Phim Việt không chỉ chờ đến Tết

Chủ Nhật, 22/01/2012, 11:04
Điện ảnh Việt Nam đang bắt đầu có những bước đi khác, không chỉ chờ đến Tết với những bộ phim tấu hài…

Vào những ngày cuối cùng của năm 2011, điện ảnh Việt Nam có một cuộc tổng kết, đó là Liên hoan phim lần thứ 17 tại Phú Yên. Nói gì đi nữa, thì điện ảnh Việt Nam cũng đang đi dần vào quỹ đạo tất yếu của ngành công nghiệp hiện đại, đi từ quy luật cung - cầu, phải có người xem thì mới có thị trường và phải có thị trường thì mới có thể nói tới nền và đỉnh trong một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi quá nhiều về công nghệ và tài năng.

Bắt đầu đa diện

Nhìn lại những bộ phim công chiếu trong hai năm qua, đã thấy có những bước chân mạo hiểm của các nhà làm phim, khi tung ra thị trường những tác phẩm không đơn thuần là giải trí. “Cánh đồng bất tận”, bộ phim công phu nhất của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, người được tiếng là chịu chơi, chịu bỏ tiền lớn để sản xuất phim và có bộ máy marketting, PR hùng hậu của một công ty truyền thông lớn (BHD), đã tạo được một hiệu ứng đáng kể. Bộ phim không có yếu tố câu khách theo lối thông thường, mà đề cập trực diện vào một mảng đề tài khá gai góc, đó là sự tha hóa của con người trong bần cùng và cái ác của những con người tăm tối. Dẫu bộ phim đã không đạt doanh thu cũng như hiệu ứng cao như đúng kỳ vọng của nhà sản xuất, nhưng “Cánh đồng bất tận” đã đưa ra một xu hướng khác trong điện ảnh vào thời điểm hiện tại. Những bộ phim hiện thực, không tô hồng cuộc sống, nhưng cũng không làm méo mó cuộc sống, đang dần có được sự quan tâm của công chúng.

“Bi, đừng sợ” là một giọng nói khác, như một bước phát triển của dòng phim vốn còn non yếu, đó là phim độc lập. Làm phim độc lập ở Việt Nam có những chông gai (tất nhiên là đi xin tiền của người khác để phục vụ ý tưởng nghệ thuật của mình thì ở Mỹ hay Hàn Quốc cũng chông gai cả), và hơn thế, phải đối diện với việc làm sao để công chúng cũng như hội đồng duyệt phim quốc gia chấp nhận. Con đường đi lắm gian nan của “Bi, đừng sợ” trong thời gian qua cho thấy sự chông chênh của dòng phim ấy. Cũng có thể một phần bởi sự cực đoan của đạo diễn Phan Đăng Di khi anh muốn bảo toàn mọi thứ theo ý nghĩ của mình, phải như vậy mới hoàn hảo và tốt nhất. Nhưng dù thế, thì cũng không thể phủ nhận, việc anh bỏ ra gần chục năm tươi đẹp nhất của tuổi trẻ để làm một bộ phim đầu tay là một sự dấn thân thực sự.

“Bi, đừng sợ” mang đến một con đường riêng, khán giả không quá đông (nếu không nói là khiêm tốn), nhưng nó vẫn được đánh giá là bộ phim thành công. Bởi, nó có được hiệu ứng thực sự trong những người yêu điện ảnh. Và bởi, dù doanh thu không cao, nhưng với dòng phim độc lập thì thông điệp và ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn sẽ là cái cần nói tới nhiều hơn là việc nó mang lại bao nhiêu tiền.

