Nguyễn Thị Ngọc Hà:

"Phấn hương thả nổi, đa đoan buộc chìm"

Chủ Nhật, 07/09/2008, 20:15
Lần đầu gặp chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, tôi đã nghĩ, hình như chị được ông Trời ban cho nhiều thứ quá, so với các nữ thi sĩ khác. Một nhan sắc không đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng cũng đủ mặn mà, ngọt ngào để thu hút người khác. Một đời sống dường như không phải bận lòng chuyện áo cơm.

Hai cô con gái của chị đều xinh đẹp và trưởng thành trong sự nghiệp. Một người chồng trí thức. Một ngôi nhà đẹp trong một không gian đẹp, đủ để cho thơ đến với chị mà không phải lụy điều gì. Nhưng thơ chị Ngọc Hà không biết vì sao lại rất buồn, thậm chí là đau đớn, khắc khoải.

Tôi đã từng nghe một ý kiến của một nhà thơ, sau khi đọc xong tập thơ "Đứt dải yếm" vừa xuất bản của chị, nghe nói lọt vào chung khảo giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Hà Nội nhận xét: "Tôi ngờ rằng những buồn thương trong thơ của chị Ngọc Hà là buồn thương giả. Người đàn bà viên mãn, hình như chưa từng đổ vỡ như chị Hà, làm gì mà lắm nỗi truân chuyên đến thế". Cảm giác nghi ngờ đó là có thật, ngay cả với tôi, nếu như không có dịp trò chuyện và tìm hiểu sâu về cuộc sống của người phụ nữ lúc nào cũng tươi tắn với da trắng môi hường trên phố này.

Có lúc gặp thấy chị vui vẻ giữa những người bạn gái. Họ ngồi quán uống cà phê và bàn về chứng khoán trồi sụt ra sao. Chị là kiểu người hễ cứ gặp bạn bè văn nghệ thì nồng nhiệt, hồ hởi, thân thiện. Tặng sách cho bạn, chị bao giờ cũng phải đến tận nơi, gặp được người, đưa tận tay, không muốn gửi gắm qua ai. Chị nghĩ như thế mới là tôn trọng người được tặng sách.

Quả thực tôi sẽ luôn ấn tượng về chị trong cái vỏ của sự vui vẻ, hồ hởi ấy, nếu không được xem những bức tranh chị vẽ, nghe câu chuyện cuộc đời chị để giải mã những câu thơ lúc nào cũng u uẩn tâm trạng buồn của chị.

Chị Ngọc Hà là con gái Hà Nội gốc. Nhà cha mẹ chị xưa kia trên con phố mà cha chị đã lấy để đặt tên cho chị, phố Ngọc Hà. Sớm phải gánh chịu nỗi đau mất cha từ thuở nhỏ, lại là con cả trong nhà, chị đã phải lao động vất vả từ nhỏ để giúp mẹ nuôi các em, khi gia đình lâm vào cảnh hoạn nạn, sa sút về kinh tế.

Rời bỏ ước mơ trở thành sinh viên Trường Mỹ thuật, chị Ngọc Hà đi lao động ở nông trường, hai bàn tay làm quen với chai sần, nắng gió khi chị vẫn đang ở tuổi thích chơi ô ăn quan cùng bạn bè đầu phố. Cuộc sống nhọc nhằn ở nông trường cà phê đã dạy cho chị những bài học về lao động, về tình người, cả về cái tốt và cái xấu.

Rồi mẹ chị đi bước nữa. Người bố dượng, không may, lại chẳng thương yêu bù đắp được gì cho chị. Ông keo kiệt đến nỗi chẳng bao giờ cho chị một đồng tiền và ham mê sắc dục đến nỗi mẹ chị dù rất thương con cũng đành phải dứt áo gửi chị về nông thôn ở với một người bà con.

