Phim lịch sử: Hay mới tốt

Thứ Tư, 12/01/2005, 08:05

Không tạo được những cơ sở vật chất xứng đáng để làm phim lịch sử, chúng ta sẽ khó có thể tạo nên được những tác phẩm điện ảnh tương xứng với ý nghĩa trọng đại của các sự kiện kỷ niệm. Nếu chỉ mượn cớ ngày kỷ niệm để làm phim lấy được thì vô hình trung, chúng ta lại thêm một lần xúc phạm tới các dịp lễ trọng.

Cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long bế mạc ngày 8/1 với kết quả khá xôm tụ. Đội ngũ những cây bút tham gia cuộc thi muôn màu muôn vẻ, có cả những nhà văn nổi tiếng, những tay "săn giải chuyên nghiệp" trong các hoạt động tương tự lẫn những người viết không chuyên nhưng giàu tâm huyết với lịch sử, với điện ảnh.

Kịch bản gửi dự thi cũng theo nhiều kiểu khác nhau, cả về chủ đề lẫn cách thể hiện. Có tác giả ôm đồm gần như toàn bộ tiến trình lịch sử trên dải đất Tiên Rồng, viết kịch bản về mọi sự kiện liên quan tới Hà Nội từ thời thượng cổ tới hôm nay. Có người viết dự thi cùng một lúc các kịch bản về nhiều triều đại khác nhau. Không ít tác giả viết kịch bản cho những bộ phim trường thiên, dài tới hơn chục tập...

Ban giám khảo đã cố gắng huy động "con mắt xanh" chọn ra 5 kịch bản để trao giải chính thức hạng A, B, C và một kịch bản để trao giải khuyến khích. Phần lớn các tác giả được giải đều là những gương mặt quen biết: Nguyễn Quang Thân (giải A); Nguyễn Quang Lập, Đinh Thiên Phúc (giải B); Chu Lai, Nguyễn Mạnh Tuấn (giải C)... Dự kiến những kịch bản này sẽ được đầu tư trực tiếp để dựng thành phim.

Muốn nói gì thì nói, đó đã là sự khởi đầu có màu sắc lạc quan. Tuy nhiên, thực sự những ai tâm huyết với điện ảnh và lịch sử đều cảm thấy lo lắng nhiều hơn. Chúng ta đã quá nhiều lần phải chứng kiến việc làm phim kỷ niệm không xứng tầm với sự kiện mà nó hướng tới. Đa phần các bộ phim được đầu tư khá hậu hĩnh này đều không tới được với khán giả rộng rãi như cần phải có. Và điều đáng buồn hơn là chất lượng nghệ thuật của những bộ phim gọi là mang tính lịch sử như thế đều rất đáng bị phê bình. Nói một cách thẳng thắn, đang có những người làm điện ảnh coi việc dựng phim lịch sử cho các dịp lễ trọng như một cơ hội kiếm chác hơn là một cơ hội để nâng tầm nghề nghiệp cho mình.

Nhưng ngay cả nếu như chúng ta rất trung thực trong việc làm phim kỷ niệm thì cũng không phải vì thế mà đã chắc cho ra lò được những bộ phim lịch sử có chất lượng. Đang tồn tại quá nhiều những lý do khách quan và cả chủ quan nữa để có thể thực hiện những bộ phim lịch sử đúng nghĩa của nó. Đầu tiên vẫn là chất lượng thực sự của kịch bản. Rồi đến trình độ của đội ngũ làm phim, từ đạo diễn, diễn viên, quay phim tới vô số những khâu khác của nền công nghiệp điện ảnh. Đấy là còn chưa nói tới mức kinh phí thường là rất khổng lồ để làm một bộ phim lịch sử, nhất là những phim liên quan tới thời quá khứ đã rất xa xôi, khi mà mọi bối cảnh cũng như đạo cụ, phục trang đều cần phải dựng lại hay làm mới hoàn toàn...

Phim lịch sử chỉ hay mới tạo nên được những hiệu ứng tốt trong xã hội. Bằng không, đó lại là những dịp để vừa vứt tiền ra gió, vừa "phản tuyên truyền"

Mỹ Trân
.
.
.