Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - thực trạng và giải pháp

Thứ Sáu, 06/12/2013, 10:22
Vừa qua, tại TP HCM, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức hội thảo toàn quốc với chủ đề “Văn học nghệ thuật trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII): “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - thực trạng và giải pháp”. Báo CAND trích đăng báo cáo tổng kết hội thảo do PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh trình bày tại hội thảo vừa qua.

Những vấn đề được quan tâm trong hội thảo

Xung quanh khái niệm và tiêu chí về tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Một trong những vấn đề được nhiều tác giả đề cập là vấn đề quan niệm thế nào là tác phẩm có giá trị và giá trị cao?

Trên cơ sở những ý kiến tham luận của các đại biểu, chúng tôi tạm nêu lên mấy tiêu chí cơ bản khi xem xét tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao và đỉnh cao.

Trước hết, tác phẩm có giá trị cao là những tác phẩm phản ánh, thể hiện sinh động những tư tưởng tiên tiến, những nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, của dân tộc ta và những vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước.

Thứ hai, là tác phẩm có tác động sâu sắc và tích cực đối với xã hội; vừa có sức khái quát cao, nêu bật được những vấn đề bản chất nhất của đời sống hiện thực, vừa có sức truyền cảm, lay động, bồi dưỡng tình cảm, lý tưởng, lẽ sống cao đẹp cho con người.

Thứ ba, là tác phẩm có sự sáng tạo độc đáo về nghệ thuật, nhuần nhuyễn trong cấu trúc, diễn đạt, với sức gợi cảm, hấp dẫn qua ngôn ngữ, hình tượng, góp phần nâng cao hệ giá trị thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật.

Tóm lại, có thể khái quát: Tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao là những tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác động sâu sắc xây dựng con người, phản ánh chân thực, sinh động đời sống, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng và bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng.

Những giải pháp và kiến nghị chủ yếu

Thứ nhất: Đề cao trách nhiệm và tấm lòng của văn nghệ sĩ trước Tổ quốc và nhân dân

Hơn lúc nào hết, Đảng và Nhà nước đặt niềm tin vào tài năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trước những vấn đề lớn lao của Tổ quốc và nhân dân. Điều đó thôi thúc mỗi người tự bồi đắp tình yêu Tổ quốc, thắp sáng khát vọng hướng tới cái đẹp, cái cao thượng, góp sức tích cực xây đắp trên lý tưởng vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Muốn đạt mục tiêu đó, cần thực hiện mấy vấn đề cơ bản sau đây:

- Trước hết, các Hội chuyên ngành Trung ương và Hội Văn học, nghệ thuật địa phương cần có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, làm giàu vốn sống, thường xuyên cung cấp những thông tin chính thống, bản chất về các vấn đề nóng bỏng của đất nước để văn nghệ sĩ tiếp nhận, chắt lọc, tái hiện cuộc sống bằng nghệ thuật sinh động, hấp dẫn.

- Mặt khác, mỗi văn nghệ sĩ tự trau dồi bản lĩnh, coi khát vọng sáng tạo là mục đích cao đẹp của người cầm bút, không ngừng tích lũy kiến thức nhiều mặt, đặc biệt là kiến thức văn hóa, gắn bó sâu sát với đời sống thực tiễn, tự làm giàu trí tuệ, tài năng của mình. Trong đời sống hiện nay, khi hệ thống thông tin Internet phát triển toàn cầu, vấn đề lựa chọn, tiếp nhận những thông tin đúng bản chất là rất quan trọng. Điều đó liên quan đến niềm tin, phương pháp tư duy, phương pháp sáng tạo tác phẩm của mỗi người.

- Để tác phẩm đạt được giá trị mong muốn, mỗi văn nghệ sĩ cần đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ – chiến sĩ, bồi đắp niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người, tạo nên những rung động sâu xa, chân thành và nhiệt huyết từ trái tim của người sáng tạo.

Thứ hai: Quan tâm hơn nữa việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật

- Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã khẳng định: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của xã hội. Chăm sóc để tài năng phát triển là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị”. Đó là một bước tiến quan trọng trong tư duy lãnh đạo văn học, nghệ thuật. Chúng ta cần phải tiếp tục thể chế hóa các nghị quyết; bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với trí thức, văn nghệ sĩ, bao gồm cả một hệ thống các giải pháp đồng bộ: đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, tôn vinh, phát huy… Vấn đề còn lại là cá nhân văn nghệ sĩ sẽ phát huy tài năng của mình như thế nào?...

