Ôi! Chữ bác sỹ!

Thứ Tư, 10/05/2006, 08:01

Chữ duy nhất trong mấy dòng chẩn đoán bệnh của một bác sĩ chuyên khoa II trong cuốn sổ khám bệnh mà tôi có thể luận được là "không ho". Chữ "không" ở đây được viết bằng con số không méo xệch. Về nhà, chồng hỏi bệnh trạng của con, tôi không biết nói gì.

Mới đây, khi đưa con đến khám tại Khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, tôi đã thật sự choáng váng khi giở cuốn sổ khám bệnh mà một bác sỹ chuyên khoa Nhi cấp II khám và chẩn đoán cho con tôi ghi vào. Tôi không thể đọc được 6 dòng chữ ở phần chẩn đoán bệnh. Chữ duy nhất tôi có thể luận được là "không ho". Chữ "không" ở đây được viết bằng con số không méo xệch. Còn phần kê đơn thuốc cũng là chữ giun, chữ dế. Tôi nhìn vào đơn thuốc này mà lo lắng. Về nhà, chồng tôi hỏi bệnh trạng của con. Tôi không biết nói gì đành đưa sổ khám cho anh đọc. Nhìn một lúc, anh cũng đành lắc đầu bảo "chịu" và trách tôi đi khám bệnh cho con mà không biết con bệnh gì.

Để giải quyết tình trạng có chữ mà không thể đọc được, tôi cầm sổ ra hiệu thuốc lớn do dược sỹ đứng bán. Người bán thuốc này cũng không đọc được chẩn đoán của bác sỹ. Nhưng rất may mắn cô đọc được đơn thuốc. Theo như đơn thuốc thì cô bảo con tôi bị sốt siêu vi trùng.

Nói chuyện này với những người xung quanh tôi mới biết không phải riêng mình gặp chuyện này. Ngày 28/4, cháu Trần Việt Dũng, 3 tuổi, có biểu hiện đau đầu, nôn, sốt được gia đình đưa đến Phòng Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn. Tại đây, các bác sỹ cũng chẩn đoán bệnh và kê đơn thuốc. Nhưng hỡi ôi! Khi đưa quyển sổ khám bệnh về để mọi người trong gia đình biết bệnh của cháu thì không ai đọc nổi.

Khám chữa bệnh là nhu cầu tất yếu của mọi người. Những người khoác áo blouse được xã hội và cộng đồng tin tưởng giao cho trọng trách chăm sóc sức khỏe. Nhưng qua hai trường hợp của các cháu bé nêu ở trên, có thể thấy họ vô trách nhiệm với việc làm của mình. Không cần chữ đẹp, chỉ cần dễ đọc, dễ hiểu là đủ. Sai một ly, đi một dặm là lẽ đương nhiên, vậy mà có những người thầy thuốc hời hợt đến mức kê đơn thuốc mà bệnh nhân không thể đọc được. Chỉ cần sai một hoạt chất trong thuốc cũng có thể làm hạn chế khả năng điều trị, đấy là chưa kể tác động xấu gây nguy hiểm đến tính mạng.

Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn những người khoác áo blouse hãy cẩn trọng hơn khi đặt bút viết vào sổ khám bệnh. Không mất nhiều thời gian, công sức, chỉ là vài phút nhưng sự cẩn trọng trong nét bút của người thầy thuốc sẽ giúp người bệnh mau chóng lành bệnh đúng như câu nói dân gian "gặp thầy, gặp thuốc"

Vĩnh Tiến
.
.
.