Phòng trưng bày kỷ vật Trường Sơn

Chủ Nhật, 19/02/2006, 08:20

Nhằm tăng cường công tác chỉ đạo và chi viện cho cách mạng miền Nam, tháng 5/1959, những đơn vị mở đường Trường Sơn đã được thành lập. Từ đó, trên con đường mòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã diễn ra một cuộc trường chinh máu lửa của QĐND Việt Nam và cán bộ dân chính Đảng từ Bắc vào

 

Tìm lại kỷ vật của một thời “đi B”

Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã phối hợp với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng TP HCM tổ chức trưng bày chuyên đề “kỷ vật những người đi B” gồm hơn 400 hiện vật, hình ảnh và tài liệu của các cán bộ, chiến sĩ  đã từng tham gia “đi B” trong cuộc trường chinh trên đường Trường Sơn lịch sử.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (Phó phòng Nghiên cứu sưu tầm Bảo tàng TP HCM) cho biết: “Để sưu tầm đúng kỷ vật của một thời "đi B" thì những người làm công tác sưu tầm phải đọc rất nhiều sách viết về công tác xây dựng con đường Trường Sơn lịch sử. Những đơn vị bộ đội nào đã đi qua cung đường này để vào Nam chiến đấu? Tìm hiểu về tình hình đấu tranh vũ trang lẫn đấu tranh chính trị trong chiến trường miền Nam, rồi gặp trực tiếp những nhân chứng sống một thời đã tham gia “đi B” ở tất cả các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, quốc phòng... để nghe họ kể chuyện và sưu tầm những kỷ vật về họ”.

Để có được những kỷ vật về cố Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, như chiếc radio hiệu National Panasonic 3 băng được Đại tướng sử dụng nghe tin tức trong thời gian công tác ở căn cứ Lộc Ninh từ ngày 3/4 đến ngày 1/5/1975, chiếc compa và kính lúp dùng để đo khi xem bản đồ chiến đấu... thì đoàn công tác của Bảo tàng TP HCM phải ra tận Hà Nội, sưu tầm. Để có được cây đàn guitar kỷ niệm của nghệ sĩ ưu tú Thanh Đính trưng bày trong Phòng kỷ vật Trường Sơn thì các nhân viên làm công tác sưu tầm của Bảo tàng TP HCM đã phải ba lần đến nhà thuyết phục. Vì đối với nghệ sĩ Thanh Đính, cây đàn gắn liền với một kỷ niệm sâu sắc và mang ý nghĩa rất lớn lao, được ông quý trọng xem như một báu vật trang trọng treo ngay tại phòng khách giữa nhà. Cây đàn này ông đã được nhà thơ Bảo Định Giang thay mặt cho Ban Thống nhất Trung ương và Bộ Văn hóa trao tặng trước khi ông lên đường "đi B" năm 1966. Cây đàn đã theo ông vào chiến trường miền Nam, đem tiếng hát phục vụ cán bộ chiến sĩ, thương binh, đồng bào. Có hôm một mình ông với chiếc đàn guitar hát liền một mạch hơn 20 bài phục vụ chiến sĩ giữa chiến trường. Theo lời ông kể, có một kỷ niệm mà ông không sao quên được: “Cùng với cây đàn guitar này, tôi đã đệm đàn cho Đặng Thùy Trâm hát bài “Trước ngày hội bắn” trong buổi liên hoan tại trường 105 (tỉnh Hòa Bình) trước ngày cả hai vào Nam chiến đấu”.

Cũng có những kỷ vật mà khi đi sưu tầm, những người trong đoàn đã lặng đi vì xúc động khi nghe kể về những câu chuyện lịch sử xung quanh nó, đó là kỷ vật gồm một tập giấy tờ nhiều loại: giấy chứng nhận thành tích trong chiến đấu và học tập, giấy khen, thư khen... của các chiến sĩ ở miền Nam tập kết ra Bắc, trước khi lên đường đã gửi lại nhờ đôi vợ chồng người đồng đội giữ hộ. Đất nước thống nhất, những kỷ vật năm xưa vẫn còn đó, nhưng những người nhờ cất giữ thì không một ai trở lại. Những kỷ vật ấy vẫn được đôi vợ chồng cựu chiến binh già nâng niu, giữ gìn như vật báu suốt gần nửa thế kỷ. Giờ đây, khi trao lại những kỷ vật đó cho Bảo tàng TP HCM, hai ông bà vẫn thầm mong các đồng đội ngày xưa sẽ quay về nhận lại.

Tiếp lửa truyền thống cho một phong trào

45 năm về trước, “đi B” là tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, là cụm từ để chỉ sự chi viện tuyệt đối của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Ngày hôm nay, có rất nhiều người trẻ sinh sau năm 1975 trở nên xa lạ với cụm từ này. Trung tướng Đào Văn Lợi, Giám đốc Học viện Lục quân, trong một cuộc giao lưu với sinh viên đã nói: “Cụm từ “đi B” chỉ còn trong ký ức của lớp người tham gia cách mạng trước 30/4/1975”. Nhưng sau khi xuất hiện phòng trưng bày “Kỷ vật những người đi B” giữa lòng thành phố mang tên Bác, thì một phong trào tiếp lửa truyền thống từ những kỷ vật “đi B” đã được diễn ra ở rất nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Những cuộc giao lưu “Trường sơn một thời không quên” thu hút hàng nghìn bạn trẻ đến tham gia. Sự quan tâm của giới trẻ đối với hai cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" và "Mãi mãi tuổi hai mươi" chứng tỏ đã có một sự cộng hưởng chung về lý tưởng của hai thế hệ đã được tiếp nối. Những bếp Hoàng Cầm, chiếc gậy Trường Sơn, đôi dép Bác Hồ... tại Phòng trưng bày đã hiện lên rất sinh động, giúp cho giới trẻ ngày hôm nay hình dung được về một không khí hào hùng của cha ông một thời máu lửa.

Khi tham quan Phòng trưng bày “Kỷ vật những người đi B”, bạn trẻ Phạm Anh Tuấn (Bí thư Đoàn cơ sở Khoa Công nghệ Sinh học - Đại học Mở bán công TP HCM) tâm sự: “Những hiện vật được trưng bày của một thời “đi B” giúp chúng tôi củng cố nhiều hơn về lý tưởng và niềm tin trong cuộc sống. Giới trẻ ngày hôm nay không còn phải lo chống giặc ngoại xâm như thế hệ cha ông ngày xưa nữa, mà chuẩn bị hành trang cho cuộc chinh phục những đỉnh cao của tri thức công nghệ mới. Chính sự hiểu rõ về lịch sử ngày hôm qua giúp chúng tôi sống tốt hơn và có trách nhiệm hơn trong hiện tại và tương lai sau này”.

Sự xuất hiện của Phòng trưng bày “Kỷ vật những người đi B” ngay giữa lòng thành phố mang tên Bác như một nốt son, một điểm nhấn giúp cho thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về lịch sử của dân tộc, trân trọng những gì thuộc về quá khứ hào hùng

Bích Phượng
.
.
.