Phóng viên làm văn hóa nhưng chưa văn hóa

Thứ Tư, 21/04/2010, 09:46
Tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 20/4, vài chục tay máy dàn hàng ngang đứng sát thành sân khấu để chụp ảnh, bất chấp phía sau, ngay hàng ghế đầu tiên chỉ cách đó chưa đầy 1m, là các bậc cao niên và cả quan khách đang ngồi, khiến nhiều người rất bức xúc.

Ứng xử văn hóa là điều thời gian gần đây được dư luận nhắc nhiều đến, khi tình trạng chen lấn, xô đẩy tại các nơi thờ cúng, tâm linh diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, không chỉ có thế, có những điều cũng thuộc về văn hóa tác nghiệp của phóng viên, mà bài viết này xin đươc nhắc đến: Đó là việc thời gian gần đây diễn ra khá phổ biến tình trạng phóng viên của các báo lẫn thợ chụp ảnh thuê, đứng tác nghiệp "sừng sững" ngay ở vị trí trang trọng của buổi lễ, từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước, gây phản cảm.

Tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 20/4, vài chục tay máy dàn hàng ngang đứng sát thành sân khấu để chụp ảnh, bất chấp phía sau, ngay hàng ghế đầu tiên chỉ cách đó chưa đầy 1m, là các bậc cao niên và cả quan khách đang ngồi, khiến nhiều người rất bức xúc.

Chúng ta đều biết, vị trí đầu tiên thường được ưu tiên dành cho những người được kính trọng, thế nên, hành động của các nhà báo đã tỏ ra thiếu văn hóa, khi không có sự tôn kính những người lớn tuổi cũng như các lãnh đạo, vốn là truyền thống của người Á Đông.

Tương tự, bàn thờ là không gian tâm linh quan trọng bậc nhất với người Việt, vì đó là nơi thờ các vị thần linh, tổ tiên, vì vậy, luôn được đặt ở vị trí trung tâm, nơi trang trọng nhất, như một cách bày tỏ lòng hiếu thảo với tiền nhân. Vì thế, dù ở gia đình hay nơi đền, chùa, các di tích, trước bàn thờ, từ các bậc cao niên đến những người trẻ, từ người dân thường đến các vị lãnh đạo, đều nghiêng mình thành kính mỗi khi thắp hương, khấn vái.

Ấy vậy mà, trong không khí trang trọng của nhiều buổi lễ, có rất nhiều phóng viên, thợ chụp ảnh thuê, đã ngang nhiên đứng đúng vào trước bàn thờ, thậm chí, có người còn đứng sát cạnh bát hương, nơi mọi người đang xì xụp khấn vái, để chụp ảnh hoặc quay phim. Nhiều cụ già đã rất bức xúc, phản ứng: "Hóa ra mọi người lễ lạy mấy ông phóng viên, thợ ảnh à?". Điều này đã xảy ra không chỉ ở các lễ hội cấp địa phương, mà còn xảy ra tại các buổi lễ trọng của đất nước như lễ dâng hương ở đền Hùng, dâng hương ở điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long, lễ dâng hương trước tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa v.v… Nhưng rất ngạc nhiên là ở đền Hùng, chỉ có lực lượng Công an đứng ra nhắc nhở, còn lại, Ban Quản lý di tích đã không có ý kiến gì. Ở Hoàng thành Thăng Long, tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ cũng thế, khiến nhiều người không giấu được sự "ngạc nhiên".

Thiết nghĩ, khi tác nghiệp, dù có cần thiết đến thế nào, những người làm công tác văn hóa trước hết phải tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống, chứ không thể chỉ vì để được việc của mình mà quên đi những điều vốn được coi là sơ đẳng trong ứng xử như vậy.

Ngay ở nhà, chúng ta cũng không cho phép mình lẫn người ít tuổi được đứng bất kính như thế trước mặt người lớn tuổi, cũng như trước bàn thờ đang hành lễ, vậy cớ gì trước một nơi đang diễn ra những sự kiện văn hóa lớn, với ý nghĩa quan trọng, chúng ta lại làm những điều thiếu văn hóa như thế.

Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết, thuộc về sự thiếu ý thức của từng phóng viên. Là những người làm công tác văn hóa, lẽ ra, các phóng viên phải hiểu điều này hơn ai hết, để tự giác và có văn hóa khi tác nghiệp, bởi ở các nơi diễn ra sự kiện, là những nơi "quan trên trông xuống, người ta trông vào".

Bên cạnh đó, lỗi không nhỏ thuộc về chính những người làm tổ chức, khi đã có ý thức bố trí vị trí trang trọng nhất cho các đồng chí lãnh đạo, các bậc cao niên, nhưng lại không có các qui định cụ thể về vị trí tác nghiệp, dẫn đến các phóng viên có thể tùy tiện hoạt động ở bất cứ vị trí nào.

Nếu như trước mỗi sự kiện, Ban tổ chức chương trình đều tính đến việc sẽ có rất đông nhà báo tác nghiệp, do đó, cần có những qui định chi tiết với đội ngũ này, hoặc ít nhất, khi thấy sự việc đã diễn ra như thế, cần kịp thời nhắc nhở, thì sẽ tránh được tình trạng như đã nêu

Ngô Thanh
.
.
.