“Tâm hồn mẹ” là một góc khác mà nữ đạo diễn Nhuệ Giang mang tới cho công chúng. Đi vào những thân phận người dưới tận đáy xã hội ở khu bãi giữa sông Hồng, “Tâm hồn mẹ” là những lát cắt đầy hiện thực. Một người phụ nữ thiếu vắng đàn ông, luôn làm tất cả mọi thứ để có được những phút giây ở bên cạnh người đàn ông mà chị coi như người tình. Một cậu bé mồ côi từ tuổi lên hai luôn khao khát có mẹ. Một cô bé không biết bố mình là ai, trong khi mẹ lại mải mê tìm kiếm hạnh phúc riêng. Hai đứa trẻ mồ côi nương tựa vào nhau, bảo bọc nhau. Chúng cùng chơi trò “mẹ - con”, nhưng không chỉ là trò chơi, cô bé Thu trong phim đã thực sự như một người mẹ, khi bảo bọc, chăm sóc, yêu thương cậu bé Đăng như thể một người mẹ chăm sóc con mình…

Đạo diễn Nhuệ Giang đã chăm sóc từng khuôn hình, như thể chị làm bộ phim cuối cùng vậy. Bộ phim không thực sự mới lạ, nhưng đi vào chiều sâu tâm hồn con người. Chính vì thế, bộ phim đã được sự ủng hộ cao của giới làm nghề cũng như những khán giả thực sự mê phim Việt.

“Hotboy nổi loạn, câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt” có thể coi là một bộ phim đi giữa hai dòng phim nghệ thuật và thương mại. Vũ Ngọc Đãng đã chọn một lối đi chênh vênh và đẩy vào đó nhiều mong ước. Mong ước về một bộ phim xóa nhòa ranh giới giữa hấp dẫn và câu khách, giữa thương mại và nghệ thuật. Và mong ước về một bộ phim miêu tả sự trần trụi, dữ dội của hiện thực nhưng lại được công chúng (vốn đã quen với những siêu phẩm giải trí) đón nhận một cách say mê. Những mong ước của Đãng có thể chưa đạt được. Bộ phim về những thân phận nghèo ở thành thị, làm những công việc có thể nói là thấp hèn nhất - đĩ điếm - đã có những hiệu ứng tốt về khán giả. Doanh thu vượt 20 tỷ đồng so với 5,2 tỷ tiền đầu tư, cho thấy sức hút của bộ phim trên hệ thống chiếu bóng thương mại.

Phim thương mại và cuộc chiến doanh thu

Đã gọi là phim thương mại thì cần tính đến thị trường của nó. Và để đánh giá một thị trường thì doanh thu là yếu tố đầu tiên. Phim thị trường, sau những năm ồ ạt vào dịp Tết và yên ắng quanh năm, thì năm 2011 chính là một bước dấu quan trọng, khi người ta đã có thể chờ đón phim Việt suốt 12 tháng. Bộ phim Tết “Cô dâu đại chiến” là một bộ phim thương mại thực sự thành công, bởi nó được dàn dựng bởi một ê kíp trẻ, kịch bản thú vị, hài hước và được phát hành bởi một nhà phát hành chuyên nghiệp. Doanh thu cao, hiệu ứng mạnh, “Cô dâu đại chiến” đã mở ra một xu hướng phim thương mại đúng nghĩa: làm những bộ phim duyên dáng thay vì làm một bộ phim tẻ nhạt lâu lâu có được vài nét cười cố để làm duyên.

Đỉnh điểm của doanh thu trong năm 2011 chính là “Long ruồi”, bộ phim sản xuất kinh phí không quá lớn nhưng đã đạt ngưỡng 42 tỷ tại các hệ thống bán vé. Không xuất sắc, kém duyên dáng hơn bộ phim trước do ê kíp này thực hiện (Để mai tính), nhưng hiệu ứng vẫn rất mạnh. Mức doanh thu của “Long ruồi” khiến nhiều nhà sản xuất phải xem lại định hướng kinh doanh của mình. Bởi nói gì đi nữa, thì một bộ phim thương mại không thể nói chuyện cứ phát hành rồi tính… Chính đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng thừa nhận, doanh thu của “Long ruồi” là mơ ước của anh, bởi một bộ phim có doanh thu cao là một bộ phim có cái để gây xôn xao, còn chuyện hay hoặc dở thì chưa biết. Và đã là phim thương mại, thì doanh thu chính là chuyện sống còn. Bên cạnh những điểm sáng doanh thu, thì năm 2011 cũng chứng kiến những cuộc bại trận của không ít những bộ phim non nớt. “Lệnh xóa sổ” yếu về kịch bản, vụng về ở dàn dựng, dàn diễn viên kém duyên, doanh thu không cao và những dự định của nhà sản xuất tư nhân này cũng tạm dừng lại. “Giữa hai thế giới”, bộ phim nhát ma đánh dấu một năm thất bại của diễn viên Dustin Nguyễn khi anh xuất hiện với tư cách diễn viên chính. “Cảm hứng hoàn hảo”, bộ phim ngây ngô và thiếu thực tế của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Lê Dũng, không chỉ tạo ra thảm cảnh là những phòng vé vắng lặng đến rợn người, mà còn chịu sự chỉ trích dữ dội từ báo chí, trên các diễn đàn và đặc biệt là sự mỉa mai của những người đồng tính…

