Nông thôn đang "vỡ ra" nhiều vấn đề hệ trọng

Chủ Nhật, 31/07/2011, 14:21
Mấy năm nay nhà văn Lê Lựu lâm bệnh. Mỗi ngày ông phải uống hàng chục loại thuốc và thỉnh thoảng lại phải coi "bệnh viện là nhà". Kỳ lạ là ông vẫn rất say sưa với công việc viết với tư cách một nhà văn. Mới đây nhất, Lê Lựu vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết tư liệu có tên "Ngày ấy ở quê". Ông hồ hởi gửi tặng bạn bè và vui vẻ trò chuyện về tác phẩm mới của mình.

- Thưa nhà văn Lê Lựu, vậy là độc giả yêu mến ông lại có cơ hội được đọc những trang viết mới của ông. Ông có thể nói gì về tác phẩm văn học mới nhất vừa xuất bản, cuốn "Ở quê ngày ấy"?

+ Đây là một cuốn tiểu thuyết tư liệu. Tôi viết dựa trên sự kiện có thật là cuộc biểu tình, khiếu kiện ở Thái Bình nhiều năm về trước. Rất nhiều người trong chúng ta còn nhớ, đó là vào những năm 1996-1997, những người dân ở một số xã trong huyện Quỳnh Phụ- Thái Bình đã vây bắt cán bộ, rồi kéo xuống huyện phá trụ sở huyện, đe dọa cán bộ lãnh đạo. Tình hình khiếu kiện thậm chí lan tràn khắp tỉnh. Nguyên nhân là do một số cán bộ cơ sở thoái hóa biến chất, tham nhũng, ăn chặn của người dân nên họ ức quá mà biểu tình. Tuy nhiên, bên cạnh những người dân thật thà, chất phác đi đòi quyền lợi dân chủ cho mình thì có không ít kẻ "chầy bửa, trốn nghĩa vụ đối với nhà nước và bọn trộm cắp xô nhau vào thành đội ngũ tiên phong đi chống đối chính quyền". Tôi đã viết lại câu chuyện đó, xoay quanh hình tượng nhân vật Phạm Văn- một vị Bí thư Tỉnh ủy mưu lược. Ông nhận nhiệm vụ vào đúng cái thời điểm rối ren , phức tạp ấy của tỉnh nhà. Rất nhiều ngày đêm Phạm Văn lăn lộn ở các vùng quê, đêm về trằn trọc không ngủ được trước những hành động vô chính phủ của bọn quá khích đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho hàng nghìn cán bộ và hàng chục vạn nhân dân. Trong đó có một bộ phận không nhỏ là thanh niên, những chủ nhân tương lai của quê hương cũng bị lôi kéo vào những hành vi manh động, vô luật pháp. Bạc tóc vì suy nghĩ, cuối cùng vị lãnh đạo này đã tìm ra được những giải pháp cho tình hình bất ổn chính trị của tỉnh. Ông đã dùng tâm, đức, khả năng nhạy bén của mình để phân chia các đối tượng chống đối thành các nhóm khác nhau. Với mỗi nhóm đối tượng Phạm Văn có những ứng xử hợp tình hợp lý. Mặc dù không phải lúc nào ông cũng nhận được sự ủng hộ của những người cùng làm việc với mình. Nhưng bằng sự quyết đoán và mưu lược, cuối cùng Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn đã tháo được "ngòi nổ" của tình hình căng thẳng kéo dài trên địa bàn tỉnh, làm yên lòng dân.

- Ông đã viết cuốn sách này trong bao lâu?

+ Tôi viết trong khoảng chừng hai tháng. Nhưng tôi nghĩ ngợi về nó thì đã hàng chục năm nay rồi. Từ lúc xảy ra sự kiện này ở Thái Bình tôi đã nghĩ mình sẽ viết một cuốn sách về nó. Vì đây là tác phẩm văn học nên có những chi tiết, những nhân vật tôi hư cấu. Nhưng cũng có những đoạn tôi sử dụng tư liệu thật hoàn toàn.

