"Quân lệnh như sơn", "Quan quan thư cưu"

Chủ Nhật, 07/09/2008, 14:05
Vì trong các cuốn Từ điển Tiếng Việt mà tôi có, không tìm thấy định nghĩa thành ngữ này, nên tôi đành hỏi các nhà quân sự. Tuy nhiên câu trả lời lại không giống nhau, rằng "Quân lệnh như sơn" nghĩa là, mệnh lệnh của người chỉ huy vững chắc như núi; rằng mệnh lệnh quân sự đã phát ra là không thay đổi, v.v...

Tình cờ, tôi đọc cuốn "Từ điển thành ngữ tục ngữ Hán Việt" của Nguyễn Bích Hằng và Trần Thanh Liêm, do NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2005, trang 454, thì được giải thích như sau: "Quân lệnh như sơn đảo" (nghĩa là) Mệnh lệnh quân sự phát ra có sức mạnh như núi đổ".

Tôi giật mình tự hỏi: Hay là lâu nay chúng ta chỉ quen nói "Quân lệnh như sơn", như một kiểu nói tắt, rồi cũng hiểu theo nghĩa bóng, là thứ kỷ luật sắt, mà bỏ mất chữ "đảo", vốn là một chữ quan trọng nhất quyết định tính chất của thành ngữ này chăng?

Vậy tôi cứ mạnh dạn chép ra đây để các nhà từ điển học, ngôn ngữ học, cùng quý vị độc giả yêu mến tiếng Hán - Việt cổ cho ý kiến.

Quan quan thư cưu

Ngày xưa, những người học chữ nho với mong ước sau này đi thi đỗ đạt ra làm quan, thì chủ yếu học Tứ Thư, Ngũ Kinh.

Bài mở đầu Kinh Thi, thì bất cứ trò nào cũng thuộc: "Quan quan thư cưu,…". Thư cưu là loài chim nước, sống có đôi, mà không hề lẫn lộn. Hai con thường lội chung mà không lả lơi, tình ý chí thiết, đậm đà, nhưng lúc nào cũng giữ gìn cách biệt. Vì yêu quý tính nết đó, nên thư cưu được con người lấy làm biểu tượng cho tình yêu lứa đôi, thủy chung, gắn bó.

Lại cũng có sách cho rằng, cưu là con chim tu hú. Tính nó vụng về không biết làm tổ, nên toàn đi đẻ trứng nhờ vào tổ loài chim khác. Bù lại, tu hú có ưu điểm là, không bị nghẹn bao giờ. Vì thế, trên đầu cây gậy chống của những bậc cao niên ngày xưa thường gắn hình con chim tu hú với mong muốn: Các cụ có đi ăn cỗ nơi nao thì cứ yên tâm, sẽ không bị nghẹn

Lê Trung Đản
.
.
.