Xung quanh nghi án bán độ của một số tuyển thủ bóng đá nam tại Sea Games 23:

Ông Lê Thế Thọ: "Tôi không nghĩ Riedl lại nói điều trái ngược như thế"

Thứ Ba, 20/12/2005, 09:34

Nghi án bán độ của một số cầu thủ U-23 đang được dư luận quan tâm đặc biệt. Nhiều cái tên được nhắc đến nhiều trên các trang báo, trong đó có ông Lê Thế Thọ. Thông tin xoay quanh vị Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã có những điều trái ngược và có thể gây sự hiểu lầm trong dư luận. Chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với ông về những vấn đề của đội tuyển U-23 và của Cầu thủ vàng Việt Nam

SEA Games 23 đã kết thúc với những dư âm đa chiều, là Phó đoàn, phụ trách khu vực Bacolod cùng ông Lâm Quang Thành, ông có thể cho biết những suy nghĩ của mình về nhiệm vụ của ông và của đội U-23?

- Tôi được trao nhiệm vụ là Phó đoàn, song không phải là người chỉ nhận công việc là lo cho đội U-23 như có người tưởng. Đội U-23 của chúng ta ở vào bảng nặng và có trình độ hơn so với các đội còn lại. Nhiệm vụ của đội U-23, nói khác là chỉ tiêu của họ là có huy chương nên với chiếc Huy chương bạc, xem như đội đã thi đấu đạt yêu cầu, cho dù trận cuối cùng thất bại nặng nề. Theo tôi, so với Thái Lan, đội chúng ta chỉ cỡ 8 hay 8,5 so với 10. Trận chung kết không làm hài lòng người xem không phải do tỷ số thua mà là do cách thua, họ đã thua vì không có tinh thần chiến đấu.

Nhưng không có lẽ là chuyên gia bóng đá mà ông không thấy hàng loạt sai sót không đáng có ở một số vị trí của đội U-23?

- Có chứ, những vị trí chơi kém đều được báo chí đề cập mà tôi cho là chính xác. Ngay khi mới đi tập huấn ở Áo trở về, tôi có góp ý với ông A. Riedl rằng nên "gia cố" cho cánh phải của tuyến dưới, sau đó ông Riedl đã thử đến 3 vị trí vì Hải Lâm chơi khá yếu ai cũng thấy. Tôi chưa bao giờ đề xuất việc thay Lâm bằng Phùng Văn Nhiên như có thông tin. Ngoài ra, là cựu cầu thủ, tôi từng cho rằng Bật Hiếu còn chưa đủ khả năng và với Văn Quyến lại là vấn đề di chuyển để tránh sự đeo bám của các hậu vệ cao to. Chuyện chỉ có thế thôi.

Ngay từ khi đắc cử Phó Chủ tịch VFF, ông đã được hiểu là một người có năng lực chuyên môn, tuy nhiên lại khó gần người khác vì chẳng coi ai bằng mình, và đến bây giờ khi đã vào cuộc, ông vẫn giữ nguyên thái độ ấy, nghĩa là "thiếu khiêm tốn". Phải chăng ông luôn tỏ ra coi thường ông Nguyễn Trọng Hỷ và ông Trần Quốc Tuấn?

- Tôi không hiểu là trên cơ sở nào mà lại nên nông nỗi ấy. Tôi luôn coi trọng anh Hỷ, bởi tôi từng là cán bộ quản lí nên hiểu rõ nguyên tắc chứ. Hơn nữa, anh Hỷ còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao cơ mà. Về chuyên môn ở đội U-23, tôi không hề can thiệp, nói đúng ra là không được phép can thiệp. Tôi hiểu rằng ông Riedl đã là HLV trưởng, ông chịu hoàn toàn trách nhiệm với vấn đề ấy và cách hành xử chuyên nghiệp nhất là để ông ấy quyết định mọi chuyện. Nếu khi nào ông cần sự trợ giúp thì tôi sẵn sàng, và những gì đã trao đổi riêng trong phòng Ban huấn luyện, tôi không bao giờ để lộ ra ngoài, tính chuyên nghiệp là như thế.

Ông Alfred Riedl và ông Lê Thế Thọ.

- Tại sao mà ông Riedl lại phát biểu với một tờ báo rằng ông muốn loại ông ta?

- Tôi không nghĩ rằng Riedl lại nói ra điều trái ngược như thế, ông từng trả lời rằng Huấn luyện viên trưởng và VFF quan hệ rất tốt với nhau cơ mà. Tôi nhắc lại, năm 1998 chính tôi là người đi mời ông ấy về cho VFF và chắc anh còn nhớ tại cuộc họp báo đầu tiên ở Nhổn về Tiger Cup, chúng tôi đã nói về nhau như thế nào. Chuyện này có thể nói là nực cười. Mình thuê ông huấn luyện viên này, một nhà chuyên môn với giá cao như thế, chúng ta phải biết tôn trọng ông ấy vì đó cũng là sự tôn trọng đồng tiền của chính mình.

