Quân tử là không... "khóc"

Thứ Năm, 08/11/2007, 09:18
Ban tổ chức xếp Olympic Việt Nam đá vào giờ hành xác buổi trưa giữa tiết trời nắng nóng xứ Thái và ghép "đoàn quân" Riedl đá liền với 2 đối thủ cạnh tranh ngôi đầu bảng ngay ở những lượt trận đầu tiên. Liệu có phải người Thái đã sử dụng lợi thế chủ nhà để tạo ra những khó khăn cho Việt Nam nhằm giảm thiểu khả năng đua tranh với họ tấm HCV môn bóng đá nam?

Sau khi lịch thi đấu môn bóng đá nam SEA Games được công bố, nghe đâu đó trong làng bóng Việt dậy sóng những lời kêu than về cái gọi là sự thiệt thòi lớn dành cho thầy trò A.Riedl trong hành trình săn vàng sân chơi khu vực, nhưng...

Thiệt thòi bởi BTC xếp Olympic Việt Nam đá vào giờ hành xác buổi trưa giữa tiết trời nắng nóng xứ Thái. Thiệt thòi bởi Ban tổ chức ghép "đoàn quân" Riedl đá liền với 2 đối thủ cạnh tranh ngôi đầu bảng ngay ở những lượt trận đầu tiên.

Thiệt thòi. Thiệt thòi đến độ suy diễn thành một "âm mưu" nào đó nhằm loại Olympic Việt Nam ra khỏi cuộc đua tới ngôi vua ở SEA Games 24. Thiệt thòi đến độ ai đó đòi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải đấu tranh, phải có động thái phản ứng quyết liệt, chỉ thiếu mỗi nước xui dại là nếu thiệt thòi thế thì... nghỉ chơi đi!

Nhưng cơ mà, chính những lời kêu than đó lại phản ánh một tâm lý rất yếm thế. Đòi Ban tổ chức đổi giờ thi đấu để công bằng hơn cho Việt Nam, nhưng nếu làm thế thì cái sự không công bằng đó sẽ lại được đẩy sang cho kẻ khác hứng chịu. Chưa kể nếu xem lịch thi đấu, thì đội chịu thiệt nhất là Malaysia, chứ không phải là Việt Nam khi họ phải đá hai trận liên tiếp vào giờ cơm trưa.

Bên cạnh đó, việc cho rằng gặp hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp ngay trong những trận đấu đầu tiên là một bất lợi, cũng không chuẩn. Chúng ta nói, thậm chí là vạch sẵn một lộ trình của Olympic Việt Nam ở SEA Games: Giành ngôi nhất bảng B, vượt qua trận bán kết và đánh bại người Thái ở chung kết để hiện thực hóa giấc mơ vàng. Lộ trình vô địch đó đòi hỏi đoàn quân của ông A.Riedl phải bước vào cuộc chơi với tư thế của một nhà vô địch, không được phép run sợ bất kỳ một đối thủ nào.

Vậy thì gặp Mã, gặp Sing trước hay sau đâu có nhiều ý nghĩa. Ở góc độ khác nếu căn theo lịch thi đấu, thì việc đối đầu với hai đối thủ mạnh để rồi hạ màn vòng bảng với tuyển Lào, đội được coi là yếu nhất, có khi lại tạo ra một lợi thế lớn cho Olympic Việt Nam trong trường hợp phải ganh đua các chỉ số phụ trong cuộc chiến tam quốc giành ngôi đầu bảng.

Càng lạ lùng hơn khi có những người suy diễn, với lịch thi đấu này, người Thái đã sử dụng lợi thế chủ nhà để tạo ra những khó khăn cho Việt Nam nhằm giảm thiểu khả năng đua tranh với họ tấm HCV môn bóng đá nam.

Thái Lan không quá sợ bóng đá Việt đến độ phải chơi xấu như vậy. Cho đến thời điểm này, điểm mạnh, yếu của đoàn quân A.Riedl đã bị "lộ" trong con mắt theo dõi của các đối thủ. Còn chúng ta biết gì về họ? Câu trả lời là gần như là một con số 0 tròn trĩnh.

Chỉ có một điều rõ ràng là lịch sử: Kể từ SEA Games 1995 trở lại đây, trong 4 lần đánh bại bóng đá Việt để trở thành nhà vô địch, chỉ có duy nhất một lần người Thái đóng vai chủ nhà. Còn lại những cuộc đăng quang của họ trước ánh mắt thất vọng của người Việt, đều diễn ra trên các sân của Brunei, Philippines và cả...Việt Nam.

Những lời kêu than về lịch thi đấu SEA Games 24 quá nghiệt ngã với bóng đá Việt ở hiện tại, nghe quen quen như cách đây 4 năm sau trận chung kết SEA Games 22 trên sân nhà Mỹ Đình. Một trận chung kết mà Olympic Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông thầy Riedl, đã thua "tâm phục, khẩu phục" trước người Thái.

Ấy vậy mà, người ta vẫn cố tìm ra một sự giải tỏa nỗi buồn vỡ mộng của CĐV nhà bằng cách đổ lỗi cho cung cách cầm còi của vị trọng tài người Malaysia trong trận chung kết đó, thay vì chấp nhận sự thật: Chúng ta kém hơn đối thủ nên thua.

Thậm chí đi xa hơn nữa, ai đó còn "kết tội" trọng tài người Mã này thổi ép Việt Nam với động cơ "báo thù" vì trước đó tại bán kết, đội bóng của quốc gia ông đã bị thầy trò Riedl hạ. Thật hết chỗ nói!

4 năm sau, trước giờ bóng lăn trên sân chơi SEA Games, bệnh "than" lại xuất hiện trong làng bóng Việt. Cứ than vãn, cứ đổ lỗi, nhưng không nhìn nhận và tự hỏi: Tại sao chúng ta không thể bước vào cuộc chơi với tâm thế và tư thế của một người quân tử?

Bóng đá bản thể là trò chơi của đàn ông cơ mà, lẽ nào phải nhiều điều, lắm lời và dư thừa... nước mắt ỉ ôi. Vậy thì chí ít hãy làm một cành trúc quân tử, "khí cứng hằng giữ một tiết thanh" mà ngạo cười lên mọi gian khó, mà ngẩng cao đầu đón gió sương

Bảo Hân
.
.
.