Phố Phái mùa xuân…

Chủ Nhật, 10/01/2010, 10:11
Tôi vào TP HCM khoảng chuyển giữa hai mùa. Nghe mùa mưa khép lại và mở mùa khô gay gắt nắng. Một chiều chợt mưa chợt tạnh như thế, ngồi góc đường Lê Quý Đôn cùng dăm bẩy anh em văn nghệ, trong nhiều câu chuyện xoay quanh Sài Gòn, Hà Nội, bất chợt có người nhắc đến danh họa Bùi Xuân Phái.

Tự nhiên, chúng tôi chuyển sang đề tài Hà Nội. Phái - Phố. Phố - Phái. Và trong không khí ấy, một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một bạn cũ thuở hàn vi đã tặng tôi tấm ảnh cuối cùng ghi lại chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái tại Sài Gòn trước thời gian ông qua đời (1988). Chớp mắt, đã trên hai mươi mùa lá me bay...

Nhớ lại những ngày xa xưa ấy, ngót 40 năm đã trôi qua. Những ngày máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Những ngày B52 Hà Nội - An Dương, Khâm Thiên. Hồi đó, tôi, họa sĩ Tường Vân từ Hải Phòng về, nhà thơ Lưu Quang Vũ, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà thơ Phùng Quán và đạo diễn điện ảnh Trần Thịnh vẫn lang thang mấy quán rượu phố Tạ Hiện nhập nhoạng lên đèn.

Chúng tôi ngồi nhâm nhi tí rượu "cuốc lủi" và mấy củ lạc luộc, gói lạc rang. Họa sĩ Bùi Xuân Phái thường cười nhẹ nhẹ, mặt ửng hồng vì tửu lượng ông vốn rất ít, chỉ để lấy vui với bạn hữu thân tình. Những khi ấy, ông hay nói về hội họa. Ông nói về bột mầu, về sơn dầu, về chì than, về ký họa, về thiết kế mỹ thuật sân khấu và minh họa.

Nhưng bao giờ ông cũng hay nói về phố. Và quả thật, phố cổ Hà Nội đã gắn bó máu thịt với ông suốt cả một đời cầm bút vẽ. Bởi thế, anh em trong giới và công chúng yêu hội họa Việt Nam vẫn gọi là Phái - Phố hay Phố - Phái. Và hình như, mỗi khi nhắc đến Hà Nội, có lẽ không thể không nhắc đến họa sĩ Bùi Xuân Phái…

Hôm nay, khi ngồi lại giữa TP HCM, thấy anh em, bạn bè, người lạ, người quen, người trong giới hay ngoài giới hội họa luôn nhắc đến ông; trong lòng tôi lại bừng lên một niềm vui thật nhỏ nhoi, bình dị. Với riêng tôi, nghĩ về tranh Bùi Xuân Phái, ngoài bảng mầu ghi trầm buồn và những vạch sáng trắng; tôi còn rất đam mê dăm ba nét chấm phá và những đốm mầu da cam nguyên chất rất đỗi tài hoa của ông.

Vậy là, cuối cùng, chỉ cần còn lại một cái tên cùng những tác phẩm nghệ thuật đích thực của người nghệ sĩ là mãi mãi tươi xanh, bất tử như mùa xuân. Bởi tôi được biết ở TP Hồ Chí Minh, một trong những bức tranh khá nổi tiếng của họa sĩ Bùi Xuân Phái - Hà Nội 1946 - đang được một người yêu hội họa giữ gìn rất trân trọng…

Đã trên hai mươi mùa xuân, từ khi danh họa Bùi Xuân Phái qua đời. Nhưng những kỷ niệm một thời hàn vi có vui và buồn, có no và đói, có cả vinh và nhục trong một niềm vui sáng tạo bất tận của người nghệ sĩ, vẫn như những ngọn lửa bùng cháy lên trong tôi không bao giờ tắt - Như những bức thư tranh Phố mùa xuân vẫn còn mãi với thời gian - mà Giải thưởng Hồ Chí Minh của Nhà nước đã vinh danh ông. Bất chợt, tôi bâng khuâng hỏi mình - Liệu đến bao giờ, Thủ đô Hà Nội mới chọn một góc phố cổ, để đặt tên Bùi Xuân Phái - nhất là vào dịp Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, năm 2010 này?

Lê Huy Quang
.
.
.