Quá khứ có bị lãng quên?

Thứ Tư, 19/07/2006, 08:20
Nhiều nghệ sĩ điện ảnh băn khoăn: Liệu có phải là đánh giá thấp nền nghệ thuật dân tộc và lãng quên một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước khi những tác phẩm tiêu biểu, thành tựu của điện ảnh Việt Nam lại thiếu vắng trong danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh?

10 năm với 3 đợt xét tặng, chuyên ngành điện ảnh vẫn chỉ duy nhất có NSND Hồng Sến được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, còn chưa có tác giả nào được Giải thưởng Nhà nước, dù các chuyên ngành khác đều có đủ cả 2 giải thưởng này. Đợt xét lần này, cũng chỉ duy nhất các tác phẩm của NSND Đặng Nhật Minh được đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 14 tác giả của các cụm công trình khác được đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước (trong đó có 9 cụm tác phẩm không đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh được đưa "xuống").

Danh sách đề nghị xét giải vừa công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày 30/6, lập tức, một số nghệ sĩ danh tiếng như NSND Thế Anh, NSND Trà Giang vv… đã cùng lúc gửi đơn đến các cơ quan cấp cao của Nhà nước để đề nghị xem xét lại. Ngày 4/7, Hội Điện ảnh cũng gửi "huyết tâm thư" lên Hội đồng Quốc gia.

Các nghệ sĩ đều bày tỏ ý kiến: Thứ nhất, việc Hội đồng Quốc gia bỏ qua các tác phẩm điện ảnh liên tục trong 3 đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước và lần này, lại bác 9/10 trường hợp đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh là sự đánh giá chưa thật khách quan với các nghệ sĩ điện ảnh.

Thứ 2, quan điểm của Hội đồng Quốc gia cho rằng Hội đồng Chuyên ngành điện ảnh 2005 đã đề nghị quá nhiều tác phẩm để xét giải là không xác đáng, vì 3 đợt xét trước, do không thống nhất được tiêu chí tặng giải cho tác giả chính của bộ phim là đạo diễn hay biên kịch, dẫn đến hồ sơ bị dồn đọng là điều dễ hiểu.

Thứ ba, việc Hội đồng Quốc gia dồn danh sách tác phẩm không đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh "xuống" Giải thưởng Nhà nước mà không có sự chấp thuận của tác giả có thể dẫn tới việc kiện tụng hay từ chối nhận giải thưởng như đã xảy ra ở các đợt xét giải trước.

Thứ tư, sự đánh giá của các thành viên Hội đồng Quốc gia với từng tác phẩm liệu có chính xác như ý kiến thẩm định của các hội đồng chuyên ngành?

Các nghệ sĩ điện ảnh đều cho rằng, việc xét giải thưởng như công bố là sự thiệt thòi của ngành khi dọc theo chiều dài đất nước hơn nửa thế kỷ qua, điện ảnh luôn là loại hình nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn đến quần chúng. Trong chiến tranh, đã có gần 200 liệt sĩ ngành Điện ảnh hy sinh khi làm nhiệm vụ trên chiến trường, để điện ảnh Việt Nam có được những tác phẩm có giá trị lớn lao, không chỉ cho nền điện ảnh dân tộc mà cả điện ảnh thế giới. Những tác phẩm điện ảnh đoạt giải cao tại 14 kỳ liên hoan phim quốc gia và quốc tế đã góp phần tạo nên diện mạo và vị thế điện ảnh Việt Nam.

Chính vì thế, nhiều người cả trong lẫn ngoài ngành đều rất tiếc nuối khi 3 đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đều thiếu vắng những tác phẩm điện ảnh kinh điển, có sức sống bền lâu, đại diện xứng đáng của điện ảnh cách mạng như "Chị Tư Hậu" của NSND, đạo diễn Phạm Kỳ Nam; "Nổi gió" của NSND, đạo diễn tài danh Huy Thành; "Vợ chồng A Phủ" của NSND, đạo diễn Mai Lộc; "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" của NSND, đạo diễn Hải Ninh vv… mà hơn 50 năm qua, trong hàng ngàn phim mới "đãi cát tìm vàng" được một vài đại diện đích thực.

