Quan trọng là nội dung tác phẩm

Thứ Bảy, 01/03/2014, 13:36
Thời gian gần đây, đã xuất hiện trở lại tác phẩm của một số văn nghệ sĩ sống ở miền Nam trước năm 1975 từng có quan điểm đối trọng, mà “Giỏ hoa mới lớn” của nhà thơ Du Tử Lê đang sống ở Mỹ vừa được phát hành hôm 20/2 là một điển hình.

Nhiều người nhìn nhận, quá khứ đã khép lại gần 40 năm, nên đây là vấn đề bình thường. Cũng có một số, kể cả người làm công tác xuất bản ở Việt Nam, lẫn các văn nghệ sĩ từng rời đất nước ra nước ngoài sống, vẫn còn có sự e dè. Để làm rõ thêm vấn đề này, nhằm động viên tinh thần sáng tạo của những người cầm bút, với mong muốn nền văn học nước nhà sẽ tiếp tục có những tác phẩm chất lượng của các nhà văn, nhà thơ cả trong và ngoài nước, làm phong phú thêm diện mạo văn học Việt Nam, đồng thời, góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết dân tộc từ chủ trương của Nhà nước Việt Nam, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông).

- Thưa ông, sau nhiều chục năm “im ắng”, việc cho xuất bản trở lại tác phẩm của một số Việt kiều từng có quan điểm khác biệt khiến có người vừa ngạc nhiên, vừa phấn khởi. Vì thế, quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề xuất bản tác phẩm của văn nghệ sĩ miền Nam trước năm 1975 đang được nhiều người muốn tìm hiểu?

- Ông Chu Văn Hòa: Cần phải hiểu rằng, dân tộc Việt Nam bao gồm những người Việt Nam sống ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Vì thế, không chỉ người Việt Nam trong nước mới có quyền lợi được xuất bản, mà cả những người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả người nước ngoài yêu Việt Nam, có nghiên cứu tốt, ứng dụng tốt cho người Việt Nam, cũng được xuất bản ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, hòa hợp hòa giải dân tộc là tư tưởng xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bao cuộc phân ly, tranh chấp của các giai đoạn lịch sử đều được xóa nhòa, chỉ còn lại sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam. Chính tính nhân văn, tính cố kết cộng đồng 54 dân tộc anh em mới tạo nên sức mạnh của người Việt Nam qua nhiều thế hệ và mới có ngày nay. Có những giai đoạn tranh chấp trong lịch sử, nhưng cái còn lại vẫn là dân tộc Việt Nam. Vì thế, chính sách của Đảng, Nhà nước là đại đoàn kết, hòa hợp hòa giải, là nhìn về phía trước. Lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ bước qua bất cứ trở lực nào cản trở điều đó và đã thể hiện nhất quán trong Hiến pháp và pháp luật, trong Luật Xuất bản, Luật Báo chí và được Quốc hội thông qua.

Một số người không hiểu hết pháp luật của Việt Nam nên đã nhìn bằng góc độ có cả sự ác cảm và xuyên tạc, chứ ai đã bỏ công nghiên cứu cụ thể, sâu sắc hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam? Bởi các văn bản đó đều mở đường cho ai đóng góp chất xám, sức sáng tạo cho sự phát triển của dân tộc và hạn chế sự cản trở, làm hại cộng đồng như vi phạm thuần phong mỹ tục, xâm phạm quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

Pháp luật Việt Nam không cấm xuất bản, nếu những tác phẩm không vi phạm Điều 10 của Luật Xuất bản. Chúng ta chỉ quan tâm đến quyển sách nói gì, có lợi hay không cho cộng đồng, chứ không đặt vấn đề ai viết. Vì quan tâm tác giả là ai, là thiên kiến, hạn chế quyền tự do cá nhân. Nhưng nếu đặt nội dung có phục vụ cộng đồng không, sẽ trở thành “bộ lọc” giúp cho nền móng xã hội. Chúng ta đã được hưởng những tác phẩm văn học lớn của cha ông để lại, thì cũng phải có trách nhiệm với hậu thế.

Quan điểm trong quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản là hoàn toàn tạo điều kiện để khơi nguồn dòng chảy tri thức xã hội, để có sức lan truyền trong cộng đồng, trên cơ sở đó xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

- Như vậy, tới đây, các tác phẩm của các tác giả ở miền Nam trước năm 1975 đều sẽ được Cục Xuất bản, in và phát hành đồng ý cho xuất bản?

- Ông Chu Văn Hòa: Theo Luật Xuất bản, quyền cho xuất bản và phát hành là do Giám đốc NXB và đăng ký với Cục Xuất bản, in và phát hành. Cục chỉ có quyền xem xét lại tác phẩm sau khi nộp lưu chiểu khi xuất bản, chứ không có quyền cho ai xuất bản hay không. Càng không có quan điểm ai mới được xuất bản, mà là tác phẩm đó nói gì. Ứng xử giống như với các tác phẩm nhạc tiền chiến. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng là người từng có quan điểm khác biệt, nhưng những tác phẩm tốt của ông vẫn được sử dụng. Với các tác giả miền Nam cũng thế. Xưa họ khác và nay họ cũng đã khác. Vì thế, căn cứ theo Luật Xuất bản, tác phẩm của bất kỳ ai, nếu nội dung không vi phạm Điều 10 của Luật Xuất bản hay vi phạm Luật  Bản quyền, cùng các luật có liên quan hoàn toàn có thể xuất bản hợp pháp tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.