Phim Tết: Cuộc đua nước rút của các hãng phim trong nước

Thứ Năm, 26/01/2006, 15:16

Đến cuối tháng 12/2005, các dự án làm phim chiếu tết vẫn đang ráo riết trên đường đua. Chưa có đoàn làm phim nào kịp nghỉ để nhìn lại “đứa con” của mình trước khi mang nó... ra rạp. Hầu hết các phim vẫn làm theo kiểu “cuốn chiếu”, cùng chạy đua, cùng hồi hộp. Chạy đua với thời gian, hồi hộp lo có kịp tết và hồi hộp lo mùa thu hoạch sẽ nhận quả ngọt hay quả đắng...

Chưa có bao giờ đông như… năm nay

Có thể nói, sau sự thành công vượt trội về doanh thu của các bộ phim: “Gái nhảy”, “Những cô gái chân dài”, “Khi đàn ông có bầu”, v.v… thì chưa bao giờ phim tết lại đông như năm nay. “Chuyện tình Sài Gòn”, “Áo lụa Hà Đông”, “Thập tự hoa”, “Đẻ mướn”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “2 trong 1”, v.v… là những bộ phim sẽ được “tung” ra rạp vào tết năm nay (2006).

Theo chân các đạo diễn, cũng như thâm nhập vào hậu trường của các đoàn làm phim, chúng tôi được biết hầu hết các phim chiếu tết đều được đầu tư kinh phí khá cao. Bộ phim được đầu tư một cách kỹ lưỡng nhất có lẽ là phim “Áo lụa Hà Đông” (do Hãng phim Phước Sang, Hãng phim Việt và Công ty Ánh Việt phối hợp sản xuất - biên kịch, đạo diễn: Lưu Huỳnh). Đây là bộ phim được đầu tư trên 1 triệu USD - mức kinh phí cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam; và cũng là bộ phim đầu tiên ứng dụng kỹ thuật quay flying-cam.

Bộ phim “Hồn Trương Ba da hàng thịt” (Hãng phim HK, Hãng phim Việt và Hãng phim Phước Sang phối hợp sản xuất; biên kịch, đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng) cũng là một bộ phim được đầu tư với số tiền kha khá. Riêng về khoản trang phục cho các nhân vật trong phim này đã… chất đầy Hãng phim HK!…

Đầu tư mạnh đông, vui, đầy khí thế là điều có thể đánh giá sơ bộ về phim tết năm nay. Tuy nhiên, theo như chỗ chúng tôi biết, thì hầu hết các phim chiếu tết vẫn là phim thị trường, vẫn xài “chiêu thức” cũ. Nghĩa là vẫn phải có chân dài, váy ngắn; có đồng tính, giả gái; có cảnh “tươi mát” cùng các pha “tấu hài” v.v…

Phim “Đẻ mướn” (Hãng phim Phước Sang; đạo diễn Lê Bảo Trung) sẽ ra rạp với dòng quảng cáo… xưa như quả đất: “Cấm trẻ em dưới 18 tuổi”. Xưa, nhưng chắc chắn sẽ gây nhiều tò mò đối với khán giả Việt Nam, nhất là khán giả trẻ. Phim “Hồn Trương Ba da hàng thịt” sẽ ra rạp với “đủ mâm đủ bát”: ca sĩ, người mẫu, diễn viên Việt kiều, nhà văn, họa sĩ v.v… Phim 2 trong 1 (thực chất là phóng tác theo bộ phim Hollywood “Some Like It Hot”; Hãng phim Thiên Ngân; đạo diễn Đào Duy Phúc) sẽ ra rạp với một vai giả gái của NSƯT Thành Lộc, cùng những hình ảnh “sống động” của cô người mẫu Ngô Thanh Vân…

Có thể thấy, phim nào cũng có “chiêu” riêng, nhưng dường như chưa có hãng phim nào có một sự đầu tư sâu sắc về kịch bản; cũng như chưa có đạo diễn nào thể hiện sự bứt phá trong cá tính sáng tạo. Phim nhiều, quảng cáo rầm rộ ngay từ khi bấm máy, nhưng chưa biết các phim này sẽ “chen chân” ra rạp như thế nào? Và, liệu khán giả năm nay có “ăn quả đắng” như một số trường hợp ở năm ngoái hay không, thì điều đó còn phải… chờ xem(!).

