Nữ sĩ Ba Lan Wisawa Szymborska: Sống tại đây và không chậm trễ

Chủ Nhật, 16/08/2009, 11:43
Ba Lan từ xưa tới nay vẫn được coi là quê hương của những phụ nữ đẹp. Đã từng có câu danh ngôn ở châu Âu: Trên đời không gì xinh hơn cô gái Ba Lan! Nữ sĩ Wisawa Szymborska đã chứng minh rằng, phụ nữ Ba Lan không chỉ đẹp, mà còn rất tài năng. Cách đây 13 năm, bà đã là người thứ tư ở quê hương của Chopin "Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan, Đường bạch dương sương trắng nắng tràn..." (thơ Tố Hữu) được vinh dự nhận giải Nobel văn chương năm 1996.

Trong gần nửa thế kỷ qua, thơ Wisawa Szymborska không chỉ đã chinh phục hoàn toàn trái tim đồng bào mình, mà còn bắc được những nhịp cầu đến cùng độc giả nhiều nước trên thế giới, làm rạng danh cho nền văn học Ba Lan, nơi giải Nobel văn chương từng được trao cho Henryk Sienkiewicz (1905), Vladislaw Raymont (1924), Czeslaw Milosz (1980).

Những tác phẩm đầu tiên của  Wisawa Szymborska, hai tập thơ "Vì điều này chúng ta sống" và "Những câu hỏi bản thân mình", xuất hiện đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Người phụ nữ duyên dáng và khi đó còn khá trẻ (Wisawa Szymborska sinh năm 1923) đã được giới phê bình ngay từ đầu đánh giá đầy thiện ý. Thậm chí, năm 1954, Wisawa Szymborska còn được thành phố Krakow, nơi bà sống và làm việc từ thời trẻ, trao giải thưởng văn học. 

Tuy nhiên, nhìn lại từ ngày hôm nay, thành công bước đầu đó chưa tạo nên giọng điệu thực sự riêng của Wisawa Szymborska. Vinh quang lúc đó mới chỉ hé cười cùng bà.

Phải đến những năm 60, khi tập thơ "Muối" được xuất bản, Wisawa Szymborska mới sáng chói lên như một tài năng thi ca đích thực của đất nước vốn đã có không chỉ một nhà thơ lớn này. V.Britanishki, nhà nghiên cứu nổi tiếng và dịch giả văn học Ba Lan ra tiếng Nga, viết: "Tôi còn nhớ mùa hè năm 1963 - tất cả giới văn chương Varshava đều đồng thanh nhắc: Szymborska! Szymborska! "Muối", "Muối", "Muối"...".

Kể từ đó đến nay, vị muối mặn mòi trong thơ Wisawa Szymborska đã thấm đậm tâm trí và tình yêu của độc giả. Những tập thơ tiếp theo của Wisawa Szymborska, như "Trò vui" (1967), "Trường hợp bất kỳ" (1972), "Các số lớn" (1976) và "Không có gì hai lần" (1980)... càng củng cố thêm vị trí hàng đầu thi đàn Ba Lan và châu Âu của bà. Đây là bản dịch bài thơ "Trường hợp bất kỳ" của bà:

"Đã có thể xảy ra.
Phải xảy ra.
Xảy ra trước đó. Sau này.
Gần hơn. Xa hơn.
Xảy  ra - nhưng không với anh.

Anh còn nguyên vì là đầu tiên.
Anh còn nguyên vì là sau cuối.
Vì tự anh. Vì nhờ người.
Vì bên trái. Vì bên phải.

Vì mưa rơi. Vì rụng bóng.
Vì nắng.

May mắn sao, rừng ở xung quanh.
May mắn sao, chẳng có cây nào cả.
May mắn sao, đường ray, cái móc, hộp, phanh,
lỗ cửa, lối rẽ, một ly, một giây.
May mắn sao, rơm bơi trên mặt nước.

 Kết cục, bởi vì, mặc dầu và tuy thế.
Thật khó nói, nếu tay, chân
xảy một bước tí ti
vì cảnh huống.

Thế nào, anh tồn tại? Khoảnh khắc hiện hữu này tha thứ?
Lưới chỉ một mắt thôi, anh sẽ lọt mắt nào?
Em phục lăn, lặng yên hoài không đủ.
Hãy nghe này,
làm sao vì em
trái tim anh thêm nhanh nhịp đập?"