Nhà văn Lê Lựu và bìa cuốn tiểu thuyết mới "Ở quê ngày ấy".

- Với tình hình sức khỏe như của ông, nghỉ ngơi vẫn tốt hơn, vì sao ông nhất định phải hoàn thành cuốn sách này?

+ Tôi quá yêu cái nhân vật ông Bí thư Tỉnh ủy trong cuốn tiểu thuyết này. Ông Bí thư  Tỉnh ủy này chính là nhân vật có thật ở ngoài đời, là lãnh đạo của tỉnh A với biết bao nhiêu rắc rối phức tạp thời kỳ tỉnh A vừa sáp nhập từ hai tỉnh vào làm một. Tôi đã tiếp xúc và rất phục cách dùng người tài của ông. Ông xử lý mọi việc thấu tình đạt lý. Tôi đưa nguyên mẫu ấy vào tiểu thuyết này, xây dựng thành một ông Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn- người cán bộ lãnh đạo suốt ngày đêm đau đáu việc dân việc nước. Có những nhà lãnh đạo như ông ấy thì việc gì khó khăn đến mấy cũng giải quyết được. Phạm Văn chính là hiện thân của niềm mong muốn trong nhân dân, về những người lãnh đạo có đức, có tài, hy sinh cả quyền lợi cá nhân vì những lợi ích của quần chúng. Tôi đưa vào tiểu thuyết một loạt sự thật như nó vốn có, cùng với hình ảnh đẹp về người Bí thư Tỉnh ủy để nói một điều rằng chúng ta phải củng cố cho được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong sạch, những người có thể nói dân nghe và biết bảo vệ quyền lợi cho dân.

- Công việc viết với ông bây giờ có gì khó khăn hơn trước?

+ Khó khăn hơn nhiều chứ. Câu chữ của tôi bây giờ không được tỉnh táo, linh hoạt như trước. Sức nghĩ cũng không được như trước. Tôi cứ nghĩ ngợi một lúc lại phải nghỉ ngơi, không liền mạch được. Bây giờ không viết được bằng tay nữa mà phải nhờ các cháu giúp việc ngồi gõ máy. Mình đọc cho chúng nó gõ. Xong rồi thì nó đọc lại cho mình sửa chữa những chỗ cần thiết. Có lúc tôi viết trong bệnh viện. Có lúc đang viết ở nhà thì mệt phải bỏ đấy để đi viện. Nằm cùng phòng với tôi có  anh quên hết sạch hiện tại, chỉ nhớ quá khứ chiến trường. Cậu con rể vào thăm thì anh ta lại giơ tay "chào đồng chí". Tôi nghĩ mình còn may chán, là mình vẫn nhớ được hết tên các đồng đội của mình, quá khứ của mình, và nhớ được cả những việc hiện tại. Tất nhiên không phải lúc nào cũng tỉnh táo hoàn toàn. Có lúc vay mượn hàng xóm dăm đồng rồi cũng quên béng đi, không nhớ mà trả họ (cười). Nhưng nói chung là đầu óc mình như thế là cũng vẫn còn nhúc nhắc được.

- Nghe đâu cuốn sách của ông đã có nơi mua bản quyền để làm phim?

+ Có đấy. Có anh đạo diễn đã ngỏ ý với tôi là sẽ dựng lại câu chuyện này trên màn ảnh.

- Ông có xem những phim gần đây làm về các nhân vật lãnh đạo như "Bí thư Tỉnh ủy", "Chủ tịch tỉnh" không? Ông thấy họ xây dựng hình tượng người lãnh đạo trên phim thế nào?

+ Tôi có xem. Tôi thích phim "Bí thư Tỉnh ủy" hơn phim "Chủ tịch tỉnh". Phim "Chủ tịch tỉnh" xem có vẻ liệt kê, chắp vá các sự kiện và nhân vật, hơi rời rạc nên không thích lắm. Trong tiểu thuyết của mình tôi chủ tâm đi sâu phân tích tâm lý nhân vật chứ không quá chú trọng vào sự kiện.

