Lăng kính nhà văn:

Nông dân và dân vận

Chủ Nhật, 23/10/2011, 15:41
Công tác dân vận không hướng vào nâng cao lợi ích của nông dân. Phúc lợi và phát triển xã hội không trước hết vì nông dân nên người dân (tức nông dân) còn nhiều điều bất bình (ví dụ 80% các cuộc biểu tình, khiếu kiện vượt cấp, dài ngày có nguyên nhân từ vấn đề ruộng đất, tình trạng tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ ở nông thôn) thì sự phát triển còn trong tình trạng kém bền vững.

Tháng này, có hai ngày kỷ niệm năm lẻ. Đó là kỷ niệm 52 năm ngày Bác Hồ viết bài báo Dân Vận, khoảng 600 chữ, đăng trên Báo Sự thật hồi còn kháng chiến chống thực dân Pháp, nay là ngày truyền thống của ngành Dân vận và kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Năm lẻ, ít rầm rộ, nếu không nhắc thì ít người chú ý nhưng hai sự kiện trên lại rất thời sự, rất sâu sắc và gắn kết chặt chẽ với nhau. Sẽ thiếu sót nghiêm trọng, nếu không coi vận động nông dân là trọng tâm của dân vận. Cũng không có phong trào nông dân nếu không có đường lối dân vận đúng của Đảng do Bác Hồ sáng lập. Hơn nữa, cứ nhắc đến nông dân là lòng chúng ta lại bồi hồi như nhắc đến cội nguồn, đến những người thân yêu nhất của mình.

Có thể nói rằng, nước Việt Nam xưa nay là nước nông nghiệp, nước của nông dân. Mọi người Việt Nam xưa nay đều có nguồn gốc từ nông dân. Chúng ta không có cộng đồng dân cư từ nô lệ chuyển thẳng thành công nhân và các tầng lớp khác. Dân cư đô thị gồm cả tiểu tư sản thành thị, công nhân, trí thức… Việt Nam đều từ nông dân mà ra. Ngay những người được coi là Hà Nội gốc (Hà Nội là thành phố vào loại cổ nhất nước) cũng vẫn dễ dàng tìm ra nguồn gốc nông dân của mình. Đã thế, ai cũng biết bố mẹ chúng ta, những người ruột thịt của chúng ta từng được dân vận như thế nào và họ đã tham gia dân vận như thế nào để có thêm người cùng họ tham gia hai cuộc kháng chiến gần đây và họ đã đổ xương, đổ máu ra sao để có ngày toàn thắng. Vấn đề dân vận và nông dân gắn bó với nhau là vì thế.

Trên thế giới, ngay với các nhà lý luận kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan niệm về nông dân cũng khá phức tạp. Nông dân là gì? Họ có có hệ tư tưởng riêng không? Có là một giai cấp cách mạng không? Có đóng vai trò chủ lực cách mạng không? Có đi tận cùng với công nhân trong một liên minh chiến lược tiến lên chủ nghĩa xã hội không?… những vấn đề đó không phải lúc nào cũng sáng rõ. Với mỗi quan niệm, lại có một cách đối xử khác nhau với nông dân. Còn với Đảng ta, trên cái nền xã hội như vừa nói, tư tưởng Hồ Chí Minh xem giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất của phong trào dân tộc, là cơ sở cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Giai cấp nông dân gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, cùng chịu áp bức bởi thực dân Pháp và tay sai như mọi giai cấp khác. Họ sẵn sàng đứng lên cùng cả dân tộc trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nông dân cũng là "đội quân chủ lực" của cách mạng, là bạn đồng minh chủ yếu và tin cậy nhất của giai cấp công nhân.

Được tư tưởng ấy dẫn đường, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn đặt vấn đề giải phóng giai cấp gắn liền với giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng khối liên minh công nông vững chắc làm nền tảng cho khối đại đoàn kết dân tộc, đưa cách mạng nước ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác để có nước Việt Nam ngày nay. Vừa là lực lượng nòng cốt của cách mạng vừa là bộ phận đông đảo nhất được hưởng lợi ích từ cách mạng, đời sống của nông dân đã được cải thiện rất nhiều, đồng thời họ cũng có những đóng góp vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Nhưng đó là so sánh trước kia với ngày nay, còn nếu so sánh người nông dân Việt Nam với người nông dân hiện đại ở các nước khác, so sánh giữa cái đã đạt được với mong muốn thì đời sống người nông dân nước ta còn rất thấp. Nước ta vẫn còn đang là nước nghèo, không chỉ với thế giới mà ngay cả với nhiều nước trong khu vực. Trong mặt bằng thấp đó, nông dân lại là bộ phận xã hội nghèo nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nếu thu nhập bình quân tính theo đầu người của Việt Nam hiện nay là 800 USD/năm thì nông dân chỉ ở mức 500 USD thôi. Mặt bằng giàu nghèo ngày càng doãng rộng. Đất đai nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Khả năng chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá khó khăn. Dân số ngày càng tăng cao. Tác hại của thiên tai chưa ngăn chặn được bao nhiêu. Các loại quỹ bảo hiểm cho nông sản hàng hoá, bảo hiểm thân thể của người nông dân, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… còn mỏng và sơ khai. Thông tin về giá cả thị trường, khoa học - kỹ thuật nông nghiệp còn rất thiếu thốn. Trong khi đó, nông dân vẫn chiếm ít nhất là 70% dân số, cư trú trên 80% lãnh thổ nước ta, làm ra trên 20% GDP trong đó có những sản phẩm cực kỳ quan trọng như lương thực, thực phẩm, nguyên liệu công nghiệp nhẹ…

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân vận là vận động dân, là giác ngộ, giáo dục, thu phục lòng tin của người dân. Với nước ta, người dân chủ yếu là nông dân. Ngay với các bộ phận dân cư khác, dù họ đang sống và làm việc ở thành phố, dù họ có sinh ra và lớn lên ở một gia đình không còn làm ruộng để sống thì cái gốc nông dân gắn bó tâm hồn, tư tưởng với đồng ruộng, quê hương vẫn vô cùng sâu nặng. Bởi thế, dân vận Việt Nam là dân vận với nông dân. Vậy trong nhiều năm qua, chúng ta đang hướng mục tiêu dân vận về đâu và đã làm được gì để dân tin (tức nông dân tin), dân yêu (tức nông dân yêu), dân theo (tức nông dân theo)? So với trước thì sung sướng hơn nhiều nhưng so với trình độ phát triển chung của toàn xã hội thì ngày càng kém các tầng lớp khác, đó là thực tế đời sống tinh thần và vật chất của nông dân hiện nay. Công tác dân vận không hướng vào nâng cao lợi ích của nông dân.

Phúc lợi và phát triển xã hội không trước hết vì nông dân nên người dân (tức nông dân) còn nhiều điều bất bình (ví dụ 80% các cuộc biểu tình, khiếu kiện vượt cấp, dài ngày có nguyên nhân từ vấn đề ruộng đất, tình trạng tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ ở nông thôn) thì sự phát triển còn trong tình trạng kém bền vững. Bởi ở đâu không biết chứ với Việt Nam, ngay đến khi 75% dân số ở thành thị thì phát triển trước hết vẫn là phát triển nông thôn, CNH và HĐH trước hết vẫn là CNH, HĐH nông thôn

Vĩnh Thy
.
.
.