Cũng như nhiều nhà thơ nổi bật thời hiện đại, Wisawa Szymborska có vốn văn hoá cao và sâu sắc. Bà từng nghiên cứu về văn học và xã hội học trong Trường Đại học Jagiellonian. Tuổi trẻ bà lại trôi qua trong những thời điểm khá bi thiết đối với tổ quốc Ba Lan của bà. Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã để lại dấu ấn bầm máu không bao giờ mờ phai trong tâm khảm những nhà thơ thế hệ Wisawa Szymborska.

Không ngẫu nhiên mà khi bắt đầu bước vào thơ, Wisawa Szymborska đã chủ yếu dựa trên những ấn tượng u ám và rớm máu của đất nước Ba Lan trong thế chiến thứ hai. Bài thơ "Ký ức về tháng 9" viết về thất bại của Ba Lan tháng 9/1939, khi nước Đức phát xít tấn công Ba Lan, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ hai:

"Cái quyền đã lỗi thời của mẹ -
tìm lại con trai ở nhà thờ.
Ích gì nữa khi trái tim đã lặng
trong ngực nhịp đồng hồ,
như chiếc lá bị cuốn theo chiều gió
chạm vào môi như chạm vào chiếc lá?

Những châu thổ mùa thu Ba Lan,
những dải núi mùa thu Ba Lan,
dải băng nào quấn nổi
chặn lối những con đường?

Biên giới giờ chỉ có lực
như nắm đấm thu vào.

 
Hãy cho chúng tôi điểm tựa
chúng tôi bẩy được thế gian này-
ơi những cánh rừng mùa thu Ba Lan,
ơi những dòng sông mùa thu Ba Lan!
Nhưng kìa - bầu trời vô đáy,
và hôi hổi dòng máu chảy..."

Wisawa Szymborska đã làm bật lên tính hai mặt và bi kịch của nền văn minh thế kỷ XX, khi những thành tựu khoa học kỹ thuật và văn minh không ngăn nổi nhân loại trải nghiệm những dã man phi nhân tính tệ hơn cả thời tiền sử.

Dần dà, với vốn học vấn của mình, Wisawa Szymborska đã cảm nhận và thể hiện cả những nỗi u ám của những nền văn minh đã qua, những nền văn minh có thể đã rực rỡ trước cả nạn hồng thuỷ, những nền văn minh lần đầu được thế kỷ XX phát hiện lại.

Chúng ta đều biết, Đại Tây đảo, theo truyền thuyết Hy Lạp cổ do Platon dẫn, là một hòn đảo đông đúc và phát triển từng có tại Đại Tây Dương. Vật đổi sao dời, Đại Tây đảo đã bị núi lửa nhấn chìm xuống đáy biển. Đối với các nhà khoa học, việc tồn tại của Đại Tây đảo cho đến nay vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Thế nhưng, nữ sĩ Wisawa Szymborska lại viết về Đại Tây đảo như sau:

"Từng có họ hay không.
Trên đảo hay không trên đảo.
Biển hay không phải biển
đã nuốt họ hay không.

Ai đó từng yêu ai đó?
Ai đó từng chống lại ai?
Từng có điều gì đó hay chưa từng có
ở đấy hay hoàn toàn không ở đấy.

Từng có 7 thành phố.
Đúng vậy chăng?
Chúng đã muốn trường tồn.
Lấy gì minh chứng?

Thuốc súng do họ nghĩ ra. Đúng.
Họ không nghĩ ra thuốc súng. Đúng.
Đầy hoài nghi. Không bền vững.
Giả thuyết.

Không thoát thân từ không khí,
lửa, nước, đá.
Không còn lại trong đất,
hay những hạt sương.
Không thể chính danh
tự hào gương sáng.

Thiên thạch rơi.
Không phải rơi đâu.
Núi lửa phun.

Không phải phun đâu.
Ai đó kêu gọi điều gì đó.
Không ai kêu gọi điều gì cả.
Ở cộng-trừ Đại Tây đảo đấy".

Hoá ra, tính bi kịch đồng hành cùng con người từ hàng nghìn năm nay. Và chắc còn lâu nữa. Một nỗi niềm vĩnh cửu!

