Kỷ niệm 60 năm Nhà hát Kịch Việt Nam 1952 - 2012

Quang Thái - người nghệ sĩ đầy nhiệt huyết

Chủ Nhật, 09/12/2012, 10:59
Hơn 50 năm đã qua, ngồi bên tôi lúc này là một Quang Thái gần tới tuổi 80, tóc đã bạc và sức đã gần cạn kiệt nhưng cứ khi nào nhắc tới sân khấu là đôi mắt lại sáng lên và trái tim lại rộn rã như chàng Sec-gây trong vở kịch Câu chuyện Iec scut thuở nào…

Anh hơn tôi mấy tuổi và thuộc thế hệ thứ hai của Nhà hát Kịch Việt Nam sau những Đào Mộng Long, Song Kim, Trúc Quỳnh, Chu Quỳ, Hoàng Uẩn, Mạnh Linh…

Những ngày đầu năm 1960, khi chúng tôi còn là những học sinh của Trường Sân khấu thì anh đã là nghệ sĩ nổi tiếng với vai Sec-gây trong vở kịch bất hủ Câu chuyện Iec scut, một vở kịch đã gây chấn động khán giả Hà thành những năm 59, 60 của thế kỷ trước.

Lũ chúng tôi (Đoàn Dũng, Thế Anh, Trọng Khôi, Doãn Châu…) được Nhà hát cho “đi xem chui” để học tập ngoại khóa.

Ngồi ở “chuồng gà” tầng ba Nhà hát Lớn thành phố xem anh diễn mà lòng chúng tôi khâm phục, ngưỡng mộ và kính trọng một tài năng sân khấu.

Riêng tôi, lúc đó chỉ thầm mong có ngày nào đó sẽ được cùng anh làm việc, được cùng anh đứng trên sàn diễn của Nhà hát Lớn thành phố.

Thế rồi ước nguyện của tôi cũng thành hiện thực.

Năm 1964, sau khi tốt nghiệp trường sân khấu, chúng tôi được phân công về Nhà hát Kịch Việt Nam và rồi liên tục những năm tháng sau đó, tôi đã được sống cùng anh, diễn cùng anh trong rất nhiều vở diễn và càng sống, càng cộng tác với anh, tôi lại càng thấy ở người nghệ sĩ này bộc lộ những phẩm chất rất cao quý, rất đáng trân trọng của một người nghệ sĩ chân chính.

Nghệ sĩ Quang Thái vốn không phải dân Hà thành thứ “xịn”. Anh là người gốc Thanh Hà - Hải Dương và lớn lên ở Hải Phòng.

Sở hữu  một dáng người cao đẹp và một khuôn mặt cân đối pha chút Châu Âu nên ở con người anh, ai gặp cũng rất dễ mến. Chính vì vậy nên vào cái tuổi mười chín, đôi mươi đầy nhựa sống, bạn bè ai cũng tấm tắc khen anh “đẹp giai” và  xui anh thử xin vào Sân khấu, Điện ảnh xem sao.

Nghe theo mọi người, anh khăn gói lên Hà Nội và xin vào Xưởng Phim truyện Việt Nam. Các đạo diễn thấy anh có khuôn mặt đẹp trai, dáng người  cao to nhưng lại hơi giống người Âu nên cũng tuyển “gọi là” để lỡ mai sau phim nào có ông Tây lai hoặc tay sai chỉ điểm v.v… nào đó thì khỏi phải đi tìm người chứ thực sự cũng không lấy gì làm mặn mà cho lắm. Và quả thực, những năm tháng đầu tại Xưởng phim Hà Nội, Quang Thái chỉ được vào những vai nhỏ “có cũng như không” của phim truyện Việt Nam thời đó.

Quang Thái (ngồi) và Doãn Châu trong vở “Đôi mắt” 40 năm về trước (1972).

Vì lòng yêu nghệ thuật nên anh quyết tâm ở lại chờ thời và thời cơ đã đến với anh khi Nhà hát Kịch Việt Nam (Lúc đó là Đội Kịch nói trong Đoàn Văn công nhân dân Trung ương) sau khi tập huấn và dàn dựng vở kịch LuBa, đã quyết định tách ra và nâng cấp lên thành Đoàn Kịch nói Trung ương với lực lượng là Đoàn Kịch Nam và Đoàn Kịch Bắc. Trong tiêu chí của Đoàn ngày đó, các đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật đã tính đến chuyện lâu dài là trong chương trình kịch mục của Nhà hát,  bên cạnh các tiết mục kịch Việt Nam thì phải dàn dựng cả các vở kịch kinh điển của thế giới, của phe XHCN như Nga, Tiệp Khắc, Bungari…

Và như vậy thì ai vào các vai diễn châu Âu sẽ thuận lợi hơn Quang Thái?

