Phát hành sản phẩm nghệ thuật dành cho người trưởng thành: Cấm nửa vời?!

Thứ Ba, 21/10/2014, 10:18
Mặc dù là kịch, phim kinh dị, nặng tính bạo lực, cảnh quay nhạy cảm được khuyến cáo chỉ dành cho người trưởng thành, thậm chí nhà phát hành "niêm yết" rõ ràng là chỉ dành cho khán giả 18 tuổi trở lên, thế nhưng, các cảnh báo, quy định "cấm trẻ em", "cấm khán giả dưới 18 tuổi" vào rạp xem phim, xem kịch trở thành các quy định nửa vời bởi vô số các poster quảng cáo đầy rẫy các hình ảnh nói trên lại tràn ngập các khu công cộng vốn là chốn sinh hoạt, học tập với thiếu nhi.

Khi "Lạc giới" lạc vào trường tiểu học

Khai thác đề tài song tính với khá nhiều cảnh “nóng”, bộ phim "Lạc giới" (đạo diễn: Phi Tiến Sơn) vừa được công chiếu ngoài rạp ít ngày đang gây nhiều luồng tranh cãi trái chiều về chất lượng phim, đặc biệt là những cảnh vốn chỉ dành cho khán giả đã trưởng thành. Tuy nhiên, "Lạc giới" lại đang tạo ra sự bất bình trong hầu hết với các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, TP Hồ Chí Minh.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, nỗi oan "Lạc giới" không bắt nguồn từ chất lượng phim vì hầu hết những người tỏ thái độ bức xúc đều chưa một lần mua vé vào rạp xem phim hay, dở ra sao. "Lạc giới" bị phản ứng chỉ vì chiếc... poster quảng cáo phim. Cũng phải nói thêm rằng, bản thân người thiết kế poster phim hay đơn vị tiếp thị phim "Lạc giới" cũng không có lỗi mà lỗi nằm ở vị trí đặt poster. Tấm poster phim tiết lộ nội dung phim dành cho người lớn choán cả một không gian khá rộng ngoài mặt tiền đường Nguyễn Du, quận 1. Sẽ không có gì đáng nói nếu vị trí cổng rạp chiếu không nằm cách cổng trường tiểu học Lê Ngọc Hân chỉ khoảng 100m khiến các hình ảnh quảng cáo phim đang hằng ngày, hằng giờ "đập vào mắt" trẻ em tới trường khiến phụ huynh vào nhà trường bức xúc.

Hình ảnh quảng cáo phim kinh dị, bạo lực, phim dành cho người trưởng thành trưng hoành tráng trước cổng rạp Galaxy Nguyễn Du.

Thực tế, bên cạnh hình ảnh giới thiệu phim "Lạc giới" còn có rất nhiều hình ảnh quảng cáo phim đậm chất bạo lực, kinh dị vốn chỉ dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên được rạp Galaxy Nguyễn Du đặt ngoài cổng để thu hút sự chú ý của người đi đường. Ngoài Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân còn có Trường Trung học cơ sở Nguyễn Khuyến. Ngôi trường vốn dành cho những cô cậu bé đang ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" này nằm đối diện với cổng cụm rạp và những tấm poster này.

Ranh giới nào cho trẻ em?

Khảo sát thêm nhiều địa điểm chiếu phim, biểu diễn kịch khác tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy, việc những tấm poster quảng cáo sản phẩm nghệ thuật chỉ dành cho khán giả là người trưởng thành "đặt nhầm" vị trí cũng không chỉ là vấn đề của riêng "Lạc giới" hay riêng cụm rạp Galaxy Nguyễn Du. Rất nhiều địa điểm công cộng không cấm trẻ em, thậm chí là nơi sinh hoạt thường xuyên của thiếu nhi. Với hầu hết các sân khấu kịch xã hội hóa, nhà văn hóa quận, huyện, nhà thiếu nhi thành phố là địa chỉ "vàng" để "tạm trú": sân khấu kịch Edicaf của ông bầu Anh Tuấn tại Nhà thiếu nhi quận 1, sân khấu kịch Phú Nhuận của bà bầu, NSND Hồng Vân nằm chung khuôn viên với Nhà văn hóa Phú Nhuận, sân khấu Sao Minh Béo thuộc thế hệ "sinh sau", chấp nhận tìm về vùng ven đô cũng "tạm trú" ngay tại trung tâm văn hóa quận 11, sân khấu Hoàng Thái Thanh của NSƯT Thành Hội, Ái Như từng có một thời gian không ngắn ở Nhà thiếu nhi thành phố, nay tiếp tục chuyển về Nhà thiếu nhi quận 10...

Trừ sân khấu kịch Edicaf là địa chỉ của nhiều vở diễn, kịch mục dành riêng cho thiếu nhi, hầu hết các sân khấu khác, việc tổ chức sản xuất, biểu diễn các kịch mục phần lớn dành cho người lớn. Tất nhiên, những vở kịch kinh dị, kịch có cảnh nóng là không thể thiếu, thậm chí có thời gian còn là "át chủ bài" để kéo khán giả đến rạp của từng sân khấu. Mặc dù các sân khấu đều có thể tuân thủ đúng quy định cấm trẻ em vào rạp xem chương trình dành cho người lớn nhưng cũng như các posrter phim chiếu rạp, các poster quảng cáo các kịch mục này đều được trưng bày rộng rãi ngay tại các nhà thiếu nhi, nhà văn hóa quận, huyện. Các hình ảnh quảng cáo lại vô tình kích thích sự tò mò của trẻ với những "vùng cấm" mặc định.

Tại các khu vực trưng bày tác phẩm mỹ thuật vẫn có thể là không gian lý tưởng cho học trò tiểu học lui tới, nhưng cũng có thể chắc chắn rằng, trí óc còn non nớt của các bé khó mà cảm thụ được ý tưởng nghệ thuật từ các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, tranh vẽ khỏa thân được trưng bày xen kẽ trong các triển lãm. Một ranh giới cần thiết giữa trẻ nhỏ với những tác phẩm, hình ảnh quảng cáo sản phẩm nghệ thuật dành cho người lớn vẫn là vấn đề gần như cánh cửa bị bỏ ngỏ lâu nay

Ngọc Nguyễn
.
.
.