- Để tài năng phát triển lâu bền, thì chỉ có bản thân văn nghệ sĩ mới tìm được câu trả lời xác thực nhất. Do vậy, mỗi người cần tự bồi đắp khát vọng, nâng cao tri thức văn hóa, bền bỉ tích lũy vốn sống, thường xuyên học hỏi, rèn luyện qua thực tiễn.

- Các hội chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương cùng với cấp ủy và chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm phát hiện, chăm lo bồi dưỡng tài năng, kịp thời đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ thông qua những chủ trương, chính sách cụ thể.

Thứ ba: Đẩy mạnh hoạt động lý luận, phê bình

Nhiều ý kiến đã nhấn mạnh vấn đề cốt tử của phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay là thiếu tính phê bình chuyên nghiệp trong đội ngũ viết phê bình văn nghệ; trong khi đó, đội ngũ viết phê bình chuyên nghiệp lại không đồng đều. Các tham luận đều nhấn mạnh yếu tố cần có của người làm phê bình chuyên nghiệp là: được đào tạo bài bản, chính quy trong các trường đại học về khoa học xã hội, về nghệ thuật, hoặc có năng khiếu; có ý thức tự học, tự rèn luyện và thể nghiệm… Đi liền đó cần có nhân tố khách quan cần thiết – đó là phải xây dựng môi trường phê bình thật sự dân chủ, cởi mở, có văn hóa.

- Khắc phục xu hướng đề cao quá mức chức năng giải trí, coi nhẹ chức năng giáo dục. Nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu những nội dung tốt trong một số trào lưu lý luận nước ngoài; uốn nắn, phê phán những khuynh hướng giải thiêng các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của dân tộc, của cách mạng.

- Hội đồng tích cực triển khai thực hiện Đề án khoa học cấp Nhà nước về xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam nhằm làm cơ sở khoa học cho việc đi sâu nghiên cứu, mở rộng hoạt động lý luận, phê bình hiện nay.

Thứ tư: Về cơ chế, chính sách

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; kết hợp đầu tư Nhà nước với mở rộng nguồn lực từ xã hội hóa, tạo môi trường thuận lợi để văn nghệ sĩ phát huy hết năng lực cá nhân và kích thích phát huy sáng tạo, khơi dậy những tiềm năng dồi dào của đội ngũ văn nghệ sĩ.

- Đề cao vai trò quản lý Nhà nước trong phân bổ có trọng tâm, trọng điểm nguồn lực; thường xuyên giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đã được Chính phủ phê duyệt, nhất là việc phân bổ nguồn đầu tư kinh phí. Thực hiện nghiêm túc các kết luận trong Thông báo 173 ngày 7-6-2013  về các nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ban, ngành để đưa nhanh Nghị quyết 23 vào cuộc sống. Đã đến lúc cần thành lập Vụ (hoặc Cục) Văn học trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để làm nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp; đồng thời thực hiện việc sơ kết, tổng kết để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách…

Thứ năm: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tác phẩm văn học, nghệ thuật

Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng bộ tiêu chí về thẩm định, đánh giá tác phẩm. Đề nghị các thành viên hội đồng, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ý kiến đóng góp xây dựng bộ tiêu chí này nhằm góp phần định hướng, thúc đẩy sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển.

Thứ sáu: Tăng cường phối hợp các hội chuyên ngành, các cơ quan hữu quan để mở rộng tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm có giá trị cao

- Các cơ quan chủ quản (báo, đài, nhà xuất bản) tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập; phối hợp chặt chẽ với các Hội chuyên ngành lựa chọn những tác phẩm có giá trị cao để tập trung tuyên truyền thông qua các chương trình của các đài phát thanh, truyền hình; các trang văn hóa, văn nghệ trên các báo viết, báo điện tử… Chú ý lựa chọn xuất bản các tuyển tập văn học, nghệ thuật có nội dung tốt để kịp thời động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao và quảng bá rộng.

- Các Hội chuyên ngành Trung ương, các Hội Văn học, nghệ thuật địa phương coi trọng việc đánh giá, thẩm định, kịp thời có những giải thưởng thường xuyên và đột xuất xứng đáng đối với văn nghệ sĩ có tác phẩm đạt giá trị cao.

- Xây dựng kế hoạch giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm nghiên cứu lý luận và sáng tạo của văn nghệ sĩ ở trong nước và quốc tế nhằm bồi đắp tri thức kinh nghiệm nghề nghiệp, tạo chất “xúc tác” cho nghiên cứu và sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển

PV
.
.
.