Như cá gặp nước, bắt đầu từ đây, tên tuổi Quang Thái được nhắc đến như một ngôi sao sáng  của sân khấu kịch Việt Nam mà phải kể đến vai diễn đầu tiên là vai Sec-gây trong vở Câu chuyện Iec scut.

Cũng cần phải nói đến vở diễn Câu chuyện Iec scut đôi chút bởi vì nó không chỉ là sự thăng hoa của nghệ sĩ Quang Thái mà nó còn là một bước nhảy vọt thần kỳ của Nhà hát Kịch Việt Nam vì nó khẳng định được khả năng tiềm tàng của Nhà hát để thể hiện các tác phẩm sân khấu lớn không những trong nước mà còn là những tác phẩm của thế giới.

Nghệ sĩ Quang Thái đã không phụ lòng đạo diễn người Nga Vasiliep khi phân công cho anh vai Sec-gây. Quang Thái đã thể hiện vai kịch một cách xuất sắc và dành trọn tình cảm của tất cả những người đã xem vở kịch.

Và cũng từ vở kịch này, người ta còn truyền nhau một giai thoại rất đáng yêu về nghệ sĩ Quang Thái.

Số là thế này: Vở kịch Câu chuyện Iec scut ra đời hay tới mức không đủ vé để đáp ứng cho khán giả. Ngày nào cũng vậy, khán giả mua vé xem kịch xếp hàng dài từ Nhà hát Lớn ra tận hiệu sách Tràng Tiền và mỗi người chỉ được mua 2 vé.

Nghệ sĩ Quang Thái cũng giữ nghiêm kỷ luật diễn viên, không xin “Tiêu chuẩn đặc biệt” cho diễn viên chính mà cũng không muốn phiền ai nên đêm đến, sau buổi diễn, anh lặng lẽ ra xếp hàng từ 2h sáng để sáng ra được mua một đôi vé như mọi người dân khác.

Câu chuyện mua vé tuy nhỏ nhưng chỉ vậy thôi cũng đủ cho ta thấy nhân cách cao đẹp của nghệ sĩ Quang Thái.

Từ vai diễn trên, anh đã bật lên thành một diễn viên có hạng với hàng loạt vai diễn xuất sắc khác như: Ranf trong Hòn đảo thần Vệ Nữ, Phêđo trong vở Tập nhật ký bỏ quên, đại tướng PơtiPông trong vở Ả Cave nhà hàng Mac xim, Tixafe trong Vụ án người đốt đền

Nhưng đâu chỉ có vở ngoại, Quang Thái còn thành công rất nhiều vai trong các vở kịch Việt Nam như vai bác sĩ Hải trong vở  Đôi mắt,  vai Cha San trong vở Bão biển, vai Vịnh trong vở Đêm mưa… và đặc biệt là vai lão nông Việt Nam một  phần trăm trong vở Tay súng dân quân… Cùng rất, rất nhiều vai khác nữa…

Và một kỷ niệm không thể nào quên được đồng thời cũng là một sáng tạo tuyệt vời của Quang Thái trước khi rời sàn diễn nữa là vai Bôtôm trong kịch Giấc mộng đêm hè, một tác phẩm lớn của W. Sechspia do Nhà hát Kịch phối hợp cùng các bạn Nhà hát Repectory của Mỹ thực hiện dàn dựng.

Ngày đó tuy đã nghỉ hưu, nhưng khi chúng tôi mời anh về cộng tác thì anh đã sẵn sàng ngay không một chút do dự để tham gia vở kịch.

Quang Thái đã xả thân làm việc để tạo nên một nhân vật Bôtôm sinh động và hấp dẫn cho vở kịch tới mức đạo diễn Alanh Nause đã phải thốt lên: Nghệ sĩ Quang Thái là người diễn vai kịch này hay nhất từ trước tới giờ mà tôi đã được thấy trên thế giới!

Chắc chắn đấy chẳng phải chỉ là một lời khen suông đối với một đạo diễn tầm cỡ của Mỹ bởi khi anh sang tới Mỹ diễn vở kịch này thì báo chí Mỹ cũng ca ngợi hết lời người nghệ sĩ Việt Nam tài năng Quang Thái.

Tài năng và nhiệt huyết của Quang Thái còn bừng sáng ở lĩnh vực Điện ảnh với nhiều vai diễn tầm cỡ của Điện ảnh nước nhà như vai Tư Trung trong phim Biệt động Sài gòn và rất nhiều vai chính trong các phim khác nữa.

Những ai đã từng sống  và làm việc với Quang Thái đều thấy ở anh một sự chịu đựng dẻo dai và một tấm lòng nhân hậu, vị tha rất đáng trân trọng.