Đợi đến xem phim rồi… sẽ biết

Đúng là không thể nói trước được điều gì khi mà các phim vẫn chưa được chiếu. Theo chân các đạo diễn, chúng tôi thấy một bầu không khí làm việc hết sức nghiêm túc. Cả đạo diễn và diễn viên đều thể hiện tính chuyên nghiệp cao hơn trước rất nhiều. Trang phục cũng đẹp hơn, cảnh quay cũng hoành tráng và có phong cách riêng…

Nhưng, tất cả những điều đó chưa nói lên điều gì. Càng không thể dự báo là phim sẽ hay, sẽ thu hút khán giả. Bởi, chúng tôi thấy hầu hết các bộ phim đều đơn giản về mặt nội dung. Dù các đạo diễn đều mạnh miệng khẳng định đẳng cấp của mình, nhưng thật khó khi không có bột để “gột nên hồ”. Dù đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có tự tin đến đâu, nhưng thiết nghĩ với một tích cũ như “Hồn Trương Ba da hàng thịt” thì anh khó lòng mà biến hóa, mà thoát được cái tính kịch quá rành rành, quá chặt chẽ từng thể hiện qua kịch bản của Lưu Quang Vũ… Dù đạo diễn Đào Duy Phúc có tài hoa, kỹ lưỡng đến đâu thì với vai giả gái của NSƯT Thành Lộc, khán giả khó lòng mà vượt qua những lợn gợn về mặt hình ảnh cũng như cảm xúc, đối với một diễn viên đã quá quen thuộc với những vai giả giá như thế!…

Trong thực tế, đến giờ này đã có một số phim được chiếu thử cho cánh nhà báo và giới chuyên môn xem. Nhưng, cảm giác chung là… chưa ưng ý. Xem “Đẻ mướn” (Hãng Phước Sang - đạo diễn Lê Bảo Trung), người xem quả tình thấy khán giả đã “ứng báo” trước rằng phim sẽ nhạt nhẽo. Nhưng nhạt nhất có thể nói là tình tiết nội dung không tạo độ lắng, không gây xúc động cho người xem như đạo diễn Lê Bảo Trung từng tuyên bố là sẽ khai thác đề tài “nóng hổi” của xã hội, đề tài mà mọi người quan tâm. Thế mà khi xem phim này, chúng tôi thấy đây là một câu chuyện được “dựng” nhiều hơn là lấy chất liệu từ cuộc sống. Có lẽ điều mà Lê Bảo Trung chăm chút nhiều nhất là những pha rượt đuổi xe hơi và cảnh… lu bể chăng?

Phim “Chuyện tình Sài Gòn” của đạo diễn Việt kiều Ringo Lê cũng không tạo được ấn tượng lẫn cảm xúc. Cái cảm giác rời rạc; cộng với đài từ quá kém của diễn viên (Ngô Thanh Vân, Đức Tiến) khiến người xem không thể nán lại đến phút cuối(!)…

Sau những buổi phim giới thiệu đó, một nhà báo lão làng nói với chúng tôi: “Dường như các đạo diễn trẻ bây giờ giỏi “nổ” hơn giỏi làm. Kinh nghiệm chưa có, tài năng hạn chế, nhưng lúc nào cũng “nổ”; phim chưa làm xong đã vội quảng cáo là “siêu phẩm”. Từ nay tôi chỉ đi xem phim của người nào biết im lặng làm việc”… Lời của nhà báo ấy khắt khe chăng? Bởi cái sự “nổ” thực ra là một chiến lược PR của các hãng phim, trong đó chính các đạo diễn cũng chịu không ít áp lực. Tuy vậy, chúng tôi vẫn thấy những lời phát biểu thẳng thắn của nhà báo ấy là “tiếp cận đúng sự thật”. Con đường nghệ thuật phía trước còn dài để các đạo diễn trẻ chinh phục. Còn với khán giả, muốn xem được phim hay thì rất có thể phải chờ..

Việt Trần – Linh Chi
.
.
.