Quan trọng là cách bảo toàn

Thứ Tư, 18/05/2005, 14:51

Tỉnh Bình Phước hiện có 41 dân tộc anh em chung sống. Đã từ rất lâu đời, các dân tộc người bản địa ở Bình Phước có lối sống cộng đồng, có phong tục tập quán hết sức đa dạng. Tuy nhiên hiện nay những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc đang có nguy cơ mai một. Sự tham gia bảo tồn của các cơ quan chức năng còn rất mờ nhạt và chưa toàn diện.

Theo tài liệu của các nhà khảo cổ học và dân tộc học, người đã sống trên đất Bình Phước từ rất lâu là người Stiêng, Mnông, Khmer. Nay những dân tộc này còn sống tập trung thành từng thôn, sóc tại các địa bàn vùng cao, vùng sâu của huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Phước Long, Lộc Ninh, Bình Long… Từ các tài liệu nghiên cứu này, ba dân tộc Stiêng, Mnông, Khmer được coi là người bản địa ở Bình Phước.

Ngoài những nhu cầu bức xúc trong xã hội là cái ăn, cái mặc, người bản địa ở Bình Phước cũng có nhu cầu rất lớn về các hoạt động tinh thần. Ngoài các yếu tố siêu thực tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan đáng bị phê phán, các lễ hội của người bản địa ở Bình Phước như: Lễ hội cồng chiêng; lễ hội xuống đồng; lễ hội ăn cơm mới; lễ hội được mùa; tập tục cưới xin… đều mang nặng bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc cần được lưu giữ, kế thừa và phát huy qua các thời kỳ lịch sử.

Ở Bình Phước, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND đã có quan tâm đến công tác văn hóa và bảo tồn giá trị văn hóa. Tuy nhiên do đặc thù của từng vùng, hoàn cảnh trình độ của các cán bộ làm công tác văn hóa không đồng đều nên sự hiểu biết trong ngành chưa sâu và chưa toàn diện. Cá biệt, còn có những cán bộ làm công tác văn hóa ở cấp thôn, xã (kể cả cấp huyện, thị) khi được hỏi về ngữ nghĩa các từ, các khái niệm như: Thế nào là văn hóa, văn minh, văn hiến, văn vật? Thế nào là tín ngưỡng, mê tín? Nét đặc trưng về văn hóa dân tộc nơi mình đang sống? Chức năng và vai trò của văn hóa đối với sự phát triển xã hội?… thì còn hiểu rất mơ hồ.

Vấn đề quản lý Nhà nước về văn hóa lại thường ở tầm vĩ mô, cán bộ chuyên ngành là người thực hành chính lại thiếu am hiểu tường tận nên thường có quan niệm: Những hoạt động không tạo ra được "cơm áo, gạo tiền" đều là những việc chẳng mấy hữu ích. Từ lẽ đó, có nhiều lễ hội truyền thống đều được tái hiện theo xu hướng nhanh gọn, cắt bỏ những gì coi là… "rườm rà". Vì vậy, những nghi lễ - phần được coi là linh thiêng, trang trọng nhất trong văn hoá truyền thống hoặc bị mất đi hoặc được xem là quá đỗi bình thường. Điều ấy vô tình đã làm phai nhạt những tinh hoa văn hoá, cái rất cần phát huy và kế thừa mà các nhà khoa học xã hội đã mất nhiều công sức phục hồi, bảo tồn.

Để lưu giữ được các giá trị văn hóa truyền thống, Bình Phước cần lưu trữ dưới dạng chữ viết hoặc sao chụp lại theo kỳ hạn nhưng nguồn kinh phí dành cho công tác văn hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa lại rất hạn hẹp, vì vậy, sẽ rất khó khăn cho công việc bảo tồn các di sản văn hoá đã mất nhiều công sức và tiền của mới có được.

Do tác động của nền kinh tế thị trường và các yếu tố xã hội khác, những năm gần đây, một số dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có những nét thay đổi rất cơ bản về phong tục tập quán. Có hai điển hình để nhận thấy là sự chuyển hóa ở một số gia đình kiểu chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ và từ gia đình lớn trước kia, nay mua đất lập vườn, tạo nên những gia đình nhỏ. Những tập quán này kéo theo vấn đề sở hữu tài sản và vấn đề kiến trúc trong xây dựng nhà ở đã thay đổi.

Do chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo tồn giá trị văn hóa, chưa thực sự tìm hiểu tính cộng đồng cao trong đời sống của đồng bào dân tộc nên trên 4.000 căn nhà tình thương được xây dựng cho các hộ dân tộc nghèo, có nhiều căn phải bỏ trống, hoang phế vì những hộ này vẫn còn theo phong tục sống trong một ngôi nhà chung với cha mẹ, họ hàng. Vấn đề định canh, định cư đối với người dân tộc thiểu số ở một số nơi cũng chưa được nghiên cứu một cách tổng thể... Có lẽ tỉnh Bình Phước cần quan tâm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hoá, đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp khu bảo tồn để lưu giữ được các giá trị văn hóa địa phương

Ngọc Anh
.
.
.