Bóng đá Việt Nam trước xu thế "nhập tịch" tràn lan của bóng đá Đông Nam Á:

Quan trọng là nền móng vững chắc

Thứ Năm, 23/12/2010, 11:15
Cả Đông Nam Á (ĐNA) đang sôi lên với chuyện nhập tịch cầu thủ ngoại. Và thế là nhiều người, nhiều giới cũng đã lập tức lên tiếng về việc phải làm mới ĐTVN bằng cách cho phép những cầu thủ đã nhập tịch vào ĐT. Thật sự thì điều gì đang diễn ra ở bóng đá khu vực và điều gì là "sợi chỉ đỏ" mà chúng ta cần phải thực hiện trong hoàn cảnh nhạy cảm này?

Mạnh lên nhờ nhập tịch

Không thể phủ nhận rằng một loạt các đội bóng ĐNA đã mạnh lên trông thấy với việc gọi vào ĐTQG những cầu thủ nhập tịch. Singapore vô địch AFF Suzuki Cup năm 2004 và 2007 dựa trên nòng cốt của những cầu thủ nhập tịch như Agu Casmir, Daniel hay Precios.

Indonesia ở AFF Suzuki Cup 2010 này cũng thật sự đã thay đổi diện mạo với những cầu thủ nhập tịch như Gonzalez, I- Fak, và đặc biệt là Philipines, đội bóng mà có đến 9/11 cầu thủ trong đội hình chính là những cầu thủ gốc ngoại.

Với một đội hình như vậy, Philipines từ chỗ là một "nhược tiểu bóng đá" ở khu vực đã lần đầu tiên trong lịch sử vào được tới vòng bán kết, và đã làm khốn khổ "ông kẹ" Indonesia ở vòng bán kết. Đấy là những minh chứng đầy thuyết phục cho sức mạnh của những đội bóng đã và đang sử dụng những cầu thủ nhập tịch trong đội hình.

Nhưng cũng ở AFF Cup năm nay, nhìn vào cái xu thế nhập tịch ồ ạt đó, người ta lại chợt nhận ra một "nghịch lý": Malaysia - đội bóng chuẩn bị đá chung kết với Indonesia lại là một đội bóng thuần nội. Họ thậm chí còn thuần nội hơn cả Việt Nam khi HLV trưởng của họ cũng là một ông thầy bản địa, thay vì một ông thầy châu Âu.

Vậy thì phải chăng một mình Malaysia đang chống lại cả ĐNA? Và phải chăng sự thành công bước đầu của bóng đá Malaysia ở sân chơi khu vực chứng minh rằng: Không cứ phải cầu đến những cầu thủ nhập tịch người ta mới có thể đạt tới thành công?

Nhận thức của chúng ta

Những biến động nêu trên của bóng đá ĐNA rõ ràng là những vấn đề "phát triển chiến lược" đặc biệt quan trọng buộc chúng ta phải suy nghĩ nếu không muốn biến mình trở thành một kẻ… lạc hậu.

Thực ra thì cách đây hơn 1 năm, ĐTVN của Calisto cũng đã có sự xuất hiện của những cầu thủ nhập tịch như Huỳnh Kesley Alves, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max hay Phan Văn Santos. Nhưng vì những lý do chuyên môn và cả phi chuyên môn mà ở AFF Cup năm nay, ông Calisto đã không thể sử dụng những cầu thủ đó, dù rất mong muốn.

Chúng tôi đã đặt thẳng những vấn đề này với ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Và đây là câu trả lời của ông Hỷ: "Đứng ở góc độ chuyên môn, phải thừa nhận là những cầu thủ nhập tịch sẽ giúp chất lượng ĐT mạnh lên. Tôi lấy đơn cử như ở AFF Cup năm nay, ai cũng bảo là ĐTVN thiếu trầm trọng một tiền đạo. Vậy thì nếu chúng ta sử dụng Huỳnh Kesley Alves thì vấn đề chắc chắn sẽ được giải quyết rồi".

Tuy nhiên, ông Hỷ cũng lập tức đặt ra một phản đề: "Tuy nhiên, tôi tự hỏi là điều gì sẽ xảy ra nếu một cầu thủ nhập tịch khi khoác áo ĐTVN lại có những biểu hiện sống trái với nền văn hóa Việt Nam?". Ông Hỷ phân tích rằng ví dụ cách ăn mừng bàn thắng của một cầu thủ nhập tịch cũng có nhiều cái khác và rất khác so với một cầu thủ thuần Việt. Và trong những cái khác ấy, có nhiều điều phải nói là rất phản cảm với văn hóa Việt Nam.

Và cuối cùng, "lối ra" của vấn đề được ông Chủ tịch chỉ rõ như sau: "Chúng ta sẽ gọi vào ĐT những cầu thủ nhập tịch chừng nào đấy là những cầu thủ thực sự đang sống và  đang thở với nền văn hóa Việt Nam, chứ không chỉ là những cầu thủ Việt Nam ở phương diện… giấy tờ".

Theo chúng tôi, đấy là một nhận thức đúng đắn, bởi nếu chỉ vì chạy theo thành tích, và chạy theo xu thế nhập tịch nói chung của BĐVN mà chúng ta sẵn sàng gọi vào ĐTVN các cầu thủ nhập tịch, bất chấp những mặt trái của nó thì đấy chẳng khác gì một việc làm… lợi bất cập hại. Quan trọng nhất là từ nền móng vững chắc mới xây dựng nên một đội tuyển danh giá

Diệp Xưa
.
.
.