- Để có được tư liệu để viết cuốn tiểu thuyết này, chắc ông phải ghi chép rất tỉ mỉ về sự kiện ở Thái Bình 15 năm trước?

+ Không phải chỉ ghi chép mà hồi đó tôi về Thái Bình 6 tháng, ở hẳn đó, theo dõi nắm bắt tình hình, hiểu ngọn nguồn câu chuyện, tâm trạng của người dân và cả người lãnh đạo địa phương.

- Nhân đây cũng xin được hỏi ông, nguyên nhân của tình trạng không có tác phẩm văn học hay viết về nông thôn hôm nay phải chăng nhà văn không chịu đi thực tế như thời của ông?

+ Cái này thì cũng đúng một phần. Nhưng phần quan trọng hơn là nhiều nhà văn không còn quan tâm đến nông thôn nữa. Họ không yêu nông thôn bằng tình yêu máu thịt. Cho dù phần lớn nhà văn của ta sinh ra là ở nông thôn. Dù họ có về sống ở thành thị thì họ vẫn là người nông thôn. Nhưng họ lại thích viết về thành thị hơn. Mà thành thị họ cũng có hiểu nhiều đâu. Cái không gian nông thôn mà họ hiểu hơn thì họ lại bỏ đi để đuổi theo cái thứ mà mình không hiểu. Rất là tiếc. Tôi thấy  nông thôn của ta hôm nay đang "vỡ" ra rất nhiều vấn đề. Rất nhiều loại người, nhiều số phận, nhiều tính cách, nhiều cảnh đời và bi - hài kịch khác nhau. Nó phong phú đến mức nếu ta bịa cũng không thể bằng sự thật đang có. Và đó là chất liệu tuyệt vời cho người viết. Tôi nghĩ viết về nông thôn bây giờ rất hay, rất nhiều vấn đề. Nhưng tiếc là sức viết và sức nghĩ của tôi cạn quá rồi, tôi không thể theo đuổi những đề tài đó đến nơi đến chốn. Tôi chỉ viết những cái mình sẵn có và suy ngẫm từ lâu thôi.

- Nhưng độc giả vẫn thấy ông viết đều đấy thôi. Từ khi ông bị bệnh đến giờ, ông vẫn cho ra mắt độc giả hai cuốn sách, cuốn "Thời loạn" và vừa rồi là cuốn "Ở quê ngày ấy". Tiếp sau đây liệu sẽ là một cuốn sách khác chăng?

+ Tôi nói thật với chị, việc viết với tôi nó là một nhu cầu, một niềm vui, một niềm hạnh phúc. Khi tôi viết tôi thấy mình bớt cô đơn. Trang giấy, ngẫm cho cùng, nó là người bạn chung thủy nhất của mình. Nó không bao giờ nói dối, lừa mị gì mình. Tâm trạng mình thế nào, cảm xúc mình thế nào, tình yêu của mình thế nào nó đều bày lên đấy một cách ttrung thực. Người đời thì có thể đổi trắng thay đen, có thể gian dối với mình, nhưng trang viết nó chung tình với mình. Tôi bây giờ chỉ cậy nhờ vào những trang sách. Việc viết nó cũng giống như tình yêu ấy, không bỏ được. Cũng có một số người bảo tôi, anh viết những cái mà không hay hơn được cái trước thì viết để làm gì. Thì thà anh nghỉ đi, anh đừng viết nữa. Trước đây tôi cũng nghĩ là mình sẽ viết đến một năm nào đó thì thôi, đi làm việc khác. Nhưng cuối cùng thì không thể làm vậy được. Nó đích xác là một nhu cầu. Không viết không chịu được.

- Xin cảm ơn nhà văn Lê Lựu về cuộc trò chuyện này và chúc ông sức khỏe để có thêm nhiều trang viết mới

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.
.