Bế mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31:

“Nước mắt dưới chân núi Sài Khao” của Truyền hình CAND đoạt giải bạc thể loại phim tài liệu

Thứ Tư, 21/12/2011, 18:23

Tối ngày 21/12, sau 4 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31 (LHTH TQ 31) đã chính thức khép lại. Theo Ban tổ chức LHTH TQ 31 lần này, 11 tác phẩm của những chiến sĩ Công an làm truyền hình đã đem đến những tác phẩm đặc sắc và ấn tượng cho Ban giám khảo và công chúng yêu truyền hình Đà Nẵng.

Đêm 21/12 cũng là đêm gặt hái thành công ở thể loại phim tài liệu của truyền hình CAND với tác phẩm “Nước mắt dưới chân núi Sài Khao” đạt giải bạc do ê kíp làm phim THANTQ, Trung úy Trần Nam Chung làm đạo diễn, quay phim Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh.

“Nước mắt dưới chân núi Sài Khao” kể về câu chuyện của những đứa trẻ “mồ côi” ở Bản Pọong người dân tộc Thái trên thượng  nguồn sông Luông - dưới chân núi Sài Khao. Từ cuối những năm 2000 đến nay, khi “cơn lốc” ma túy, HIV/AIDS tràn qua Bản Pọong đã xóa tan sự bình yên của một bảng làng miền núi thơ mộng. Nó đã để lại những câu chuyện đau thắt lòng khi 40 đứa trẻ mồ côi ở bản này đều có cha, mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ chết vì căn bệnh HIV/AIDS. Những đứa trẻ khác còn cha hoặc mẹ nhưng cũng đang lâm vào cảnh bơ vơ, không nơi nương tự khi cha mẹ chúng vướng vào vòng lao lý vì buôn bán cái chết trắng.

Cơn bão ma túy đã biến những chàng trai, cô gái Thái ở Bản Pọong,  xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa thành nô lệ của nàng tiên nâu và dần dần từ giã cuộc đời để lại cho người thân những nỗi đâu đến tột cùng. HIV/AIDS cứ ngấm ngầm lan rộng, đã  tạo nên những bi kịch gia đình ở Bản Pọong. Có gia đình có tới 5 người chết vì HIV/AIDS, có những gia đình cả bố, mẹ đều chết vì HIV/AIDS, để lại những đứa con mồ côi. Thời điểm năm 2007-2009, ngày bình thường ở bản có 1-2 người chết, ngày cao điểm chết đến 8 người, toàn là thanh niên đang độ tuổi lao động chính. Chết đến nỗi bản không có đủ người để làm đám tang…

Những hình ảnh ấn tượng của bộ phim tài liệu “Nước mắt dưới chân núi Sài Khao” đạt Giải Bạc LHTHTQ lần thứ 31.

Toàn xã Tam Chung có gần 80 người chết vì HIV/ AIDS, riêng Bản Poọng có gần 40 người. Người chết thì đã ra đi nhưng có một thực tế là hậu quả để lại quá đau đơn. Đó chính là những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Và có một thực tế đau lòng hơn là gần như tất cả những đứa trẻ mồ côi trong bản Pọong nói riêng và toàn xã Tam Chung cũng như một số xã khác trong toàn huyện Mường Lát đều chưa bao giờ được xét nghiệm HIV/AIDS để xem chúng có bị lấy nhiễm từ bố mẹ và những người xung quanh hay không. Chúng cứ thế lớn lên mà không hề có một sự chăm sóc về y tế nào. Nguồn sống duy nhất của chúng chính là sự nỗ lực của chính bản thân, sự giúp đỡ của bà con trong bản và hiếm hoi một vài đứa được xã đưa vào diện chính sách mồ côi để nhận mỗi tháng hơn 100 nghìn tiền đong gạo.. 

Những gì liên quan đến ma túy chỉ còn lại toàn là nước mắt. Nước mắt của những đứa trẻ, của những nạn nhân. Nước mắt của kẻ tội phạm và cả chính những người thân của nạn nhân cũng như những kẻ phạm tội. Sức lực của những người dân còn lại dường như không thể chống chọi được với đại dịch ma túy.  Dù chính quyền địa phương đã có rất nhiều cố gắng để tìm các biện pháp tháo gỡ song nguồn lực của địa phương có hạn, họ không thể giải quyết hết các hậu họa do ma túy để lại đành trông chờ vào sự giang tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Đoạt giải bạc thể loại phim tài liệu tại LHTH TQ 31, đây là lần thứ 3 liên tiếp phim tài liệu của lực lượng THANTQ đạt giải cao tại LHTHTQ.  “Nước mắt dưới chân núi Sài Khao” với thời lượng  28 phút cũng là bộ phim tài liệu đầu tiên trong chuyên mục “Phía sau bản án” của truyền hình Công an nhân dân (ANTV) đã phát sóng. “Nước mắt dưới chân núi Sài Khao”, đã là bộ phim tài liệu đầy xúc động, gây ấn tượng mạnh cho Ban giám khảo và người yêu truyền hình cả nước. Với tác phẩm này, những chiến sĩ CAND làm truyền hình kịp đã thời phản ánh vấn đề “nóng” nhất ma túy – HIV/AIDS  mà toàn xã hội đang quan tâm hiện nay

Hoài Thu
.
.
.