Quân tử nhất ngôn

Thứ Ba, 12/08/2008, 08:23
Có thể mượn thành ngữ tiếng Hán trên để nói về tình trạng gần 10.000 người lao động (NLĐ) bị tạm ngưng xuất khẩu sang CH Czech đang lâm vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Trong khi đó, nhiều công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã tạm thu tiền của NLĐ, hiện không hẹn bao giờ có thể trả lại tiền cho họ

Trở lại câu chuyện mà nhiều người đã biết, một vài năm trở lại đây, khi Bộ LĐ-TB&XH có chủ trương đưa NLĐ sang CH Czech, các công ty môi giới và dịch vụ xuất khẩu ở ta mọc lên như nấm.

Nhiều công ty được cấp phép của Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) và cũng có cả nhiều công ty, trung tâm không được cấp phép cũng tung ra những lời mời chào vô cùng hấp dẫn. Đi lao động ở một nước châu Âu có đội bóng đá toàn những siêu sao như CH Czech quả là niềm mơ ước của thanh niên nông thôn.

Nào là hợp đồng 3 năm, lương tháng xấp xỉ 1.000 USD, nào là chỉ cần lao động phổ thông, không cần bằng cấp, ngoại ngữ… Thế là mọi người cứ  ào ào nộp tiền vào, người "cọc" 2.000 USD, người nộp 5.000 USD, người 7.000 USD…

Tất nhiên, ở nông thôn hay thành thị cũng vậy, chẳng có ai là sẵn tiền cả, phải vay mượn, vay với lãi suất cao. Bao người hy vọng nếu đi được, sẽ đem sức lao động bỏ ra mà kiếm được dư dả gửi về nước trả nợ nhanh, còn lại là tiết kiệm vài ba trăm triệu sau 3 năm lao động theo hợp đồng.

Sự đời là vậy, ai cũng thích đi nhanh, sớm sang châu Âu để bắt tay làm việc ngay. Vì thế mà nhiều công ty XKLĐ lại đề nghị NLĐ "hợp tác" nộp thêm vài ngàn USD để "chạy" visa đại sứ quán.

Tiền này không có hóa đơn, gọi là "tiêu cực phí", là "bôi trơn" như cách gọi nôm na, đời thường ở ta. NLĐ được công ty tư vấn rằng, hồ sơ đã xong xuôi, sức khỏe đã đảm bảo, học ngoại ngữ đã tàm tạm, giờ chỉ còn visa nữa là "bay".

Không hẹn mà gặp, công ty nào, trung tâm nào cũng nói như thế, cứ bảo "bên họ"  cũng tiêu cực lắm, phải nộp thêm tiền đi "cửa sau". NLĐ nghe thấy có lý, đã "cọc" dăm bảy ngàn đô, tiền ăn học đeo đuổi mấy tháng ròng, bây giờ không tin công ty thì tin ai. Nếu không theo đuổi đến cùng, có khi bị phạt hợp đồng mất toi khoản tiền lớn.

Vậy là "đâm lao phải theo lao", NLĐ lại vay mượn, dốc đến đồng bạc cuối cùng cho hy vọng lớn. Nhưng than ôi, khi đại sứ quán phía bạn quyết định ngừng cấp visa, số người nộp tiền chờ đợi xếp hàng đã lên tới gần chục ngàn người. Lý do vì sao không cấp visa, NLĐ làm sao hiểu được.

Ở ta, cứ việc gì phải xếp hàng là y như rằng các loại "cò" xuất hiện. Vậy là thêm một lần nữa, nhiều NLĐ bị sập bẫy. Đến khi Cục QLLĐNN thông báo chính thức trên báo chí ngừng cấp visa, gần 10.000 lao động mới té ngửa. Chao ôi, tin đó khác gì quả bom tấn giáng xuống đầu họ.

Cần phải nói rằng, để xảy ra tình trạng trên, Cục QLLĐNN có một phần trách nhiệm. Lẽ ra với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, Cục QLLĐNN phải biết tình trạng tuyển ào ạt NLĐ như trên và sớm tham mưu cho Bộ chủ quản chỉ đạo chấn chỉnh việc thu tiền NLĐ của các công ty XKLĐ.

Việc trục trặc cấp visa của phía bạn không thể quý Cục không biết, vậy mà để đến tình trạng ách tắc, tồn đọng gần 10.000 lao động không có khả năng cấp visa quả là thật khó tưởng tượng trong chỉ đạo quản lý thời công nghệ thông tin. NLĐ ở nhiều tỉnh phía Bắc đang ở tình thế rất hoang mang vì không biết tính ra sao.

Vậy khi NLĐ không thể xin được visa xuất cảnh để sang CH Czech lao động kiếm tiền, phương án giải quyết sẽ như thế nào? Đáp lại câu hỏi trên của NLĐ, nhiều công ty môi giới, XKLĐ đã đưa ra một lời giải thật khó chấp nhận: Hoặc tiếp tục chờ đợi. Hoặc chuyển sang thị trường lao động khác.

Nhưng hỡi ôi, chờ đợi đến bao giờ? Bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm? Thị trường khác là thị trường nào, khi mà NLĐ đã không còn niềm tin với cách làm của các công ty nữa? Nói một cách chính xác, giải pháp "chờ đợi" mà các công ty đưa ra giống như kiểu "chạy làng" vậy.

Trao đổi với chúng tôi, một đại diện của công ty cổ phần XKLĐ ở Hà Nội nói rằng, quả thật bây giờ cũng không biết tính nên như thế nào, công ty đang chờ sự chỉ đạo của Cục QLLĐNN. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, quý Cục lại bảo hãy chờ đợi.

Nhưng có điều này thì ít người tính được. Trong khi NLĐ buộc phải chờ đợi trong vô vọng, thì hàng ngày họ phải trả số tiền lãi suất "nóng" từ số tiền hàng ngàn USD mà họ đã vay để nộp cho công ty. Rút tiền lại thì bị phạt, chờ đợi thì không biết tương lai, càng chờ đợi càng phải trả lãi suất.

Đó là một thực tế rất đau lòng, vô tình đẩy hàng ngàn người lao động vào tình thế khó khăn không lối thoát. Với số tiền đặt cọc, tiền xin visa mà gần 10.000 lao động đã trót nộp, tính trung bình mỗi cá nhân nộp 4.500 USD, ai cũng biết các công ty XKLĐ của ta hiện đã thu khoảng 45 triệu USD.

Nếu NLĐ được nhận lại được số tiền ấy, họ sẽ làm cho nó sinh lãi, giải quyết được nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhưng tiền ấy để trong két để chờ đợi, NLĐ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, sự rủi ro là khó tránh khỏi. Nhưng khi đã gặp rủi ro, phải sớm tìm ra lối thoát, không thể trả lời NLĐ kiểu đánh đố. Nên chăng, quý Cục sớm định hướng để NLĐ có thể thỏa thuận với công ty rút lại tiền để đầu tư việc khác khi mà sự chờ đợi còn ít hi vọng.

Tin rằng, NLĐ sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các công ty để cùng tìm lối thoát. Quân tử nhất ngôn, hãy làm đúng hợp đồng như đã hứa với NLĐ. Mọi sự chần chừ, lảng tránh xung quanh sự việc này thật khó nhận được sự cảm thông, chia sẻ của NLĐ đang nóng lòng chờ đợi

Hồng Thái
.
.
.