Phía sau chiếc cúp vàng?

Thứ Năm, 10/03/2011, 12:29
Nhà ĐKVĐ HN.T&T thua 3 trận liên tiếp ở sân chơi V.League cộng thêm một trận nữa trong khuôn khổ AFC Cup trên đất Thái Lan - điều mà trước đó non một tháng, không ai nghĩ tới. Điều gì thực sự đang diễn ra với đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng?

Thật ra trong cái tổ hợp 4 trận thua nói trên, có những trận thua chấp nhận được, chẳng hạn như thua SHB.Đà Nẵng trên sân nhà hay thua Muangthong United của Thái Lan trên sân khách. Chấp nhận được là vì cả hai đối thủ này đều mạnh hơn hẳn so với HN.T&T.

Nhưng thua Thanh Hóa 0-1 rồi thua tan nát HAGL 1-4 với đội bóng của vị HLV họ Phan lại là điều thật khó... tiêu hóa. Nó không chỉ khó tiêu hóa ở góc độ tỷ số, mà còn khó tiêu hóa ở phương diện thể hiện khi trong gần như tất cả các trận đấu này họ chỉ thể hiện được duy nhất một bộ mặt: Nặng nề, bế tắc, thiếu khát vọng.

Không khó nhận ra cái bộ mặt ảo não ấy đến một phần từ sự thiếu hụt nhân sự khi hết Lê Công Vinh đến Thạch Bảo Khanh, rồi đặc biệt mới đây là Gonzalo đã lăn đùng ra chấn thương. Ai cũng biết ở đội bóng Thủ đô, tiền đạo Gonzalo được ví là "gà son" - người đã đóng góp rất nhiều bàn thắng quyết định giúp cho HN.T&T lên ngôi vua V.League một năm về trước.

Thạch Bảo Khanh (trái) chấn thương cũng là một lý do khiến HN.T&T bết bát. Ảnh: Quang Minh.

Thế nên khi Gonzalo lăn lộn nằm sân sau một cú tắc bóng của cầu thủ Thanh Hóa thì nhiều người lập tức nhận ra rằng HN.T&T sẽ gặp khó khăn lớn trong khâu tấn công ghi bàn. Cái khó lại càng tăng cao khi những tiền đạo dự bị như Matias lại chưa chứng tỏ được mình còn những tiền đạo có năng lực như Samson của Đồng Tháp thì HN.T&T lại đã săn hụt - cho dù có lúc tưởng như đã thành công tới 99%.

Trong cuộc trò chuyện với báo chí ngày hôm qua, HLV trưởng Phan Thanh Hùng cho rằng bên cạnh sự mất mát con người ở hàng tiền đạo thì một nguyên nhân căn bản dẫn tới màn trình diễn tệ hại của nhà vô địch V.League đó chính là áp lực sau chức vô địch.

Ông Hùng phân tích: "Bây giờ các cầu thủ tiền vệ, thậm chí là cả hậu vệ biên của chúng tôi đều muốn lao về phía trước với một tốc độ tấn công nhanh hơn. Họ muốn làm như thế để thể hiện mình là những nhà vô địch. Song làm như thế chẳng khác gì tự hủy hoại mình, vì lối tấn công của HN.T&T xưa nay luôn được xây dựng bởi những pha bóng chắc chắn, chậm rãi".

Nếu cần phải kể thêm một lý do nữa cho sự xuống dốc của HN.T&T thì đó chính là sự thiếu may mắn - điều mà họ có thừa ở mùa giải trước. Ông Hùng nói về vấn đề thiếu may mắn này như sau: "Trong trận đấu với SHB.ĐN trên sân nhà, HN.T&T đã chơi tốt, và đã có rất nhiều cơ hội ghi bàn mở tỷ số. Nhưng vì không gặp may nên các cú sút đều không trúng đích, và thế là cuối cùng chúng tôi lại bị thua đau".

Theo quan điểm của chúng tôi, tất cả những lý do mà ông Hùng đưa ra đều đúng, nhưng ra xem chưa đủ. Cần thiết phải nhắc lại rằng, không cần đợi tới bây giờ, mà ngay sau khi HN.T&T vô địch V.League 2010, người ta đã nói rằng đấy không phải là đội bóng mạnh nhất V.League. Thời điểm ấy, V.League có những đội bóng mạnh hơn trông thấy so với HN.T&T, điển hình như Bình Dương, hay Đà Nẵng, nhưng những đội như thế đã không thể vô địch vì một mặt họ rơi vào cuộc khủng hoảng nội bộ, một mặt, đấy là lúc mà gần như cả V.League đều mong HN.T&T sẽ vô địch để có thể chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Năm nay thì ở Hà Nội dĩ nhiên chẳng còn lễ kỷ niệm 1.000 năm nào như vậy nữa. Không biết có phải vì vậy không mà năm nay, khi gặp HN.T&T nhiều đội bóng dường như đã vào trận với một tư tưởng quyết liệt hơn - và chính từ sự quyết liệt ấy mà HN.T&T bắt đầu để lộ ra những tử huyệt của mình.

Thật ra thì thua 4 trận liên tiếp cũng chưa phải là một thảm họa. Càng chưa phải là thảm họa khi V.League cũng mới chỉ đi qua vòng thứ 5. Nhưng vấn đề là: cảm giác như sau một chức vô địch đến phần lớn từ lý do "thời thế", HN.T&T đã bắt đầu trở lại với giá trị thực và bộ mặt thực của mình. Điều bất ngờ có chăng chỉ là sự "trở lại" ấy đã đến nhanh hơn so với những gì người ta tưởng tượng - thế thôi!

Ngọc Anh
.
.
.