Ông hàng nước với nghìn bài thơ lục bát

Chủ Nhật, 21/09/2008, 16:16
Một người đàn ông lận đận bao năm để trở thành một kỹ sư thuỷ lợi. Sau đó vừa làm công tác ở Sở Thuỷ lợi, vừa bán nước chè để nuôi đàn con ăn học đại học. Một ngày kia tức cảnh sinh tình, cộng thêm cái vốn sống bao nhiêu năm, ông dồn tâm huyết, 4 tháng trời "đẻ" nghìn bài thơ lục bát. Ai đó hỏi, ông nói: "Cái vốn của tôi nó như thế, trời cho, cha mẹ cho". Ông là Nguyễn Minh Tuấn, hiện sống cùng vợ ở TP Hà Đông.

Kỹ sư thuỷ lợi ngồi bán nước chè

Ông Nguyễn Minh Tuấn sinh năm 1937 ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (cũ), nay thuộc Hà Nội. Cha là một ông quan hay chữ, từng làm Tri phủ Hoài Đức, cũng là người đồng sáng lập Hội Khai trí tiến đức cùng với Phạm Quỳnh, Hoàng Trọng Phu. Mẹ là ca nương nổi tiếng một thời, là lớp đàn chị của nghệ nhân Quách Thị Hồ.

Cha mất sớm khi cậu 3 tuổi, một em còn quá nhỏ, một em chưa kịp chào đời, mẹ là vợ quan, ngoài nghiệp ca hát chẳng biết làm ruộng, chỉ chăm chút được vườn tược. Gia cảnh lúc đó éo le, lại chẳng có của nả dự trữ từ trước.

Cậu Tuấn khi mới 11, 12 tuổi đã phải làm ruộng cùng với mẹ. Cậu không từ nan, làm bất cứ công việc gì, miễn là giúp được mẹ có tiền, có gạo nuôi em. Nhờ chăm chỉ và thông minh nên cậu làm gì cũng giỏi, từ cày bừa, cấy hái đến thái thuốc lào.

Độ đó, một chàng trai làm ruộng giỏi rất được các cô gái hâm mộ và dễ đem lòng yêu mến. Nhưng vì gia đình, cậu chưa nghĩ đến chuyện riêng tư mà chỉ cặm cụi làm việc, mưu sinh.

Cuộc đời của Nguyễn Minh Tuấn thay đổi nhiều nhất, có lẽ là những ngày đi thoát ly. Chàng thanh niên gầy gò nhưng có phần "dễ ưa" ấy đã gặp cô Nguyễn Thanh Ngữ, đang làm việc ở cụm Công trường đại thuỷ nông Đan Hoài Từ. Lúc đó, Nguyễn Minh Tuấn mới chỉ là một cán bộ sơ cấp với trình độ Đệ ngũ (tương đương lớp 7), nhưng đã dám ghi lên tường cơ quan dòng chữ "Giảng đường đại học ngày mai", báo hiệu của tài năng và nghị lực.

Trong hành trang của chàng trai, vẫn có chồng sách lớn để nghiên cứu, chuẩn bị cho con đường học hành sau này. Có lẽ cô gái tên Ngữ đã si mê anh chàng mình nhận là anh trai ở cái điểm này, để rồi tiến đến hôn nhân vào tháng 10 năm 1962. Đám cưới được cơ quan kết hợp với gia đình tổ chức, chỉ có chè thuốc và bánh kẹo. Cưới xong lại mỗi người một công việc, phải ở cách xa nhau.

Ở cơ quan, chuyện của Tuấn và Ngữ không được thuận lợi. Anh chị em trong cơ quan ngăn cản: "Mày thế này, sao lại lấy cái thằng vừa đen vừa gầy. Chắc gì có con. Nó chỉ 40 cân thôi, làm cái gì cũng bị quá sức". Ngữ không nói gì, bởi đã mê mẩn anh chàng được mệnh danh là "cây sáng kiến" này rồi. Vì anh ta tài quá, là lao động giỏi, chiến sĩ thi đua mà lúc nào cũng có những sáng kiến hay.

Đến năm 1964, Nguyễn Minh Tuấn theo học Trường Trung cấp Thủy lợi Trung ương. Ra trường, được giữ lại làm thầy, tiếp tục học hàm thụ ở Đại học Thuỷ Lợi, nhưng lại học cùng với sinh viên hệ chính quy.

