Phim về hoa hậu nhắm đến thị trường

Chủ Nhật, 22/03/2009, 17:43
Nhà văn Bùi Anh Tấn, tác giả kịch bản bộ phim dài tập về hoa hậu đầu tiên tại Việt Nam cho rằng, kịch bản phim thời trang, nhắm đến thị hiếu của đông đảo khán giả và vấn đề đặt ra rất thời sự và… thị trường.

Nhà văn Bùi Anh Tấn (ảnh đầu) và công tác chuẩn bị cho bộ phim về hoa hậu.

Công ty FPT Media và đạo diễn Xuân Phước vừa casting xong dàn diễn viên cho bộ phim 40 tập "Bước chân hoàn vũ", kịch bản của nhà văn Bùi Anh Tấn. Phim sẽ được bấm máy vào ngày 13/4, bối cảnh chính tại TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vũng Tàu… và dự kiến phát sóng vào tháng 7 năm 2009.

Các diễn viên Mai Thu Huyền, Trương Minh Quốc Thái, Kinh Quốc, Nguyễn Phi Hùng, Đăng Khôi, Lý Nhã Kỳ… và hơn 40 người mẫu nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh sẽ tham gia bộ phim này. Đây được coi là bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên đề cập trực tiếp đến hậu trường các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam. Nhà văn Bùi Anh Tấn có trao đổi ngắn cùng CAND Cuối tuần về "Bước chân hoàn vũ".

- Vậy là sau gần một năm hoàn thành kịch bản, "Bước chân hoàn vũ" mới bắt đầu quay. Sự chờ đợi có làm anh chán ngán?

- Tôi bận. Nên nhiều lúc quên mất mình đã từng viết kịch bản này.

- Đọc 40 tập kịch bản "Bước chân hoàn vũ", có rất nhiều chi tiết sâu về hậu trường của thế giới người đẹp và các cuộc thi nhan sắc. Anh lại là một nhà văn... am hiểu thế giới đàn ông hơn. Vậy hẳn là quá trình thâm nhập thực tế có nhiều điều để nói?

- (Cười) Tôi am hiểu thế giới đàn ông ư? Ý anh ám chỉ là tôi chuyên viết về thế giới đồng tính chứ gì. Nhưng tôi cũng am hiểu thế giới phụ nữ đấy. Nếu không tôi đâu dám nhận lời viết kịch bản về hoa hậu. Tôi biết, xưa nay mọi người vẫn cho là Bùi Anh Tấn chỉ hiểu đàn ông nên nay viết về chân dài sẽ gây ngạc nhiên và tò mò. Cũng có một chút kinh nghiệm khi thâm nhập vào thế giới chân dài. Chủ yếu là chọn một đối tượng cụ thể, sau đó nghe kể lại là nhiều.

Thực ra, chọn một đối tượng cụ thể để "xâm nhập thực tế", và thuyết phục người đẹp kể lể cuộc đời cô ấy là một quá trình không dễ dàng. May mà tôi cũng không quá "hình sự", nên chân dài cũng không "hoảng sợ". Khi viết kịch bản, tôi phải tham khảo rất nhiều bạn bè có "thành tích ăn chơi", nhờ họ dẫn đến những nơi đó để mình không xa lạ. Tuy nhiên, tôi vẫn rất tự tin với sự "hiểu" của mình khi đặt bút viết. Mà để khán giả xem phim đã. Chẳng có gì ghê gớm đâu, chân dài cũng bình thường như… chân ngắn thôi. Có điều này thì tôi xác tín, nhan sắc thì rất đáng yêu!

- Hiểu, đó chính là vấn đề mà nhà biên kịch sẽ phải đối mặt. Rằng anh có quyền sáng tạo và không cần phải sao chép thực tế, nhưng sự sáng tạo ấy sao phải phù hợp và khán giả chấp nhận được. Khi anh nói tự tin, nghĩa là anh đo được những ranh giới giữa hiện thực và sáng tạo và đo được cả tâm lý khán giả?

