Phải học để giỏi nghề là chính

Thứ Tư, 07/06/2006, 08:08

Tưởng là đã quá xưa cũ, khi chúng ta chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) mà có người vẫn đặt câu hỏi: Học để làm gì? Dường như ai cũng trả lời ngay được: học để làm người, học để thành danh. Nhưng có một câu chuyện rất thời sự khi chúng ta đang trên đường hội nhập, vẫn phải đặt lại vấn đề: Học làm nghề, học làm quản lý có gì khác nhau?

Suy cho cùng, mục đích học như thế nào thì sẽ có cách học như thế đó. Nếu học làm quản lý thì chỉ cần có cái chứng nhận để nhập vào đường đua lên chức lên quyền. Vì thế người đi học sẽ học không thực chất, chỉ cần làm sao có điểm thật cao để về "trưng" với cơ quan là được. Còn người học làm nghề lại chuyên tâm, học để hành, để làm việc kiếm sống nên không thể "qua chuyện" được.

 

Tôi được biết có một lớp học về báo chí do các chuyên gia giảng dạy là các nhà báo nước ngoài cuối tháng 5 vừa qua. Trước khi vào học buổi đầu tiên, "nhập gia phải tuỳ tục", các thầy, cô giáo nước ngoài đề nghị cả lớp thảo luận một quy định chung. Hơn chục người cãi nhau, tranh luận rất hăng, cuối cùng đã thống nhất một thỏa thuận lịch học. Hai chuyên gia nước ngoài cho rằng, họ buộc phải thay đổi nội dung chương trình dự kiến để phục vụ ý nguyện của học viên. Đây quả là một cách học dân chủ, tôn trọng tuyệt đối quyền lợi của người học.

 

Quy định phải đi học đầy đủ, đúng giờ (vì biết ai cũng bận việc nhà, cơ quan), không được sử dụng điện thoại di động, nhắn tin trong giờ học (vì biết nhiều người sẽ bị liên lạc), uống bia hạn chế buổi trưa (vì biết ở Hà Nội thường ăn cơm trưa hay phải tiếp khách...). Bảng quy định ấy được treo trước lớp, ngày ngày ai cũng nhìn thấy. Từ đó cả lớp thầy cũng như trò luôn nghiêm chỉnh tuân thủ giờ giấc, sáng học đến 12h, chiều học tới 17h30'...

 

Trong thời gian học, bỗng xuất hiện một tình huống, cả lớp muốn được thực tế tham quan Tòa soạn Báo Quảng Ninh, vậy là thầy giáo và học sinh thỏa thuận sẽ đi Hạ Long, nhưng phải học bù chương trình định sẵn vào một buổi tối. Vì biết là học để làm nghề báo lâu dài nên cả lớp học rất nghiêm túc. Cộng với phương pháp giảng dạy của các chuyên gia rất sinh động, phong phú, ít ghi chép mà tổ chức nhiều trò chơi phục vụ cho bài giảng nên cả lớp học quên cả giờ nghỉ.

 

Đã có lần cả lớp đóng "giả" Ban lãnh đạo Báo Tuổi trẻ tổ chức một cuộc giao ban buổi sáng góp ý "thật" về nội dung và hình thức trang 1 của báo này ra ngày 19/5/2006. Cuộc thảo luận rất nghiêm túc, có ghi biên bản cẩn thận, nhà báo Phó Tổng Thư ký Báo Tuổi trẻ tham gia lớp học hứa sẽ gửi biên bản này về cho tòa soạn tham khảo.

 

Kết thúc lớp học, ai cũng cảm thấy mình thu nhận được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm báo của các bạn nước ngoài. Cơ quan không yêu cầu họ phải nộp bảng điểm, báo cáo kết quả học tập mà chỉ yêu cầu áp dụng ngay những kiến thức đã học trong tác nghiệp báo chí. Đây là kiểu học để làm nghề, kiểu học cả thầy và trò cùng tham gia sáng tạo nội dung từng giờ học... nên rất có hiệu quả.

 

Thế nhưng, tôi cũng được biết có một lớp học của nhiều cán bộ cấp phòng, ban ở Hà Nội học nghiệp vụ quản lý. Một học viên kể với tôi rằng, các thầy cô giáo ở đây quản lý chặt chẽ lắm, ví như điểm danh hàng giờ, vắng một vài ngày học thì đừng tính đến chuyện thi cử. Thế nhưng học viên lại chán học vì chương trình trùng quá nhiều với kiến thức mà các học viên đã học từ xưa. Phương pháp học chủ yếu là thầy giảng học viên ghi chép giống như các trò phổ thông. Dù chán học, nhưng ai cũng đến đúng giờ,  nhưng trong giờ học, hầu như ai nấy làm việc riêng. Người thì đọc báo, người thì cộng sổ sách, người nhắn tin điện thoại, có người kê ghế ngủ cuối lớp mà thầy giáo không hay. Quả là một hài kịch: Người giảng cứ giảng, người nghe vẫn không nghe. Đến lúc thi, ai nấy đều giở sách ra chép, thiếu điểm lại "chạy" đến nhà thầy.

 

Rõ ràng đó là hai cách học khác nhau xuất phát từ mục tiêu học cũng khác nhau. Người học làm nghề thì mải mê học, cốt sao thu được nhiều kiến thức cho mình, đặng phục vụ công tác chuyên môn. Người học làm quản lý như trên dẫu phải nghe những điều xưa cũ, có lúc đến nhàm chán mà vẫn buộc phải ngồi nghe. Giá như chương trình và nội dung khoá học theo kịp được thực tiễn, giúp học viên áp dụng được vào thực tế công việc đang biến chuyển từng ngày thì có lẽ mọi người sẽ thi nhau mà học. Lúc ấy, người ta không nghĩ học để làm quản lý nữa, mà biến thành học nghề, học để làm nghề.

 

Xưa các cụ ta từng nói "Nhất nghệ tinh..." là tôn vinh người tinh thông chuyên môn. Người làm nghề, người "nhất nghệ tinh..." thời nào cũng sống, cũng cống hiến được, không phụ thuộc nhiều vào thời thế, vào ê kíp. Còn người làm quản lý dường như phải "thiên thời địa lợi nhân hòa". Thế nhưng, làm quản lý mà có nghề, mà tinh thông nghề nữa thì thời nào cũng là của hiếm, đáng quý thay.

 

Các cụ ta xưa từng nói "Quan nhất thời dân vạn đại", nhưng có lẽ trong xu thế hội nhập vào thế giới như hôm nay, phải nói rằng "Nghề vạn đại". Vì thế, trong chiến lược đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập ở sân chơi lớn, nên chăng việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ của ta cần phải quan tâm hàng đầu đến việc đào tạo nghề. Người làm nghề nào phải học để tinh thông nghề đó. Không có nghề quản lý chung chung, người quản lý phải giỏi chuyên môn hẹp của mình. Học cái gì phải hữu ích, người học phải được tham gia vào việc sắp xếp, bố trí nội dung chương trình bài giảng. Không để xơ cứng nội dung học, không để lãng phí thời gian của thầy và trò. Phải học để giỏi nghề là chính

.
.
.