Thời gian này, chàng Tuấn gần như biến thành một cái cây sậy vì vất vả. Thường phải nhận những chiếc bánh mỳ của bạn bè để đêm về vừa học vừa nhai cho đỡ đói vì bữa ăn chẳng bao giờ đủ no. Đang học, vợ sinh con, chàng vừa học vừa làm, lại phải chăm vợ chăm con. Vất vả đủ đường.

Năm 1975 tốt nghiệp Đại học Thuỷ lợi thì vợ đã sinh con thứ ba. Lúc này, cái đói hoành hành gia đình bé nhỏ của chàng. Các con lớn lên dần theo ngày tháng, theo đó mồ hôi của Nguyễn Minh Tuấn nhỏ xuống ngày càng nhiều.

Bước sang năm 1980, Nguyễn Minh Tuấn cũng đã qua tuổi tứ tuần. Người đàn ông này lại phải cày cục nấu nước chè, đem ra ngồi bán ở Nhà văn hoá trung tâm thị xã Hà Đông.

Đích thị Giám đốc Sở Thuỷ lợi tỉnh (Hà Sơn Bình) nhiều lần gọi lên nhắc nhở: "Cậu thôi ngay trò bán nước chè ở nhà văn hoá đi. Anh em trong cơ quan và cả người dân đều nói với tôi vụ việc này. Ai đời kỹ sư lại đi bán nước chè, phơi mặt ra đường như thế thì hoá ra bôi bác làm xấu mặt cơ quan. Trong thị xã này, nhiều gia đình nghèo chứ đâu chỉ có gia đình cậu".

Chàng kỹ sư không chấp nhận, thẳng thắn nói: "Thưa đồng chí, bán nước chè là việc làm chính đáng, không vi phạm pháp luật. Tôi cần tiền để lo cho con cái ăn học, cho chúng vào đại học sau này. Tôi không cần đồng chí phải nhắc".

Số tiền dành dụm được từ bán nước chè, Nguyễn Minh Tuấn mua sách và thuê gia sư về bồi dưỡng kiến thức cho các con. Cho đến bây giờ, ông vẫn giữ được những cuốn vở mà các con tập viết. Vì được ông uốn nắn nên các con đều viết rất đẹp. Như ông bây giờ viết chữ đẹp hiếm người bằng.

Vào thời kỳ đó, sách truyện rất hiếm, nhưng ông Tuấn đã cố gắng mua truyện cổ tích về để đọc cho các con nghe. Những cánh đồng bát ngát lúa xanh, những con đường thẳng tắp cây đã làm tâm hồn con trẻ đẹp lên, khiến chúng yêu đời yêu người. 

Và giờ cả 5 người con của ông đều đã thành đạt. Năm con ông bà đều là cán bộ quản lý của cơ quan công quyền, doanh nghiệp. Tất cả mười người con cả con đẻ, dâu, rể đều có bằng đại học và trên đại học. Đặc biệt cặp vợ chồng Thành - Hậu có tới 7 bằng đại học và trên đại học.

Muộn nhưng "đẻ" khoẻ

Trở lại chuyện văn chương của ông. Được biết, ông "vào nghề" hơi muộn, khi đã ở tuổi 60. Nhưng là người viết khoẻ, bạn bè gọi ông là "gà đẻ trứng".

Nói về sự hình thành dòng chảy văn thơ trong người mình, ông hồ hởi: "Thực ra dòng máu văn chương đã có trong tôi từ lâu. Ngày ở quê, con sông Đáy hiền hoà, đôi bờ xanh ngắt bãi dâu cùng với lời ru ngọt ngào của mẹ và những câu chuyện cổ tích mẹ kể đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi.

Lăn lộn với cuộc đời, cơm áo gạo tiền, chẳng có thời gian dành cho văn chương. Lúc nghỉ hưu, được nhà nước cho đi làm chuyên gia ở châu Phi 5 năm trời. Thế là tôi cầm bút và mải mê viết trong phấn khích".

Ông viết nhiều, liền một lúc 5 tập thơ ra đời, 1 tập truyện, 1 tiểu thuyết. Và nay là cuốn "Ngàn câu thơ lục bát" dày cộp. Một người làm văn chương nghiệp dư, đã có tuổi, viết được cả ngàn trang, quả là đáng nể. Khi hỏi, ngàn bài thơ lục bát đó ông sáng tác trong bao nhiêu năm. Ông nói "Trong 4 tháng, từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2007".

Tôi thực sự bất ngờ ở khả năng này. Lục bát thì nhiều người có khả năng viết được. Nhưng để viết hay thì thật khó. Với loại lục bát hai câu như ông Nguyễn Minh Tuấn đã viết thì càng khó hơn. Dù đã nếm trải phong trần, những nét ấy ẩn hiện trong những trang văn. Chúng ta không thấy trong đó sự xót xa, dằn vặt mà nhận thấy vẻ trẻ trung, nồng thắm, tha thiết yêu đời, yêu người.

