Phân minh, Tử tế phải lên tiếng

Thứ Hai, 20/10/2008, 09:39
Hai từ này có từ ngày xửa ngày xưa. Sách cũng đã giải nghĩa: Phân minh là rõ ràng và dứt khoát. Còn Tử tế là tốt bụng. Tử tế còn có một nghĩa nữa là kỹ càng, cẩn thận, đứng đắn.

Các từ này là dành cho phẩm hạnh và đạo đức con người. Nó hay được các bậc ông bà cha mẹ dùng để dăn dạy con cháu, nhận xét người khác và tự nhủ mình trong các gia đình ở Việt Nam mình xưa nay. Đây là câu nói mang tính giá trị đạo đức được dùng nhiều của các bậc thức giả, các bậc nho gia, thầy giáo…

Lâu nay từ Tử tế và Phân minh ít được dùng tới trong giao tiếp, trong nhận xét. Người đời nay đã thay nó bằng cụm từ hiện đại hơn là có văn hoá. Dân dã thì thường dùng từ tốt bụng, đứng đắn để chỉ những người thuộc đẳng cấp đạo đức này. Ví dụ như: Bà ấy là người tử tế. Ông ấy làm ăn phân minh. Gia đình này tuy là người lao động bình dân chân lấm tay bùn thật nhưng sống rất phân minh, tử tế.

Nói rộng ra thì hai từ Phân minh, Tử tế này đều có thể áp dụng để đánh giá ở bất cứ nơi nào, chỗ nào có sinh sống của con người, có hoạt động của xã hội. Thế giới gần đây còn sử dung đến từ minh bạch để chỉ các quan hệ với nhau trong nước, cả ngoài biên giới và các đối tác khác quốc tịch.

Soi chiếu từ hai từ này với cuộc sống hiện nay qua các hoạt động và ứng xử của con người với cộng đồng, với xã hội, ta thấy rất nhiều người đã có được đẳng cấp đạo đức ấy. Họ đã tự làm đẹp cho mình và làm giàu cho đạo đức sống của muôn người. Họ là nền móng cho xã hội tồn tại và phát triển. Họ là phần văn hoá cốt lõi, rường cột cho sự bền vững nhân cách, điểm nhấn của những tiến hoá. Cuộc sống này tồn tại và phát triển được là nhờ ở cái phần Phân minh, Tử tế ấy ở đa phần trẻ già trai gái tôn tạo nên!

Có một điều thú vị là khi hỏi đến ai thì muôn người như một đều muốn mình Phân minh, Tử tế và được sống cùng những người Phân minh, Tử tế. Tuy vậy không phải ai cũng được như thế. Không phải ai cũng có lời nói đi đôi với việc làm của mình.

Vẫn có kẻ buôn gian bán lận.Vì mối lợi kếch sù, có kẻ vẫn lén lút, liều lĩnh cả tính mạng buôn “cái chết trắng” về sát hại đồng bào mình. Vì túi lợi cá nhân có những cây xăng đã không phân minh, gài chíp điện tử gian dối số lượng đo đếm rút ruột người tử tế hàng tỷ đồng khiến báo chí phải rộ bài lên án.

Một cơ sở làm ăn cỡ quốc tế như Vedan không Phân minh, dám dối trên, lừa dưới, bắt nạt dân để bức tử một dòng sông có tên là Thị Vải, hủy hoại môi trường sống của những người tử tế. Ngay giữa miền vựa lúa mà có kẻ sống không Phân minh, dám lu loa về giá gạo tăng để ăn gian của mọi người trong mấy ngày đục nước béo cò.

Ngay một số cơ sở văn hoá nhưng thiếu Phân minh, vì mối lợi hạn hẹp dám rinh cả các loại văn hoá phẩm độc hại cám dỗ tính bản năng để làm hại trẻ con một cách không Tử tế. Cả những người lợi dụng tâm lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc dám ngang nhiên mang chất liệu đồng nát vào công trình hoặc lấy người đã khuất làm chỗ tựa, hư cấu thêm những phần có lợi cho mình. Âm đức đã kém thì làm sao Dương đức thịnh cho được. Kẻ gieo gió ắt phải gặt bão. Người Dương chưa kịp ra tay thì người Âm đã quở phạt rồi.

Trước vành móng ngựa của lương tâm, liệu họ có còn nhớ tới câu cha mẹ dặn làm người phải sống cho Phân minh, Tử tế? Đấy là chuyện của bạc tỷ ăn cắp, chuyện của những ác tâm động giời. Họ là phần mặt trái dễ nhận ra dễ vạch mặt chỉ tên khi mưu cơ phát lộ. Bên cạnh đấy vẫn có những "cỏn con" không Phân minh, Tử tế khác. Chuyện tưởng nhỏ nhưng góp lại sẽ thành dông, thành bão.

Tỷ như hà cớ gì cứ mắt trước mắt sau không thấy ai là ném ùm rác của nhà mình sang nhà người khác. Hà cớ gì mọi người nghiêm chỉnh trước đèn xanh đèn đỏ còn mình chỉ chực cướp đường đi ẩu khi vắng bóng Cảnh sát giao thông. Hà cớ gì khi gửi xe vào công viên buổi chiều tối nhân viên cứ nằng nặc đòi 5.000 đồng một xe khi nhà nước chỉ cho phép lấy có 2.000 đồng.

Và khi người gửi vặn lại thì nhân viên sầm mặt không nói và ra vẻ gửi thì gửi không gửi thì về theo kiểu ngậm miệng ăn tiền. Rồi thì nghe rục rịch lên lương, trợ cấp khó khăn là trên thị trường các lái buôn mắt trước mắt sau hùa nhau đẩy giá lên cao. Có cái còn lên đến tít vút vì nó thiết yếu.

Phân minh và Tử tế là từ của dân sự cũng là từ của pháp luật lương tâm. Người Phân minh, Tử tế hôm nay cũng đã biết vận dụng cái quyền của mình với những ai không Phân minh, Tử tế. Bột ngọt Vedan đã không còn hấp dẫn như trước vì bị người tiêu dùng tẩy chay.

Cây xăng ở phố Đại Cồ Việt mấy ngày bị tố cáo là gian lận khách đến mua thưa thớt hẳn. Kẻ phóng nhanh vượt ẩu khi nhăn mặt rút tiền nộp phạt mới thấy cái giá đắt của sự không Phân minh, Tử tế. Mấy nhân viên lấy giá vé cao nơi gửi xe bị người gửi mắng đã cúi mặt lặng im. Người đổ rác trộm bị khu dân cư đưa ra cuộc họp đã phải ngậm tăm lánh cái nhìn của mọi người khi danh dự của mình bị chính mình đổ rác vào. Cái xấu không thể đeo mặt nạ mãi được!

 Khi cuộc sống còn có những ai đó không Phân minh, Tử tế thì những người Phân minh, Tử tế phải lên tiếng. Im lặng trước cái xấu chỉ nuôi béo hư hỏng. Gần đây nhiều người Phân minh, Tử tế đã dũng cảm ra tay. Mừng thay khi sự Phân minh, Tử tế thành tiêu chí sống và hành động của mọi người!

Nhật Văn
.
.
.