Phim “Hạt mưa rơi bao lâu”: Không dễ ăn khách

Thứ Hai, 17/10/2005, 09:02

"Hạt mưa rơi bao lâu" quả là một bộ phim lạ, lạ từ những khuôn hình, cách kể chuyện và cách mà đạo diễn buộc khán giả phải tư duy theo mình trong mỗi cảnh quay. Tuy nhiên, còn một điều lạ nữa, dù chinh chiến khắp nơi với vô số liên hoan phim lớn nhỏ, nhưng con đường đến với khán giả Việt Nam của "Hạt mưa rơi bao lâu" lại khó khăn đến không ngờ.

Dường như phim của đạo diễn Việt kiều thường được giới truyền thông săn đón nhiều hơn phim trong nước thì phải. Chẳng phải thế sao khi mà buổi chiếu ra mắt "Hạt mưa rơi bao lâu" tại Viện Geothe Hà Nội đêm 15/10 đã kín đặc nhà báo trong khán phòng, hai bên lối đi và chen nhau cả tại khu vực kỹ thuật phía dưới? Và chẳng thế mà buổi trò chuyện sau khi phim kết thúc, phóng viên nào cũng đặt ra cả một bài phỏng vấn đạo diễn chứ không chịu chia nhau mỗi người một câu như lệ thường.

Buổi trò chuyện kéo dài tới gần 12h đêm. Chỉ tiếc rằng, cũng giống như chủ đề và nội dung của bộ phim, đạo diễn Đoàn Minh Phượng đã bỏ lại rất nhiều câu hỏi "xin không trả lời", khiến khán giả và các nhà báo mỗi người một suy đoán.

"Hạt mưa rơi bao lâu" là một câu chuyện kể không theo một trình tự, mọi chuyện bị rối tung và rất khó khăn trong cách thưởng thức với những khán giả đã quen xem phim liền mạch theo trình tự "có A thì sẽ đến B". Lý An - có thể là một nhân vật giả định, được các tác giả đưa ra để dẫn dắt câu chuyện theo hướng ngày càng bí ẩn và đặc biệt hơn. Cô là một thôn nữ đẹp nhất làng bỗng một ngày có hoang thai mà cô kiên quyết giấu kín nguồn gốc của đứa trẻ. Lệ làng gọt gáy bôi vôi mẹ, thả con trôi sông.  Mẹ con cô được 3 anh thợ mộc cứu và Lý An sống chung với 3 người đàn ông này một cách hết sức hoang dã. Cuộc sống cứ như thế cho đến khi lòng ghen chia cắt họ, Lý An phải bỏ ra đi với đứa con ra đảo bà góa. Và cuối cùng, cho đến khi hết phim, không ai biết cha của Hiên là ai và đâu là sự thật về cuộc đời Lý An. Cô không hề xuất hiện một cách trực tiếp, tất cả chỉ qua những hồi ức của những người đàn ông ngang qua đời cô.

Đoàn Minh Phượng cho rằng, chị không muốn làm phim về một câu chuyện mà chị muốn kể nó bằng hình ảnh. Và quả là hình ảnh của phim thật đẹp, đúng như nhà bình luận Andrew Langridge nhận xét, dường như chị em họ Đoàn chia sẻ với Trương Nghệ Mưu cái thú tạo hiệu ứng màu sắc- ánh đỏ trong gian nhà chùa, màu xanh thẫm trong rừng thẳm-  tuy phim của họ trong cung cách và giọng kể gần với câu chuyện ngụ ngôn thiền "Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân" của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk hơn. Tuy vậy, bộ phim chậm chạp dài tới 114 phút này đã khiến một bộ phận khán giả phải bỏ cuộc ra về vì nó không đủ sức lôi kéo người ta vào câu chuyện.