“Tối nay, 8h” là phim mới của đạo diễn Lê Hoàng, được coi là bộ phim “Tết sớm”, khi chọn thời điểm Noel để ra rạp. Không có ngôi sao, bộ phim làm về một đề tài vốn đã được báo chí khai thác đến mòn vẹt cả bút mực, đó là chân dài - đại gia và các công tử lắm của nhiều tiền, đã không có hiệu ứng đủ mạnh với khán giả. “Phim một màu” chính là điều mà nhiều khán giả cũng như giới chuyên môn nhận định.

“Cột mốc 23” là một món lẩu thập cẩm được công chiếu trước đêm giao thừa 2012 đúng 22 ngày. Một món lẩu thập cẩm với dàn diễn viên ngôi sao, chấm hết! Sở dĩ nó là lẩu thập cẩm vì đạo diễn ở lưng chừng mọi chuyện, không dám đẩy hẳn bộ phim theo hướng liêu trai kinh dị, cũng không dám làm một bộ phim hài hước, lãng mạn thực sự. Việc doanh thu không cao của “Cột mốc 23” là điều đã được tiên đoán từ trước.

Tết này, có gì?

“Thiên mệnh anh hùng” là bộ phim đáng chờ đợi nhất trong Tết 2012. Không liên quan gì tới công thức hài - nhảm - vui vẻ đầu năm của dòng phim Tết (vốn được khởi thủy từ hãng Phước Sang), “Thiên mệnh anh hùng” của Victor Vũ là phim cổ trang dã sử hành động, lấy bối cảnh thời hậu vụ án vườn Lệ Chi của Nguyễn Trãi. Bộ phim được đầu tư hơn 20 tỷ đồng và hy vọng có được hiệu ứng mạnh tại phòng vé, mặc dù việc thu hồi vốn và có lãi của bộ phim vẫn còn là điều khó nói (phải vượt 40 tỷ doanh thu, bộ phim mới mong hòa vốn).

“Lệ phí tình yêu” của đạo diễn Nguyễn Văn Chung khai thác đề tài lãng mạn hài hước vốn đã từng được “Cô dâu đại chiến” khơi mở từ Tết 2011. “Hello cô Ba” là lối hài truyền thống của hãng Phước Sang, hy vọng chào đón được khán giả bình dân (vốn chỉ dành tiền đi xem phim vào ngày Tết),  và “Vũ điệu đường cong” của Nguyễn Trọng Khoa là một tông khác, khai thác mảng đề tài được ưu ái trong giới trẻ… Ngoài ra, có thể kể đến “Lời nguyền huyết ngải” - phim kinh dị của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và “Ngôi nhà trong hẻm”, một phim được đầu tư lớn với hai gương mặt Trần Bảo Sơn và Ngô Thanh Vân…

Dù muốn dù không, thì điện ảnh Việt Nam cũng đang vận hành theo một cơ chế chung của quy luật thị trường. Chính vì thế, việc thành - bại của một dự án phim nên được hiểu là một chuyện hết sức bình thường. Cũng như bất cứ một nền điện ảnh nào, mỗi năm có được vài phim hay, đáng xem cũng đã có thể mỉm cười vì sự thành công của nó. Chính vì thế, dẫu có nhiều bộ phim dở, thậm chí bị báo chí nâng lên tầm “thảm họa”, nhưng điện ảnh Việt Nam không thụt lùi. Nó đang đi đúng con đường mà nó cần phải vật lộn để vượt qua và lớn dần lên…

Hoài Phố
.
.
.