Nhớ lại thời thiếu nữ đầy nỗi éo le, buồn tủi của mình, chị Ngọc Hà vẫn rưng rưng nước mắt. Dường như chị đã phải tập làm người lớn từ rất sớm. Chị không có được những tháng ngày tươi sáng của tuổi trẻ. Và đời sống thì thiếu hơi ấm, tình thương yêu của cha mẹ. Những hoài niệm ấy vẫn còn vương vất trong những câu thơ của chị, khi hôm nay chị tuổi đã xế chiều: "Ngoảnh lại/ Thuở áo cơm còm cõi/ lỡ tuột trôi khát vọng trên đường/ người có về/ cạn niềm vui sót lại/ dù chỉ là khói sương" (Gửi người chơi ô ăn quan).

Với mong muốn thay đổi số phận mình, chị Ngọc Hà nỗ lực để bước chân vào cổng trường đại học. Cô gái thích làm thơ và mê hội họa Nguyễn Thị Ngọc Hà một ngày lại trở thành sinh viên Trường Đại học Thương nghiệp. Rời khỏi giảng đường với tấm bằng cử nhân trên tay, chị được phân về công tác ở ngành dệt may. Rồi chị lập gia đình với một kiến trúc sư và mong muốn một cuộc sống giản dị, ấm êm, hạnh phúc như bất kỳ một người phụ nữ bình thường nào khác.

Chị nhớ ngày chị lên xe hoa, mẹ chị đã đầm đìa nước mắt. Bà dặn chị: "Con lấy được người chồng có học, gia đình gia giáo mẹ mừng lắm. Sau này dù thế nào cũng phải chịu đựng, phải nhẫn nhịn với chồng, phải chiều chồng để có những đứa con". Chị hiểu rằng câu nói ấy mẹ chị căn dặn bằng tất cả những gì bà đã trải nghiệm trong cuộc đời mình.

Chị Ngọc Hà đã sống với lời dặn dò ấy của mẹ. Hai cô con gái của chị ra đời và lớn lên, đời sống kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Nhưng mỗi ngày chị thấy rõ rệt hơn những khoảng trống trong lòng mình. Không phải bây giờ, mà 20 năm trước chị đã tự hỏi, tình yêu là gì, nó có hình hài ra sao? Rằng chị đã sở hữu một tình yêu hay nó vẫn là ảo ảnh? Có những sự thật chị bất ngờ khám phá, đau đớn tái tê vì niềm tin bị đổ vỡ và nhận ra rằng mình đã ảo tưởng quá nhiều về hai chữ tình yêu. Nhưng chị đã âm thầm chịu đựng, chị đã không dám phá bỏ luật lệ thông thường của đời sống.

Thậm chí chị không dám đối diện với sự thật. Bên tai chị lúc nào cũng văng vẳng lời dặn của mẹ và ánh mắt bà nhìn chị lúc qua đời. Bà đã luôn muốn chị có một gia đình và bằng lòng với gia đình ấy, gìn giữ gia đình ấy. "Đối với tôi, mẹ là một người đàn bà luôn nhẫn nhục, chịu đựng, trải qua nhiều đắng cay, biến đổi của đất nước. Khi tuổi còn trẻ, không phải không có lúc tôi đã từng muốn sống khác đi với những điều mẹ dạy. Nhưng tôi không làm được, có lẽ vì một nỗi sợ hãi đổ vỡ mơ hồ đã bám chặt lấy tâm trí tôi từ thuở còn thơ ấu. Tôi và mẹ tôi giống nhau ở chỗ mẹ đa đoan trong đời thường, còn tôi đa đoan trong tâm tưởng".--PageBreak--

Trong bài thơ viếng mẹ, chị Ngọc Hà có những câu thơ ám ảnh tâm trí người đọc: "Ước gì ở cõi xa kia/ chẳng còn cơ cực sớm khuya nhọc nhằn/ chẳng còn cái nợ hồng nhan/ phấn hương thả nổi, đa đoan buộc chìm".

Những thay đổi trong đời sống mỗi con người, tôi nghĩ, là do họ tự định đoạt lấy. Nhưng đôi khi những quẫy đạp của con người cũng không thể chiến thắng được số phận. Tôi cảm thấy chị Ngọc Hà dường như đã để mình "mắc kẹt" giữa hai dòng suy nghĩ. Sống khác đi, không thể. Mà sống như cũ thì từng phút, từng giây chị không ngừng day dứt.