Một đạo diễn gạo cội của làng điện ảnh bức xúc: Hình như đang có sự nhầm lẫn giữa tác phẩm nghệ thuật với hoạt động văn hóa. Một số tác phẩm chưa từng "mon men" đến các liên hoan phim quốc tế lớn, mà mới chỉ ở tầm khu vực, thì lại có tên trong danh sách đề nghị được giải. Nhất là các tác phẩm đó không thể là gương mặt đại diện cho điện ảnh Việt Nam.

Nhiều nghệ sĩ điện ảnh băn khoăn: Liệu có phải là đánh giá thấp nền nghệ thuật dân tộc và lãng quên một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước khi những tác phẩm tiêu biểu, thành tựu của điện ảnh Việt Nam lại thiếu vắng trong danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh? Bởi đây là các tác phẩm sử thi không chỉ phản ánh chân thực lịch sử mà còn có giá trị về văn học nghệ thuật. "Giải thưởng do Nhà nước đặt ra nên cần được công bằng và chân lý. Chỉ trong 3 ngày mà Hội đồng Quốc gia phải xem xét gần 600 nghệ sĩ ở 10 chuyên ngành thì liệu có đảm bảo tính chính xác và khách quan?". Đó là trăn trở của hầu hết các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam mà chúng tôi có dịp gặp gỡ.

NSND Trà Giang: Sẽ không công bằng nếu chúng ta bỏ qua những chùm tác phẩm điện ảnh cách mạng

Giải thưởng Hồ Chí Minh mang ý nghĩa rất lớn nên Hội đồng ngành đã làm việc cẩn trọng, chính xác, chọn những tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam để đề nghị, thế nhưng, cách làm của Hội đồng Quốc gia chưa ổn khi không quan tâm đến ý kiến của Hội đồng ngành. Việc NSND Đặng Nhật Minh được đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này, tôi và các nghệ sĩ trong ngành đều rất mừng.

Công bằng mà nói, những tác phẩm của anh Minh làm, có tác phẩm làm vào giai đoạn đất nước mở cửa, nên đã đề cập được những vấn đề mà thế giới quan tâm và cũng có dịp đi ra thế giới… Nhưng sẽ không công bằng nếu chúng ta bỏ qua những chùm tác phẩm của các tác giả Trần Vũ, Hải Ninh, Phạm Kỳ Nam, Bùi Đình Hạc, Huy Thành vv… Đây là những tác giả đều được 100% phiếu tại Hội đồng ngành và họ thật sự xứng đáng với sự bình chọn đó, khi những tác phẩm của họ đã đi vào cuộc sống của nhân dân trong quá khứ đấu tranh cũng như xây dựng cuộc sống trong hòa bình.

Cần có những tác phẩm điện ảnh khác nhau để tạo được nền điện ảnh, nhưng chỉ các tác phẩm "Thị xã trong tầm tay", "Bao giờ cho đến tháng mười", "Hà Nội mùa đông 46" và "Mùa ổi" của NSND Đặng Nhật Minh là không đủ để đại diện cho nền điện ảnh Việt Nam, nhất là điện ảnh cách mạng.

Có những bài hát một thời chúng ta không lưu hành, vì không phục vụ cho giai đoạn kháng chiến giành độc lập dân tộc, nhưng nay lại được vận dụng vào "Bài hát sống mãi với thời gian" để trao giải. Nếu chúng ta suy ngẫm sẽ thấy buồn tê tái.

NSND, Đạo diễn Trần Phương: Mỗi giai đoạn, Hội đồng Quốc gia có tiêu chí xét giải khác nhau?

Tôi là người không quan tâm đến vấn đề giải thưởng, mà chỉ thích đi làm phim. Ai được giải tôi cũng vui. NSND Đặng Nhật Minh được Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng xứng đáng, nhưng cũng không nên thiếu vắng điện ảnh cách mạng. Tuy nhiên, nếu nhiều người được đề nghị xét giải thì cũng khó được chấp nhận. Trước đây, có tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh chỉ bằng một tấm ảnh, còn nay lại khác. Tôi có cảm giác, có tình trạng hiện nay là do mỗi giai đoạn, Hội đồng Quốc gia có tiêu chí xét giải khác nhau, tùy theo tình hình đất nước.

Thanh Hằng
.
.
.