Khi cần thiết, anh có thể từ một nghệ sĩ nhảy sang làm công nhân hậu đài, làm một lái xe thực thụ cho đoàn đi diễn…

Những năm tháng khó khăn về đời sống, đã có lúc anh phải kiêm luôn cả một quầy nhỏ dán vá dép nhựa để lấy tiền nuôi con ăn học. Anh âm thầm chịu đựng và nhẫn nại lao động cho tương lai của các con mà không hề hé răng một lời kêu ca oán thán.

Đóng góp nhiều cho nghệ thuật như vậy nhưng nghệ sĩ Quang Thái của chúng ta lại rất  khiêm nhường. Ở bên anh, nhiều lúc tôi tự hỏi: Tôi đã được nhận danh hiệu cao quý, còn anh sao lại chưa? Bởi những thành tích đóng góp cho nghệ thuật của anh quá lớn nhưng khi tôi đề cập tới thì anh chỉ cười và nhẹ nhàng gạt đi: Mình không gặp thời! Nhưng thôi, điều gì đến sẽ đến Châu ạ!

Quang Thái và NSND Doãn Châu năm 2012.

Và tôi cũng mong điều anh nói sẽ thành sự thật cho anh, vậy mới là lẽ công bằng ở đời.

Một sớm cuối thu, tôi tới thăm anh tại căn nhà nhỏ đường đê La Thành.

Thấy chị Vang, vợ anh báo tin có Doãn Châu lại chơi, anh hỏi “Doãn Châu là thằng nào?”. Nghe anh hỏi vậy mà tim tôi như thắt lại vì nghĩ: Chả nhẽ anh đã lẫn đến vậy ư! Nhưng khi gặp anh thì mới biết anh vẫn còn tỉnh táo phần nào. Thấy tôi, anh nhào tới, ôm tôi và khóc oà lên như trẻ con khiến tôi cũng không kìm được xúc động. Rồi anh hỏi tôi: Anh Châu vẫn còn nhớ tới tôi ư?

Tôi nghẹn ngào: “Anh Châu” nào ở đây hả anh Quang Thái? chỉ có thằng Doãn Châu, em của anh, cái thằng ngày xưa ngồi chuồng gà xem anh diễn Sec-gây trong vở Câu chuyện Iec scut, cái thằng Háp (Do tôi đóng) trong vở Đôi mắt đã mắng bác sĩ Hải (do anh đóng) khi nản lòng anh còn nhớ không?

Nhớ,  nhớ… Cái đó thì nhớ! Nhớ lắm Châu ơi!...

Mừng mừng, tủi tủi, chúng tôi cùng nhau quay phim lại tất cả những “trường đoạn” về những năm tháng đã sống cùng nhau, đã làm việc cùng nhau dưới mái ấm Nhà hát Kịch Việt Nam.

Rồi có lúc hứng lên, anh bảo tôi: Này Châu ơi! Lại còn bài hát này cậu có nhớ nó ở vở kịch nào không nhỉ? (Nhìn mắt anh, tôi biết chắc là anh quên thật). Rồi anh cao giọng hát:

Thanh mát trong đêm trường
Ta xúm quanh lửa hồng
Si be ri không ngừng vang tiếng hát
Ta hát ca lên rằng
Ôi dòng sông vĩ đại
Thiết thân tình, ta cùng…

Hát đến đây thì anh nấc lên và gục đầu vào vai tôi thổn thức như đứa trẻ lâu ngày không được khóc và nay khóc đã cho thoả nỗi niềm…

Riêng tôi thì tôi rất nhớ đây là bài hát về Siberi, bài hát đã được dùng cho vở Câu chuyện Iec scut năm nào mà tôi còn nhớ rất rõ lại dùng vào chính cảnh anh trong vai Sec-gây cùng chị Bích Châu trong vai Valia ngồi sánh đôi trên bờ đê để hứng gió về từ hồ Bai cal và mơ tới  ngày mai tươi sáng khi nhà máy thuỷ điện Iec scut hoàn thành…

Hơn 50 năm đã qua, ngồi bên tôi lúc này là một Quang Thái gần tới tuổi 80, tóc đã bạc và sức đã gần cạn kiệt nhưng cứ khi nào nhắc tới sân khấu là đôi mắt lại sáng lên và trái tim lại rộn rã như chàng Sec-gây trong vở kịch Câu chuyện Iec scut thuở nào…

Tôi động viên anh: Anh phải vui lên, chúng ta còn hạnh phúc hơn rất nhiều người vì chúng ta đã có một quá khứ hào hùng với những kỷ niệm rất  trong sáng, rất đáng tự hào chứ còn chuyện về với tiên tổ thì bất cứ ai rồi cũng đến ngày! Nhưng anh hãy yên tâm điều này: Dù thế nào thì trong ký ức của hàng triệu khán giả của đất nước này mãi mãi về sau sẽ luôn khắc sâu hình ảnh một Quang Thái rạng ngời trong sáng tạo, một Quang Thái đầy chất lãng mạn và một Quang Thái đầy nhiệt huyết với sân khấu

D.C.
.
.
.