Nói một cách công bằng, "Hạt mưa rơi bao lâu" đã tạo được những hiệu ứng nhất định về mặt hình ảnh. Nhưng dường như nó đã được thổi phồng quá đà so với những gì vốn có. Trong một số bài giới thiệu phim, các tác giả đã cố lồng vào nó những ý tưởng như dòng phim nữ quyền, phim phản kháng về số phận câm lặng của những người phụ nữ. Những điều đó có thể có nhưng thật mờ nhạt và các tác giả không đẩy lên và giải quyết một cách triệt để. Và xét đủ mọi yếu tố hấp dẫn của một bộ phim chiếu rạp hiện nay thì "Hạt mưa rơi bao lâu" đều thiếu hoặc yếu. Bản thân đạo diễn cũng khẳng định, phim này không thuộc diện phim ăn khách. Có lẽ chính vì thế mà mặc dù đạo diễn Đoàn Minh Phượng đã "chào hàng" với hầu hết các chủ rạp tại Việt Nam mà vẫn bị từ chối. 

Cũng cần bàn thêm về trang phục của nhân vật. Các tác giả ấn định cho bộ phim xảy ra cách hiện tại 200 năm, vậy nhưng tại các chợ làng, người nông dân mặc toàn một gam màu xám xịt, không thấy dấu hiệu của màu đỏ và màu xanh vốn là nét nổi bật của chợ làng xưa. Tất cả các nhân vật trong phim đều ăn mặc khá… rách rưới, riêng Lý An lúc nào cũng sang trọng và đặc biệt, cô mặc trang phục không giống ai và không biết xác định nó có từ thời điểm nào khi được pha trộn giữa váy đầm châu Âu và váy đụp của người phụ nữ Bắc.

Người thiết kế trang phục Trương Tân cho rằng, vì  Lý An là một phụ nữ… trong sáng(!?) nên anh đã thiết kế như vậy, còn quan niệm thế nào tuỳ thuộc vào mỗi người. Nghĩa là Trương Tân triệt tiêu mọi khả năng nếu ai muốn nhìn mũ áo để nhận biết lịch sử niên đại. Và dù vẫn khẳng định, phải dựa vào lịch sử nhưng Đoàn Minh Phượng đã không đưa ra được một cách thuyết phục những câu chuyện có mô típ tương ứng vào thời điểm đó hay những dữ liệu về lịch sử cần thiết.

Có lẽ đạo diễn đã chọn Trương Ngọc Ánh vào vai Lý An vì cần có một diễn viên… nhiều nhan sắc và biết diễn xuất. Nhưng theo cảm nhận riêng của một số người, có lẽ cô không phù hợp với vai gái quê. Cô vào vai một thôn nữ thời phong kiến mà sang trọng quá, hiện đại quá, từ cách nói, nét mặt đến dáng đi, tất cả cho thấy cô vô cùng… tân thời. Và khoản đài từ thì các diễn viên vẫn mắc những lỗi y hệt như phim truyền hình, đọc thoại vô cảm, gây phản cảm lớn cho khán giả. Nếu nói về diễn xuất, dường như không có bất cứ điểm nhấn nào đáng chú ý.

Thật tốt nếu "Hạt mưa rơi bao lâu" được công chiếu tại các rạp. Dù biết sẽ là phim không dễ xem, không ăn khách nhưng thật cần thiết với những ai muốn có cái nhìn công bằng, đa dạng và chính xác hơn về phim Việt Nam. Đây là một tiếng nói lạ, có đầy đủ những đền chùa, tượng gỗ, ca múa dân gian, chợ làng và những câu chuyện phiêu diêu thần thoại khiến người phương Tây ngưỡng mộ. Tuy vậy, sẽ là không công bằng nếu xếp nó ngang hàng với những phim của các đạo diễn Việt kiều khác như "Mùi đu đủ xanh" (Trần Anh Hùng) và "Mùa len trâu" (Nguyễn Võ Nghiêm Minh)..

Toàn Nguyễn
.
.
.