Ở đó người ta tìm được những câu thơ hay: "Thuyền em chưa chọn bến bờ/ Anh về nuôi nhện giăng tơ bẫy thuyền". "Thuyền tình em vẫn đón đưa/ Anh là vị khách cuối chưa hỡi mình". "Cốm thơm xanh dẻo em cho/ Anh mua hồng ngọt chơi trò phu thê".

Đạo diễn sân khấu, nghệ sĩ Lương Tử Đức nhận xét về thơ ông như sau: "Thơ ông như trăng sáng lúc trời trong. Như cây xanh sau mưa. Như bóng mây hiện lên lúc sông lắng dịu. Tâm hồn ông làm cho thơ đẹp đẽ, thơ làm tâm hồn ông thanh sạch".

Một nghìn bài thơ lục bát là một nghìn tâm sự, phong phú về đề tài trong mọi lĩnh vực cuộc sống, thể hiện tinh thần của ông trước thiên nhiên, con người, trước nhân tình thế thái và gửi gắm vào đó những trăn trở, tâm trạng.

Điều đặc biệt nữa là trong những năm tháng ông đi công tác, khi thư về cho vợ, chỉ viết bằng... thơ. Thế mà người vợ tảo tần ấy hiểu, và cũng "đẻ" thơ tặng lại chồng. Ông bà sống hạnh phúc, xưng với nhau "anh - em" ngọt ngào, như thuở mười tám đôi mươi.

Ngồi với ông, tôi được nghe ông nhắc về  kỷ niệm của một bài thơ lục bát được giải từ năm 1960, trong đó có câu "Khôn chi tháo trộm nước đồng/ Đầy niêu tép trắng lép bông lúa vàng". Bài được được "đẻ" trong hoàn cảnh ông cán bộ thuỷ lợi ra thăm đồng, nhìn thấy những con rạch đã được bơm đầy nước bị người ta tháo ra để đơm đó chặn bắt cá.

Ông đã in 10 tập sách, còn dự định viết truyện dài về ngành thủy lợi mà ông đã gắn bó cả cuộc đời. Riêng tập thơ "Lời ru" được nhà xuất bản in nguyên chữ ông chép, mà vẫn bóng bẩy, đẹp đẽ. Có lẽ đó là một trong những tập thơ viết tay đầu tiên ở Việt Nam.

Tôi hỏi, ông còn trăn trở gì nữa cho cuộc sống. Ông lắc đầu, bởi ông đã làm xong những việc cần làm. Con cái thành đạt, hiếu thảo và sống đạo đức. Giờ ông chỉ cốt sống thanh thản với thơ, với những vần lục bát. Nhìn dáng vẻ thâm trầm, đôi lúc vui tính của ông, tôi không biết ông đang có dự định gì khác cho mình. Biết đâu, bạn bè sẽ lại được đọc tập ngàn câu thơ tinh tuyển, ngàn câu thơ tình yêu hay bất cứ một đề tài nào đó. Và cũng lại là chỉ "đẻ" trong thời gian rất ngắn.

Khi tôi đang ngồi để viết bài này thì ông gọi điện, nói rằng vừa nảy ra cảm hứng viết một cuốn truyện dài về đời làm thủy lợi của mình. Chắc sẽ viết sớm, dự tính 800 đến 1.000 trang. Tôi và tất cả mọi người có quyền kỳ vọng vào một người đến với văn chương muộn, nhưng viết khoẻ và viết hay.

Cuối cùng, ông đọc bài thơ “Nẻo tình”, bằng giọng ấm mà vang vọng, như của thuở mười tám đôi mươi.

Hình như thẹn với sương mai
Tóc thề buông xoã bờ vai nõn nà
Hình như có hạt phấn hoa
Vô tình vương tận sóng xa biển đầy
Hình như nhớ vạt nắng gầy
Hương sen nhè nhẹ thoảng bay quanh đầm
Hình như người ấy yêu thầm
Lời ru tình cứ nảy mầm về đêm
Hình như mưa trót ngủ quên
Trăng sao ngơ ngác nhô lên cuối chiều
Hình như cỏ biếc đăm chiêu
Để mi mắt tựa cánh diều ngóng mây
Hình như đất ngại heo may
Đòng non ngậm sữa gió lay đón mùa

Nguyễn Văn Học
.
.
.