- Nhất trí! Tuy nhiên tôi cũng cần lưu ý: Một bộ phim vốn là công trình của tập thể, gồm đạo diễn, diễn viên… Và biên kịch giữ vị trí rất khiêm tốn. Thế nên thành công hay thất bại, nó cũng là công trình… tập thể. Tôi không dám nói mình sẽ đo được hết tâm lý của khán giả. Vì đây là một phim truyền hình dài tập dành cho khán giả đại chúng, nên tâm lý khán giả sẽ rất phức tạp. Tôi không coi thường khán giả bình dân, nhưng tôi nghĩ rằng họ bình dân thì cách nghĩ, cách hiểu cũng bình dân thôi.

- Nhà biên kịch giữ vị trí khiêm tốn, nhưng không có anh ta thì về cơ bản không có bộ phim, trừ khi nhà biên kịch kiêm luôn ông đạo diễn. Nói công trình tập thể là nhà biên kịch đang trốn đi cái trách nhiệm của người sáng tạo?

- Không. Cần hiểu thế này, bộ phim luôn là một công trình tập thể, và quan trọng hơn cả là nhà đầu tư, một ông chủ thứ thiệt. Dĩ nhiên khởi điểm luôn là biên kịch, sau đó mới đến các thành phần khác. Tôi không có ý đổ trách nhiệm cho người khác. Tuy nhiên, từ những câu chữ ban đầu của biên kịch để ra thành bộ phim luôn bị bóp méo, lẫn sự can thiệp của rất nhiều bộ phận khác nhau, nhiều lúc biên kịch còn chẳng nhận ra đứa con của mình nữa. Thế nên, với vị trí biên kịch, tôi không hy vọng lắm về sự trọn vẹn của kịch bản. Trừ khi tôi là nhà biên kịch kiêm đạo diễn và được sự ủng hộ tuyệt đối của nhà đầu tư.

- Bộ phim mới bấm máy, nói về thành bại của nó lúc này là điều võ đoán. Chúng ta chỉ nói về phần kịch bản thôi. Thực sự, anh tự đánh giá, thì kịch bản gốc của "Bước chân hoàn vũ", có phải là kịch bản phim truyền hình hấp dẫn khán giả bình dân?

- Tôi nói rằng, kịch bản phim thời trang, nhắm đến thị hiếu của đông đảo khán giả và vấn đề đặt ra rất thời sự và… thị trường. Tất nhiên, ao ước của người viết luôn là "nâng cao thị hiếu" của người xem và đưa được tính nghệ thuật vào phim. Chưa kể là thông điệp giáo dục trong đó nữa. Và như mọi bộ phim truyền hình dài tập khác, rất Á Đông, "Bước chân hoàn vũ" sẽ là cái thiện thắng cái ác, nói chung sẽ tốn nhiều nước mắt của các bà nội trợ.

- Anh mất khá nhiều thời gian cho "Bước chân hoàn vũ", những gì anh được nhận về có làm anh hài lòng không? Hay anh cảm thấy tiếc nuối?

- Hài lòng. Là vì mình cặm cụi 5 tháng trời, hoàn thành hơn 2.000 trang kịch bản. Còn chưa thoả mãn là đáng lẽ tôi có thể sửa chữa nhiều hơn nữa, để hoàn thiện hơn. Nhưng vì kế hoạch của nhà sản xuất, nên mình phải chấp nhận thôi.

- Đặt ra một giả sử, bộ phim bị phê phán nặng nề, anh có ngại ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mình?

- Tất nhiên là tôi sẽ rất buồn nếu bộ phim thất bại, dù hiểu rằng mình chỉ góp một phần nhỏ trong đó. Nhưng tôi xác định từ đầu, tham gia viết kịch bản một phim thị trường thì phải chấp nhận điều đó thôi. Tôi sẽ buồn nhiều khi mình được quyền quyết định toàn bộ mà không làm tới. Còn đây mình cũng chỉ là khách bên lề thôi.

- Cảm ơn anh!

PV
.
.
.