Trở về cùng quá khứ như thế, Wisawa Szymborska đã viết được những vần thơ đầy nhân bản không chỉ đối với riêng con người. Tình ái hữu của bà không phân biệt người hay vật. Đây là bài thơ bà viết về viện bảo tàng:

 "Có đĩa nhưng chẳng muốn ăn.
Có nhẫn, nhưng không đồng cảm,
năm thế kỷ rồi tăm tích nàng phai?

Quạt cũ - má hồng đâu tá?
Kiếm gỉ - chí khí nơi nao?
Tự nhập nhoạng đàn lia không lẩy được cung nào.
Bởi muốn bày ra vĩnh cửu
họ gom đồ thật xa xưa.

Người coi ngủ trong mạng nhện,
tủ kính dính bộ ria dài.
Kim loại, lông chim, sành sứ
đang đà thừa thắng thời gian.
Ghim cài áo mỹ nhân Ai Cập cả cười.

Vương miện lành hơn đầu,
tay bị thua găng,
ủng thắng chân người.

Tôi đang sống và đang tranh đấu
Nhưng cãi váy dễ dàng đâu.
Nó bướng bỉnh không sao kể xiết,
luôn nức lòng muốn vượt qua tôi..."

Từ các chủ đề xã hội, bà chuyển sang viết về thế giới tự nhiên và đã đạt được những thành tựu rất đáng kể. Hình như ai đó như thi hào Đức Goethe đã nói: "Khoa học và thi ca ghép lại được với nhau... khoa học phát triển từ thi ca... dần dà cả hai sẽ có thể cùng có lợi lại hoà thuận gặp nhau trên mức độ cao".

Là một nhà thơ nổi tiếng, nhưng Wisawa Szymborska không thích viết về thơ, nhất lại là về thơ mình. Cách đây hơn chục năm, trong lời nói đầu cho bộ tuyển tập ba cuốn của mình, Wisawa Szymborska đã thổ lộ: "Tôi cảm thấy mình như một côn trùng, vì những lý do khó hiểu nào đó tự đâm kim vào mình. Ngành sinh học định nghĩa con người như một sinh vật không đặc chủng và thấy trong tính chất này sự bảo đảm phát triển lâu dài cho nó. Hãy cho phép tôi, người bạn đọc thân mến, hy vọng rằng, tôi là một nữ thi sĩ không đặc chủng, vì không muốn buộc mình vào một chủ đề cố định nào đó hay một phương pháp nào đó thể hiện những điều quan trọng đối với tôi".

Wisawa Szymborska là nhà thơ không xa lạ với những chủ đề liên quan tới chính trị. Và từng là người mạnh mẽ lên án những tội ác mà người Mỹ đã gây nên trong chiến tranh Việt Nam. Và ca ngợi tinh thần quả cảm hồn nhiên của người dân Việt qua một bài thơ giản dị và sâu sắc:

"Chị ơi, tên chị là gì? - Tôi không biết.
Chị bao nhiêu tuổi rồi, chị từ đâu tới? - Tôi không biết.
Chị đào cái hầm này làm gì? - Tôi không biết.
Chị trốn ai vậy? - Tôi không biết.
Sao chị cắn tay ta? - Tôi không biết.
Chị cũng biết rằng bọn ta sẽ không hại chị?- Tôi không biết.
Thế chị theo ai? - Tôi không biết.
Đang chiến tranh mà, chị phải biết chứ?- Tôi không biết.
Thế làng chị ở đâu? Nó còn nguyên chứ?- Tôi không biết.
Thế con chị đây phải không? - Đúng, con tôi..."

Thoáng đọc thơ Wisawa Szymborska, dễ có cảm giác bà đơn giản. Nhưng nghệ thuật cao là ở chỗ tay nghề thuần thục và trí tuệ anh minh không cố gắng đánh động gây chú ý.

Vẻ bề ngoài như khiêm nhường của thơ Wisawa Szymborska lại ẩn chứa tinh tế sự thấu hiểu vị thế rất không tầm thường của một nhà thơ phấn đấu cho những mục đích cao cả. Trong một bài trả lời phỏng vấn, Wisawa Szymborska đã nói: "Tất nhiên là không một ai trong chúng ta biểu hiện được hết thời đại mình. Vấn đề là làm sao để chúng ta bổ sung cho nhau tốt hơn".

*Các bản dịch thơ trong bài là của Hồng Thanh Quang.

.
.
.