Phải đánh giá người đẹp tương đương người tài

Thứ Hai, 26/05/2008, 17:56

Dù thừa nhận sự “lạm phát hoa hậu”, nhà thơ - nhà báo Lê Thiếu Nhơn vẫn cho rằng: Phải đánh giá người đẹp tương đương như người tài, họ cũng là tài nguyên quốc gia, cho nên phải khai thác hiệu quả và hợp lý. Lãng phí hoa hậu cũng đáng trách như bất kỳ sự lãng phí nào khác!

Thành danh từ rất sớm với thơ, chuyển sang viết báo mảng Văn hóa - Nghệ thuật cũng gặt hái được nhiều tiếng vang với mảng bình luận, nhà thơ - nhà báo Lê Thiếu Nhơn nghĩ gì về tình trạng "loạn" danh xưng trong các cuộc thi hoa hậu như hiện nay? 

@ Thưa anh Lê Thiếu Nhơn, anh vẫn thường xuyên theo dõi hoặc được mời theo dõi các cuộc thi hoa hậu đấy chứ?

Lê Thiếu Nhơn: Với tôi, sự nảy nở của những cuộc thi hoa hậu cũng là minh chứng cho sự thịnh vượng của một xã hội. Tôi luôn theo dõi các cuộc thi hoa hậu để phấp phổng vui mừng về những đổi thay tích cực đang đến từng ngày ở Việt Nam.

@ Theo anh, chúng ta có đang "lạm phát" hoa hậu hay không? Nếu có, anh thử liều lĩnh đưa ra một nguyên nhân chủ yếu xem?

Lê Thiếu Nhơn: Dù hết sức ủng hộ các cuộc thi hoa hậu thì tôi vẫn phải thừa nhận, chúng ta đang lạm phát trong công tác săn lùng nhan sắc. Sở dĩ, chúng ta đang có trăm hồng ngàn tía hoa hậu cấp toàn quốc, hoa hậu cấp khu vực, hoa hậu cấp tỉnh, hoa hậu cấp ngành và cả hoa hậu cấp… hội chợ vì chưa có một chiến lược phát triển hợp lý. Trước hết, phải đánh giá người đẹp tương đương như người tài, họ cũng là tài nguyên quốc gia, cho nên phải khai thác hiệu quả và hợp lý. Lãng phí hoa hậu cũng đáng trách như bất kỳ sự lãng phí nào khác!

@ Có phải do chúng ta thừa người đẹp hay tại người đẹp thiếu danh tiếng?

Lê Thiếu Nhơn: Đúng, chúng ta đang khủng hoảng thừa những “hoa” không có “hậu”, nhưng trước hết phải trách những nhà tổ chức. Thực tế đáng buồn ấy cũng do các cuộc thi hoa hậu không hướng đến một mục đích nhất định. Ví dụ, cuộc thi Hoa hậu Áo dài nhằm tôn vinh cô gái đẹp nhất trong trang phục truyền thống dân tộc thì phải có tiêu chí chọn lựa khác cuộc thi Hoa hậu Việt Nam nhằm chọn ra đại biểu dự thi Hoa hậu Thế giới. Hình như các hoa hậu nước ta không may mắn, khi bị tôn vinh kiểu cá mè một lứa nên chính họ cũng không ý thức được mình phải làm gì cho bản thân và cho cộng đồng!

@ Giả dụ nhà thơ, nhà báo Lê Thiếu Nhơn lập gia đình và có con gái. Không biết anh có đăng ký cho con mình tham dự hoa hậu không, nhỉ?

Lê Thiếu Nhơn: Nếu người nhà của tôi có đủ điều kiện để dự thi hoa hậu thì tôi vẫn khuyến khích tham gia. Bởi lẽ, một người đi thi Hoa hậu không chỉ khẳng định một cá thể đẹp, mà còn tự tin để chứng minh môi trường sinh ra bạn cũng là một miền gái đẹp, ngôi nhà bạn nuôi bạn lớn lên cũng biết cách nâng niu cái đẹp!

@ Cuối cùng, anh thích nhất điều gì khi được mời đi thưởng ngoạn một cuộc thi hoa hậu?

Lê Thiếu Nhơn: Đó là được ngồi lặng lẽ với niềm tự hào riêng tư về một đất nước ngày càng tiến bộ và văn minh. Tôi luôn thấy ở mỗi cuộc thi hoa hậu dù thành công hay chưa thành công đều phảng phất ý niệm: sắc vóc người Việt ngày càng cải thiện, tâm hồn người Việt ngày càng thẩm mỹ, bản lĩnh người Việt ngày càng mạnh mẽ!

Kinh Luân (thực hiện)
.
.
.