Chị để mình mâu thuẫn. Và để rồi chị tìm cách hóa giải những mâu thuẫn ấy bằng thơ, bằng hội họa. Chị chạy trốn vào đó, nương náu vào đó và ít nhiều tìm thấy bình an trong những niềm đam mê đó. Dễ hiểu vì sao trong những bức tranh chị vẽ, lúc nào cũng cồn cào một khát vọng đủ đầy hạnh phúc. Một người đàn bà níu những bông hướng dương trong bão tố như níu giữ chút ánh nắng mặt trời. Những người đàn bà chân trần chạy trên cỏ lau, phía trước là thiên đường, nơi mở ra tình yêu và ánh sáng.

Chị bảo, khi vẽ chị thấy mình như bay lên, như quên hết mọi nỗi vui buồn trong cuộc sống thường nhật. Chị có thể ngồi bên giá vẽ cả ngày, cả đêm mà không cần biết ngoài kia đời sống đang trôi qua như thế nào.

Chị Ngọc Hà có hai cô con gái. Và cách dạy con của chị ngày hôm nay khác với cách mà mẹ chị đã từng dạy chị: "Tôi dạy các con phải tự đi trên mặt đất vững vàng, dám lựa chọn hạnh phúc cho mình và dám bước qua những sai lầm, không cần phải nhẫn nhục chịu đựng. Vì cuộc sống là vô giá với mỗi chúng ta. Và mỗi chúng ta chỉ được sống có một lần. Tôi cũng dạy các con phải biết nhìn nhận, phán xét con người cho chính xác. Bởi vì phụ nữ thường hay cảm tính trong đánh giá con người và có khi phải trả giá vì sự cảm tính ấy".

Chúng ta thật khó để sống mà không nuối tiếc điều gì. Chị Ngọc Hà cũng vậy. Tuy chị không nói ra nhưng tôi nhận thấy chị đang ngoảnh lại những năm tháng cuộc đời mình và ít nhiều nuối tiếc. Chị như con tằm cứ nằm sâu mãi trong cái kén, muốn ra với trời xanh mà lòng lại e ngại nhiều điều. Rốt cục chị để cho số phận đánh dấu an bài. Chị có thể sống trong một ngôi nhà mà những giao tiếp của người thân có khi chỉ bằng những mẩu giấy viết tay nhét qua cửa phòng. Đã lâu rồi, mỗi thành viên là một thế giới, là một cuộc chuyện trò riêng, không ai có thể can dự vào.

Mỗi khi nhìn chị Ngọc Hà da trắng má hồng đi trên phố, tôi thường tự hỏi, liệu có phải chị là kiểu người "ngoài tươi trong héo", gương mặt càng vui thì lòng càng buồn hay không? Khi tôi bày tỏ suy nghĩ này, chị Ngọc Hà chỉ cười. Rồi chị đọc những câu thơ nói về tâm trạng của người đàn bà ngồi đợi. Đợi như đang Thiền, đang suy ngẫm. Đợi như một sự mặc nhiên của số phận "Đến một ngày như lá/ lốm đốm vàng trong xanh/ đến một ngày như quả/ tự khô héo trên cành".

Chị Ngọc Hà bảo rằng, nỗi buồn có hiệu ứng lây lan rất nhanh, nên chẳng mấy khi giữa đám đông chị tỏ ra buồn rầu. Nỗi buồn chị mang về giấu sau cánh cửa phòng. Và nước mắt có thể đã rơi rất nhiều khi đêm xuống. Chị đã chưng cất nỗi buồn ấy vào những câu thơ và những bức tranh. Bao nhiêu ước mơ chưa chạm tới trong đời chị cũng gửi gắm cả vào đấy. Chị nói: "Đối với tôi, như thế cũng đã là hạnh phúc rồi"

Bình Nguyên Trang
.
.
.