Phim 'Quyên': Những giá trị Việt không bao giờ mất

Thứ Ba, 23/06/2015, 08:27
Phim “Quyên” (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ) là một trong không nhiều bộ phim điện ảnh đã gây sự chú ý của dư luận từ khi rục rịch khởi động, cho đến khi ra mắt.

Một phần, đây là sự “kết duyên” giữa điện ảnh và văn học, lại từ một cuốn tiểu thuyết đã được tái bản nhiều lần. Hơn nữa, đây cũng là bộ phim được đầu tư rất tốn kém, khi quay chủ yếu ở châu Âu. Bởi thế không có gì ngạc nhiên, khi đây là bộ phim mà buổi công chiếu (có cả tuyết rơi tạo ấn tượng rất độc đáo), cùng lúc 3 phòng chiếu lớn ở Vincom đón khách.

Tác giả của tiểu thuyết “Quyên” khá hài lòng: Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã xây dựng một bộ phim để làm rõ, trực tiếp và sinh động hơn, vẻ đẹp tròn vẹn, trong trắng, tinh khôi từ trong ra ngoài của người đàn bà Việt. Và, để nàng Quyên cùng các mối tình của cô được sống thêm cuộc đời mới và khác, với đôi hài và xiêm y có cánh của nghệ thuật thứ bẩy. Sự tôn vinh vẻ đẹp của Quyên là tôn vinh đại diện cho vẻ đẹp văn hóa nguồn cội gốc Việt, “Việt tính” trong hành trình tìm kiếm tình yêu thủy chung và thật sự của một người đàn bà tên Quyên.

Từng giành “Cánh diều vàng” với phim “Huyền thoại bất tử” và đã có mặt trong nhiều bộ phim ăn khách, Trần Bảo Sơn (vai Hùng) là một gương mặt được chờ đợi nhiều ở “Quyên”. Ngày khởi công phim, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã tỏ ra rất hài lòng khi gặp mặt Hùng của “Quyên” và tin chắc rằng, Trần Bảo Sơn sẽ thành công.

Cảnh trong phim "Quyên".

Đúng như tác giả và đạo diễn gửi gắm, diễn xuất của Trần Bảo Sơn đã khiến anh trở thành một điểm nhấn trong phim, khi thể hiện được những trường đoạn tâm lý phức tạp qua đôi mắt và gương mặt đầy biểu cảm. Trong phim “Quyên”, Hùng của Trần Bảo Sơn có tâm lý rất phức tạp: cùng với sự tàn bạo, hung hãn, còn có tình đồng bào, tinh thần dân tộc giữa xứ người.

Nhưng, với kinh nghiệm và khả năng diễn xuất, Trần Bảo Sơn đã để đọng lại trong lòng người xem tình cảm yêu mến và cảm thông sâu sắc với người đàn ông thăng trầm, dạn dày sương gió, nhưng cũng dịu dàng, nhân ái và khát khao hướng thiện mãnh liệt. Với “Quyên”, diễn xuất của Trần Bảo Sơn thành công hơn những phim khác, có thể vì cảm xúc nhiều hơn, cũng có thể vì Trần Bảo Sơn đã có nhiều kinh nghiệm hơn sau những thành công, thất bại với phim trường.

Diễn viên chính, Vũ Ngọc Anh, người đã vào vai Quyên, cũng cho biết, trong quá trình quay phim, kinh nghiệm của Trần Bảo Sơn giúp đỡ rất nhiều cho vai diễn của cô. Dù lần đầu đóng phim điện ảnh, nhưng Quyên cũng đã làm tròn vai diễn của mình. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cũng bằng lòng với “Quyên”, khi “Có sự phối hợp ăn ý giữa các diễn viên trong bối cảnh quay khó, thời tiết khắc nghiệt của Đức, để hỗ trợ và tôn nhau lên trong mỗi vai diễn. Nhất là các diễn viên đều đã cố gắng tối đa, đã làm việc với 200-300% “công suất” của bản thân.”

Một thành công không thể phủ nhận của “Quyên” là bối cảnh trải rộng từ Việt Nam đến Đức, nhưng từng cảnh phim đều được trau chuốt kỹ càng, tạo nên những thành công về mặt thị giác. Bà Kim Nhũ, một khán giả của “Quyên” đã chia sẻ: “Quyên” có cốt truyện rất hay. Các diễn viên rất đẹp, diễn xuất tốt. Đặc biệt, tôi rất thích âm nhạc của bộ phim này, khi đã góp phần rất lớn làm nổi bật chiều sâu của tính cách nhân vật. Cảnh quay tuyệt đẹp, hấp dẫn.

Chia sẻ với PV Báo CAND sau khi “Quyên” ra mắt khán giả Thủ đô, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết: Nhìn vào “Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, không nên lấy thước đo tiểu thuyết “Quyên” với những diễn tiến của nó để xem xét.

Chỉ với 2 tiếng, nên điện ảnh phải tìm ra cách riêng của mình và biên kịch, đạo diễn đã khá đúng khi khai thác một phần của mạch tiểu thuyết, nhưng lại là điều cốt tử: Vẻ đẹp của văn hóa gốc Việt, mà đại diện là thân phận của một người đàn bà tên Quyên, khi đan vào văn hóa thế giới trong một hoàn cảnh nghiệt ngã. Đó là tinh thần, lòng tin vào tình yêu thủy chung và trong sáng, đó là truyền thống đùm bọc phục thiện, đó là nghĩa tử là nghĩa tận để tha thứ, bác ái...

Điện ảnh của Nguyễn Phan Quang Bình làm rất khá đoạn đầu, nó tạo cho khán giả hình dung rất rõ nét hai nhân vật trung tâm Hùng và Quyên. Lại với cách nhìn khá nhuần nhuyễn của đạo diễn hình ảnh và góc quay của nhà quay phim Nguyễn Tranh làm cho phim giầu ngôn ngữ điện ảnh, khi kết hợp giữa vẻ đẹp kinh điển của hai nền điện ảnh lớn trên thế giới là Nga và Mỹ, ở toàn cảnh của Nga và tôn trọng khai thác các chi tiết cận cảnh của Mỹ. Tôi thông cảm với sự biến tấu của biên kịch và đạo diễn ở phần giữa của phim, khi lái mạch kể sang một hướng cho gần gũi  với tâm lí khán giả hôm nay.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng chia vui khi “Quyên” bước vào điện ảnh: Khi tiểu thuyết “Quyên” được dựng thành phim, ta biết thêm sức sống mãnh liệt và giá trị nghệ thuật đích thực của nó. Nhiều tác phẩm điện ảnh, những “đứa con tinh thần” nhưng không kém tài sắc, thậm chí còn quyến rũ hơn, có sức ám ảnh hơn cả “bà mẹ văn chương” của mình. Phim truyện “Quyên” vừa ra mắt công chúng, như hai tấm gương cùng soi vào nhau và cả hai cùng sáng lấp lánh…

Thanh Hằng
.
.
.