Ông “cổ vật” và thú lưu giữ lịch sử

Thứ Ba, 06/04/2010, 16:55
Ngôi nhà nhỏ nằm nép mình trên con phố Quán Thánh từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người mê cổ vật. Hàng nghìn các mẫu gốm, trống đồng, lư hương… từ thời Mạc, Lý, Lê, Trần…;hàng trăm bức tranh cổ của thế hệ họa sĩ thời Đông Dương: Nam Sơn, Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung… đều được trưng bày trong gian nhà chật chội.

Chủ nhân của gian cổ vật ấy - ông giáo già Nguyễn Trường - con trai họa sĩ Nguyễn Dung, luôn tâm niệm: "Tôi sưu tầm chúng chỉ vì đam mê. Sau này tôi sẽ hiến lại tất cả cho bảo tàng chứ không bán".

Một đời cho cổ vật

Người ta quen gọi ông là "thầy giáo già" bởi lẽ ông vốn là giảng viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (nghỉ hưu từ năm 2001 - PV). Sinh năm 1939, ở cái tuổi 71, mái tóc ông đã ngả trắng.

Hỏi về lí do sưu tầm đồ cổ, ông bảo: "Lúc đầu hoàn toàn là tình cờ, chứ không phải đam mê gì.  Ngày đó, chú Cẩn (họa sĩ Trần Văn Cẩn - PV) tới chơi, không may làm rơi một chiếc bát cổ. Bố tôi không giận nhưng mà buồn lắm. Vậy là tôi nghĩ, những thứ đồ cổ xám xịt, xấu xí kia có gì mà hấp dẫn người ta đến vậy. Rồi tôi bắt đầu đi tìm chúng".

Mỗi khi nghe ngóng ở đâu người ta khai quật, ông lại xách ba lô lên đường. Ngày đó còn là giáo viên, mấy đồng lương hẹp hòi của ông cứ cạn dần theo cái ước muốn mà gia đình ông cho là rất "ngông cuồng" ấy. Khi Hải Phòng, Quảng Ninh, khi Hoà Bình, Cao Bằng… chỗ gần thì lóc cóc chiếc xe đạp, chỗ xa thì xe ca, xe lai. Cứ thế, bàn chân ông đã đi hết rẻo đất miền Bắc, nơi huy hoàng của nền văn minh sông Hồng cổ xưa nhất.

Ông cho tôi xem bộ sưu tập 25 chiếc lư hương của các thời đại, cổ nhất là từ thời nhà Mạc. Ông bảo, cứ nhìn gốm là biết nó thuộc thời đại nào. Chẳng hạn như, thời nhà Lý, đồ gốm có màu nâu, họa tiết cánh sen; nhà Lê thì lại có men trắng xanh, họa tiết rối hơn; đời Trần thì họa tiết đã đạt đến độ tinh xảo, men dày và sâu hơn…

Tình cờ, tôi nhận ra, có một vài bức tranh giấy xám xịt được cất kỹ dưới khe tủ. Ông bảo: "Tranh cổ từ thời Đông Dương đấy. Tôi bắt đầu sưu tập chúng từ năm 1965". Bức "Thiếu nữ Nam Bộ" của họa sĩ Nam Sơn (người thầy Việt đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), bức "Mậu Thân 1969" của họa sĩ Thanh Long, bức "Quê nghèo" của Nguyễn Quốc Huy, 30 bức kí họa vẽ bằng chì sáp của họa sĩ Bùi Xuân Phái, 8 bức của Dương Bích Liên… đều được cất giữ hết sức cẩn thận. Những bức ảnh chỉ có ở nơi ông, và người hâm mộ chưa từng được biết đến.

Ông còn có cả một bộ ảnh trắng đen tới hơn 400 bức do các phóng viên chiến trường chụp trong giai đoạn 1965-1975, phản ánh công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nếu bây giờ đem đấu giá, chúng thực sự là một tài sản lớn.

Ngồi trầm ngâm trong bóng chiều nhợt nhạt, vừa vuốt ve mấy bức tranh đã ngả màu thời gian, ông tâm sự: "Mỗi bức tranh là một kỷ niệm. Bố tôi là họa sĩ, bởi vậy căn nhà này từ lâu đã là chốn hàn huyên đi về của bao nghệ sĩ, như chú Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn… Tôi không bán đi bức nào vì tôi muốn giữ lại tất cả kỷ niệm cho mình".

Rồi ông kể, ông nhớ nhất là bức tranh "Thiếu nữ công nhân" của họa sĩ Dương Bích Liên vẽ từ năm 1968. Đó là một buổi chiều ông tình cờ cùng họa sĩ đi dạo trên phố, bỗng gặp một cô gái công nhân. Họa sĩ ấn tượng bởi vẻ đẹp lao động ngời sáng. Ông mời cô gái làm mẫu cho bức vẽ. Nhưng rồi, sau khi nghe cô gái tâm sự về hoàn cảnh, có một đứa con thơ và một người chồng cờ bạc, ưa bạo lực, họa sĩ đã khóc, không nhấc nổi nét bút. Và rồi bức vẽ đành dở dang. Ít ai biết, họa sĩ lừng danh ấy đã từng phải bất lực trước một ý tưởng.

Ông Nguyễn Trường đang say sưa phân tích về mẫu gốm cổ của các niên đại.

Nghề chơi cũng lắm công phu

"Cổ vật nó hành xác con người ta ghê lắm. Không mất ăn, mất ngủ nhưng cũng nhiều lúc phải đau đầu tìm cách giữ gìn, bảo quản chúng. Thêm cả khoản đầu tư không hề nhỏ, bởi thế tôi không bao giờ coi đó chỉ là nghề chơi" - ông tâm sự. Để giữ các mẫu gốm không bị hư hại, ông phải đặt trong tủ kính rồi mua máy hút khí ẩm.

Giữ các bức tranh cổ còn khó hơn rất nhiều, bởi chất liệu giấy vẽ của hàng trăm năm trước đều rất xấu, qua thời gian đã mục nát, màu hoen ố. Cứ hôm nào trời nắng, ông lại hì hụi mang tranh ra phơi để tránh ẩm mốc. Ngoài những bức được treo cẩn thận trong các khung kính, các bức kí họa nhỏ chỉ như bàn tay, thậm chí chỉ to hơn hộp diêm cũng được ông gói gém, cất kĩ trong hòm kẽm. Ấy vậy mà, thời gian và đôi khi là yếu tố thời tiết bất lợi cũng đã làm cho nhiều bức tranh, cổ vật hư hỏng.

Dẫn tôi đi một lượt quanh gian trưng bày cổ vật, ông bảo: "Ngày nào cũng có người tới hỏi mua. Người ta trả giá cao lắm, có mẫu lên tới cả chục ngàn đô la. Nhưng tôi không bán vì tôi biết, đó là những tên buôn cổ vật, sẵn sàng chà đạp lên văn hoá để kiếm tiền. Tôi đã tặng một số mẫu cho những người bạn, hoặc những người tâm huyết thực sự với những cái cổ xưa không phải vì giá trị của nó. Về sau, tôi sẽ hiến tặng cho bảo tàng".

Chia tay căn phòng chật chội ấy, tôi nhớ mãi một câu nói của ông: "Yêu cổ vật cũng cần trình độ, bởi đó không phải là hiện vật đơn thuần, mà còn là hình ảnh văn hóa của cả một thời đại"

Hà Ly
.
.
.