- Tôi đọc báo, thấy có bài báo viết ông Riedl nói rằng khi xưa ông ấy và ông gần gũi nhau lắm, song hiện nay không còn như thế, ông giải thích sao về việc này?

- Xin anh hiểu rằng ở SEA Games 23, tôi đâu có nhiệm vụ chuyên đi lo cho đội U-23. Tôi còn phải theo dõi cả các nội dung cử tạ, boxing, bóng chuyền nữa và xin nhắc lại với anh, tôi không tin là Alfred Riedl phát biểu như thế đâu. Chắc chắn là như thế.

- Có người phản ánh ông từng nói "trận này có 4 thằng không đá", kể cả việc có rất ít phản ứng của ông trước những dấu hiệu tiêu cực, đòi tiền ở U-23. Ông nghĩ sao về thông tin này, hoặc giả có thông tin cho hay ông Lê Thụy Hải là trò ruột của ông nên được lên tuyển, có chuyện ấy không? Lại nữa, việc ông Khánh bị đẩy lên khán đài và ông thì rất ít xuất hiện ở khu vực đội tuyển U-23, ông sẽ giải thích ra sao chuyện này?

- Anh Hải được lên tuyển là ý kiến của giới chuyên môn, không ai phủ nhận anh ấy là một huấn luyện viên có tài. Như đã nói, tôi không chỉ nhận nhiệm vụ theo dõi riêng một đội U-23 và việc anh Hải lên và chỉ là huấn luyện viên phó thứ hai là đúng, chính anh ấy đề nghị ông Riedl coi anh Hoàng Gia là phó thứ nhất. Việc anh Khánh lên khán đài ngồi xem là do Ban tổ chức quy định về số người có quyền ngồi ở khu vực chuyên môn, một là anh ấy, hai là một bác sỹ, nên để bác sỹ ở lại là cần thiết hơn. Ngay cả tôi, do không đăng ký vào danh sách đội U-23 nên cũng không được ngồi ở đó. Chúng ta nên tôn trọng việc phân công của ông Huấn luyện viên trưởng.--PageBreak--

Xin hỏi ông với chút tò mò. Vừa qua, một vài tờ báo đã nói đến ông khá gay gắt, thậm chí có cảm giác hơi sa vào sự chỉ trích quá đà, bên cạnh đó có ai đó vẫn còn không quên việc ở Đại hội V của VFF nên hay kích động từ phía sau, ông thấy thế nào?

- Tôi tôn trọng báo giới, họ là một “binh chủng” rất cần thiết của Đảng và Nhà nước và quả thực, báo chí đã có công lớn trong sự nghiệp phát triển toàn diện của đất nước và trong lĩnh vực thể thao. Tuy nhiên, với riêng tôi, có một số thông tin là chưa chính xác, thậm chí như sự xúc phạm cá nhân mà người bị xúc phạm lại không được bảo vệ. Chính điều này làm một số người trong đó có tôi đã cảm thấy mệt mỏi… Còn có việc phía sau của ai đó ư, thật sự tôi không quan tâm đến chuyện này.

Tôi biết ông Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh cũng chia sẻ với ông việc ấy. Song chính ông Minh lại cho rằng, ông là một người sôi nổi và bộc trực, tuy dễ bị sốc khi có ai đó do ác cảm và chĩa mũi nhọn vào mình; lẽ ra ông nên biết cách vượt lên tất cả, thậm chí băng qua sức ép của một thế lực nào đó để tồn tại và để cống hiến tài năng cho xã hội mà không nản chí, nếu nản chí thì cũng như là chấp nhận cái thua. Cuộc sống vẫn là như thế.

- Từ lâu lắm rồi, tôi luôn chống tiêu cực và hô hào anh em cùng nhau chống tiêu cực. Thật bức xúc khi có cầu thủ chỉ thích tiền, dám bán rẻ danh dự của mình chỉ vì cần có tiền. Dư luận ấy tôi có nghe, ngay trước trận Việt Nam - Myanmar và tôi đã trao đổi ngay với anh Trần Quốc Tuấn vì anh ấy đang trực tiếp theo dõi họ. Anh Tuấn cũng rất bức xúc khi cùng tôi xem trận đấu này. Với trách nhiệm Phó đoàn thể thao Việt Nam ở Bacolod, tôi chỉ có quyền giải quyết tiền với những việc như tiêu vặt cho vận động viên, tiền ăn thêm hay tiền thuê sân, khi cần sẽ báo cáo lên Trưởng đoàn để giải quyết, còn vấn đề tài trợ hay tiền thưởng hoặc từ các nguồn khác thì tôi đâu biết.

