viết như vậy, người viết viết rồi còn trả lời như vậy thì thử hỏi những người đọc bình thường biết trông cậy vào ai để giải đáp câu hỏi tốt - xấu nói trên? Tất nhiên, có người cho rằng in lời giới thiệu cuốn sách kiểu như vậy là cái "mẹo" tiếp thị của những nhà làm sách. Họ muốn "cù" vào chỗ "nhạy cảm" của độc giả.

Mấy năm gần đây, ở Việt Nam ta, cơn sốt tiểu thuyết Trung Quốc lên cao. Trong bối cảnh ấy, Thiết Ngưng là một trong những tác giả được xem là "thời thượng". Công bằng mà nói, tập "Chơi vơi trời chiều" (NXB Hội Nhà văn, 2006) của chị mà tôi nhắc tới đây là một cuốn sách đáng đọc. Song điều đáng bàn là ở lời giới thiệu in trên bìa 4.

Với một tiết diện thật nhỏ hẹp, vậy mà người ta vẫn không ngần ngại cho "phơi" những lời nhận định như sau: "Trong truyện Mùa hái bông, cái cảnh Quốc ngủ với Hĩm ngoài đồng ngô trước lúc bắn Hĩm đọc rợn cả người, nhưng cũng là chi tiết đắt giá… Những người đọc văn học Trung Quốc từ 1976 trở đi thường cảm thấy ngạc nhiên khi bắt gặp mật độ dày đặc của những pha các nhân vật âu yếm làm tình với nhau… Nhưng theo tôi đọc không thấy bẩn".

Thú thật, đọc những dòng này, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Nếu quả thật tác giả thấy "đọc rợn cả người" thì có nên quảng bá ra tận ngoài bìa 4 của sách cái "cảm giác" này? Cả cái việc mà người giới thiệu nói rằng "các nhân vật âu yếm làm tình với nhau", thiết nghĩ "bẩn" hay "sạch" hãy để người đọc phán xét. Có đâu cái cách "nêu" ra như vậy rồi kết lại bằng một câu úp úp mở mở như thế.

Thật ra, không riêng trường hợp Thiết Ngưng, trong cuốn "Điên cuồng như Vệ Tuệ" (cũng của NXB nói trên), ở phần trên cùng bìa 4, những người làm sách đã vào đề bằng một câu: "Dù có nhiều trang tả cảnh làm tình, song không thể nói những truyện ở đây mang tính cách khiêu dâm". Đọc những dòng này, không ít người phải thốt lên: "Ô hay, nào ai có khảo mà mình lại xưng như thế?". Có người còn tỏ ra bức xúc: "Chẳng lẽ, ở những cuốn sách này, không còn điều gì đáng giới thiệu với người đọc hơn sao?".

Tôi có anh bạn năm nay đã ở tuổi lên lão. Anh thú thật rằng, anh đã không dám để đứa cháu gái của mình "rờ" tới cuốn sách này, chỉ ngại khi nó đọc những dòng trên, nó sẽ hiểu nhầm dụng ý của ông nó khi cất công đi tìm mua cuốn sách. 

Vẫn biết, trước khi thăng hoa trong tâm hồn, trí tuệ người đọc, các ấn phẩm văn nghệ cũng cần được tiếp thị như bao mặt hàng khác. Nhưng câu nhử người đọc bằng những cách trên, các nhà làm sách đã cho thấy, hoặc là họ không đánh giá đúng "khách hàng" của mình, hoặc là đã có sự "không bình thường" ở một bộ phận người đọc

.
.
.