Họa sĩ Tào Linh với giấy dó, mực tàu:

Nương vào quá khứ để sáng tạo và bứt phá

Thứ Sáu, 26/12/2014, 08:48
Dư âm thành công của triển lãm “Một bầy lặng im” còn chưa dứt, người họa sĩ “chuyên” giấy dó, mực tàu Tào Linh lại xuất hiện trong triển lãm “Dó” khai mạc tại Hà Nội chiều tối 20/12 với những bức họa tinh tế và giàu cảm xúc.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng có lẽ, chất nghệ sĩ đã lấn át nghề nghiệp được đào tạo, để Tào Linh đi đến tận cùng niềm đam mê hội họa, như một sự giải thoát những suy tư, tình cảm cá nhân trong cuộc sống ồn ào hiện đại. Vẽ trên giấy dó là niềm yêu thích đặc biệt của Tào Linh. Trên chất liệu cổ truyền ấy, anh như được sống với chính mình, thả sức bay bổng và sáng tạo. Đắm đuối với giấy dó, mực tàu, Tào Linh đã để lại ấn tượng riêng với sự lạ lẫm trong tính biểu hiện và đặc biệt khúc triết trong từng nét vẽ. 

Chọn giấy dó, mực tàu để thể hiện tâm hồn, tình cảm và cả niềm đam mê nghệ thuật, là một sự hướng về nghệ thuật truyền thống của Tào Linh. Nhưng không có nghĩa giấy dó, mực tàu là để trở lại với những “váy đụp hứng dừa”, “sen tàn cúc lại nở hoa”, mà giấy dó, mực tàu trong tay Tào Linh rất hiện đại và phá cách. Đó là những con phố vặn mình mang đầy tâm trạng trong những nét vẽ đậm nhạt, đặc biệt là những bức hình nữ khỏa thân vừa khêu gợi, lại vừa đằm thắm. Tào Linh không tựa hẳn vào quá khứ, mà chất liệu cổ truyền chỉ là cho anh nương vào để bứt phá sáng tạo. Mỗi nét vẽ của anh là những tình cảm dồn nén, đằm sâu, của bao khao khát không lời. Giữa những ồn ào náo động của phố thị, ngắm những bức tranh của anh, bất chợt, lại tìm thấy phút giây lắng đọng, để sống chậm lại, mà không cần đi xa tít tắp tận đâu, khi những âm thanh thong thả, dịu dàng cứ vẳng ra trong mỗi nét vẽ giống như phác thảo mà thực ra lại rất cầu kỳ.

Họa sĩ Tào Linh.

Phố với Tào Linh như một ám ảnh. Nói phố là một phần của Tào Linh cũng đúng. Phố bước vào tranh anh thật nhiều, không chỉ bằng nét vẽ mực tàu mà bằng tình yêu mãnh liệt. Triển lãm “Một bầy lặng im” của anh đã mang đến nhiều xúc cảm về phố qua những ý tưởng, góc nhìn khác nhau, qua những mảng miếng, sắc màu dị biệt, thì ở “Dó”, 50% bức tranh của anh vẫn về chủ đề này. Trên giấy dó, dưới những nét bút đậm nhạt, những con phố của Tào Linh hư hư thực thực. Những con phố thân quen đấy nhưng cũng có thể chưa ai từng gặp, chỉ là những con phố trong trí tưởng tượng của họa sĩ mà thôi. Vặn vẹo, không hàng lối, không cao tít tắp những toà nhà lấp lánh ánh điện, thậm chí lem nhem mà sao vẫn đẹp, vẫn gợi cảm. Những ngôi nhà trong phố của Tào Linh xiêu vẹo, nhấp nhô như một ký ức đã xa trong sự hồi tưởng của người đàn ông đã nếm đủ dư vị của cuộc sống

Nói về tranh giấy dó của Tào Linh, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: “Tào Linh đã mấy chục năm gắn bó với giấy dó. Tào Linh và giấy dó gặp nhau là thuận. Trong Tào Linh có giấy dó. Đặc điểm của giấy dó là mong manh, là tình cờ, là dịu nhẹ, là nói thầm, là yên tĩnh. Giấy dó là chất liệu của “nhất khứ bất phục phản”, của một đi không trở lại. Tào Linh hài hòa được mầu gạo nếp tự nhiên của giấy dó cùng đặc loãng, loang nhòe, trong đục, khô ướt của mực nho. Thêm vào đó là những lem nhem, dấp dính, lấm tấm ẩn hiện rất riêng mà những người khác chưa khai thác…”. Tranh giấy dó, mực tàu của Tào Linh tinh tế và chứa chất, hút hồn người xem trong những thanh âm không lời, phảng phất chút phiêu bồng thanh khiết. Dường như thấy rõ, trong những nét vẽ của người họa sĩ, bên cạnh sự khiêm nhường là nỗi cô đơn tận cùng. Mà, trong nghệ thuật, hình như có sự cô đơn mới đem lại sự thành công cho nghệ sĩ như một sự đánh đổi…

Tào Linh là người kỹ tính, nên mỗi triển lãm của anh, không quá nhiều bức được trưng bày, nhưng đều là những tác phẩm nghệ thuật đích thực, cho thấy sự lựa chọn cẩn trọng của một họa sĩ chuyên nghiệp ý thức được danh tiếng của chính mình. Mỗi bức tranh mang nhiều ý tưởng ấy luôn như gợi lên những câu hỏi giữa mênh mang về cuộc đời, về con người, để lại những ám ảnh thật khó quên…

Thanh Hằng
.
.
.