- Hãy trở lại vấn nạn tiêu cực trên sân cỏ. Ông có cho rằng đây chỉ là hệ quả của một quá trình dài, trong đó sự lơi lỏng trong công tác giáo dục tư cách đạo đức và văn hóa cho cầu thủ là chính, người ta đã quên đi nhiều thứ mà chỉ lo những cái đâu đâu?

- Đó là một nhận định chính xác. Vì quá thiếu vận động viên giỏi, các CLB cứ cố giữ người mà bất kể đúng sai, lại bao che cho cái sai của số không ít cầu thủ. Ta đi thuê chuyên gia tốn kém là thế, nhưng nếu cầu thủ không có tư cách và cứ cố tình mắc sai phạm thì có chuyên gia giỏi mấy cũng là vứt. Nếu không mạnh tay với những biểu hiện tiêu cực, kiểu như lối đòi tiền của một số cầu thủ U-23 ở Bacolod, bóng đá ta thật khó mà phát triển được. Về phần mình, tôi kiên quyết ủng hộ những biện pháp cứng rắn của VFF, kiên quyết làm trong sạch bóng đá.

- Cũng từ SEA Games 23 này, ông có cho rằng chúng ta đã "lên chuyên" một cách vội vã, chưa lường hết mọi diễn tiến và từ đó có đối sách thích hợp, kể cả việc rất quan trọng là có được một đội ngũ chuyên nghiệp để làm bóng đá chuyên nghiệp? Ta đang ở một "vùng trũng" của bóng đá, GDP lại khá thấp, vậy mà chúng ta vội vã tiến lên chuyên nghiệp và thiếu thốn đủ mọi đường mà kết quả nhỡn tiền là sự cố U-23 vừa qua. Cầu thủ Việt Nam chưa được chuẩn bị để lên chuyên nghiệp. Xin nghe ý kiến của ông?

- Tôi tán thành nhận định ấy. Cái thiếu cơ bản nhất là tư duy của cầu thủ, của các nhà quản lí và của khá nhiều doanh nghiệp yêu bóng đá. Bây giờ, quy chế của cầu thủ chuyên nghiệp còn chưa làm xong, trường đào tạo bóng đá trẻ còn chưa có và tôi có nghe rằng sắp tới đây, Tp.HCM sẽ mở một quỹ đào tạo trẻ của bóng đá có tên là Trương Tấn Bửu, nếu có cơ sở như thế từ trước có phải tốt bao nhiêu! Chúng ta chuyên nghiệp hóa nhanh quá, đến nỗi có đội B toàn đi mua phải đám tiêu cực, đội Đ lại nhập cả tiêu cực từ nước ngoài, một số khác thay phiên hiệu đến mấy lần mà vẫn chưa ổn về tổ chức…

Như thế làm sao có thể tập trung cho chuyên môn và cho chính các nhà doanh nghiệp đi cùng bóng đá? Tôi thấy rằng, chúng ta cần có cái nhìn đúng mức hơn về huấn luyện viên nội. Thái Lan và Malaysia đấy, họ có dùng ngoại đâu mà vẫn đoạt thứ hạng cao ở SEA Games 23? Gần mươi năm trước, khi mới đến Việt Nam, ông Riedl đã nói câu mà ai cũng nhớ, vậy mà đến hôm nay, liệu đã có ai dám khẳng định rằng bóng đá Việt Nam đã nói không với lối ăn xổi, hay lối "xây nhà từ nóc"?

- Xin hỏi ông câu cuối cùng, nên chăng tạm hoãn V-League 2006 để củng cố?

- Đây là một việc lớn, rất cần suy nghĩ và hành động một cách thận trọng. Cũng có người cho rằng, phía tài trợ người ta đã đưa tiền vậy nên tổ chức thi đấu ngay, phía còn lại cho hay nếu cơ quan điều tra lại bóc ra một loạt trọng tài, cầu thủ hay ai đó có dính tiêu cực, có thể V-League bị "vỡ" mất. Vì thế mà tôi cho rằng hãy đề xuất phía cơ quan điều tra nhanh chóng cho một kết luận thỏa đáng (tất nhiên chưa thể toàn diện) và từ đó, VFF mới quyết là tiến hành V-League 2006 hay không. Thật là buồn khi cái xấu và cái tốt luôn bị đan xen và lẫn lộn đến như thế. Tuy nhiên tôi rất tin tưởng vào sự thật, sự thật sẽ nói lên tất cả và bóng đá Việt Nam sớm muộn sẽ lại vươn lên mà thôi

Trần Hùng
.
.
.