Non thiêng Yên Tử rộn ràng ngày khai hội

Thứ Ba, 19/02/2013, 13:31
Đúng 20h ngày 18/2, (tức mùng 9 tháng Giêng năm Quý Tỵ) Lễ khai mạc Hội xuân Yên Tử 2013 và đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia cấp đặc biệt sẽ được long trọng diễn ra tại lễ đài chùa Trình. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về dự.
>> Non thiêng Yên Tử: Lễ chưa khai, hội đã tưng bừng

Đúng 20h ngày 18/2, (tức mùng 9 tháng Giêng năm Quý Tỵ) Lễ khai mạc Hội xuân Yên Tử 2013 và đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia cấp đặc biệt sẽ được long trọng diễn ra tại lễ đài chùa Trình. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về dự. Đây là nghi thức truyền thống và thường niên nhằm tưởng nhớ anh linh vị vua anh minh có ân sủng lớn với dân tộc là Trần Thánh Tông đã rời bỏ ngai vàng về Yên Tử tu tập và lập ra giáo phái Trúc Lâm tam tổ cách đây hơn 700 năm.

Khác với mọi năm, Hội xuân Yên Tử 2013 tổ chức sớm hơn một ngày và kết hợp thêm sự kiện Lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt vào tối mùng 9 tháng Giêng, tức ngày 18/2/2013 tại sân chùa Trình với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Nhưng từ 1h sáng mùng 9 tháng Giêng, hàng ngàn phật tử đã lặng lẽ hành hương về chùa Cả (Hoa Yên) dâng lễ, sau đó quay trở lại chùa Trình để dự lễ khai mạc.

Theo bà Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí, đã thành lệ, dù hội chưa chính thức khai mạc nhưng chỉ trong 10 ngày đầu, tính từ 29 tháng Chạp (tức 30 Tết) đến nay đã có gần 10 vạn người về với Yên Tử. Việc tổ chức cung ứng các dịch vụ và bảo đảm an ninh trật tự đối với một lượng người tập trung lớn như thế tại một nơi khá xa so với trung tâm thành phố là cả vấn đề lớn. Thành phố gần như huy động tổng lực, những gì tốt nhất có thể để đáp ứng nhu cầu tâm linh, vãn cảnh của khách thập phương.
Biểu diễn nghệ thuật, múa rồng lân tại lễ khai hội Yên Tử năm 2013.

Ông Đỗ Đăng Thắng, Trưởng nhóm phật tử đến từ TP Nam Định cho biết, dù đã đi rất nhiều nơi, tham dự khá nhiều lễ hội đầu năm nhưng không ở đâu như Yên Tử. Cả một vùng núi non mênh mông như thế nhưng không thấy bóng dáng ăn mày, bói toán. Dù lượng người quá đông, có lúc phải chen chân nhau nhưng tuyệt đối không xảy ra nạn trộm cắp, móc túi. Tất cả đều lặng lẽ, bình an thực hiện ý nguyện tâm linh của riêng mình.

Cụ bà Huỳnh Thị Ngãi, phật tử đến từ TP HCM năm nay đã 75 tuổi cho biết, dù tuổi cao sức yếu nhưng từ 5 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến đầu xuân là cả hội quy gồm hơn 20 cụ bà cùng nhau lăn lội phải ra Bắc đến với Yên Tử, đi bộ lên tận chùa Đồng (cao 1.068m) thắp nén hương, khấn nguyện thì cả năm mới thực sự an lòng, làm gì cũng thuận.

Công ty Phát triển du lịch Tùng Lâm, đơn vị toàn quyền khai thác dịch vụ và quản lý tuyến cáp treo 2 chặng chùa Giải Oan - Hoa Yên và chùa Một mái - chùa Đồng cũng đã dồn mọi nỗ lực để phục vụ hội xuân năm nay được tốt hơn. Công ty đã tham mưu UBND TP mở rộng và san gạt, bố trí thêm hàng chục điểm, bãi trông giữ xe không thu phí nhằm giảm tải bãi xe chính gần chùa Giải Oan. Nhờ vậy đã khắc phục được tình trạng ùn tắc, chen chúc vào những ngày lễ chính, ngày cuối tuần như trước đây.

Từ 1h sáng mùng 9 tháng Giêng, hàng ngàn phật tử đã lặng lẽ hành hương về chùa Cả (Hoa Yên) dâng lễ, sau đó quay trở lại chùa Trình để dự lễ khai mạc.

Còn theo Thượng tá Đỗ Văn Luyến, Phó trưởng Công an thành phố (CATP) Uông Bí, người được phân công trực tiếp phụ trách ANTT Lễ hội xuân Yên Tử 2013 cho biết, đã huy động lực lượng kể cả tình nguyện viên lên đến trên 200 người, trong đó CATP có gần 100 người thuộc các đơn vị chuyên trách an ninh, cảnh sát, giao thông, trật tự túc trực ngày đêm tại khu vực Yên Tử.

Riêng đêm khai mạc, CATP bố trí 5 với 7 điểm an ninh, bao quát toàn bộ khu vực lễ đài và chùa Trình (nơi diễn ra lễ khai mạc), bảo đảm không để xảy ra bất kỳ sự cố nào về an ninh.

Tại khu vực Yên Tử, bộ phận an ninh, cảnh sát có sắc phục lẫn mật phục hầu như bao quát toàn bộ tuyến đường hành hương, các nhà ga cáp treo và các chùa chính như Bảo Sái, Hoa Yên, Tháp Tổ, chùa Đồng. Lực lượng CSGT tổ chức phân luồng từ 2 đầu QL18 và tổ công tác đặc biệt ngay tại ngã ba Dốc Đỏ để hướng dẫn và điều khiển thông.

Ngoài ra, hàng chục điểm được cho là thường xuyên đông người cũng đã được gắn thiết bị giám sát an ninh, bảo đảm an toàn tối đa cho du khách. Vì vậy, trong 10 ngày qua, kể từ khi Yên Tử mở cửa đón khách đến nay dù đã có hơn 10 vạn người đến, hàng ngàn lượt phương tiện ra vào nhưng chưa hề xảy ra bất kỳ trường hợp nào khách bị trộm cắp tài sản hoặc ùn tắc, tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Thành Phố, Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho biết thêm, ngoài những yếu tố chính phục vụ lễ hội, địa phương còn quán triệt, yêu cầu hàng trăm hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ đêm khu vực Yên Tử thực hiện đúng tấm lòng, tinh thần mến khách của người dân Uông Bí. Tất cả các trường hợp kinh doanh đều phải niêm yết giá dịch vụ, không lợi dụng lễ hội để nâng giá, bắt chẹt và lôi kéo du khách.

Trong khi đó, TS Phật học, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh cho biết, nét mới của lễ hội năm nay có thêm hạng mục công trình hết sức có ý nghĩa, đó là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, về cơ bản đã đúc xong. Bức tượng này có chiều cao thân tượng 9,9m, được đúc băng 140 tấn đồng. Phần bệ tượng được làm bằng bê tông cốt thép ốp đá điêu khắc cao hơn 3m, đài sen hơn 2m.

Đây là công trình rất lớn, tổng giá trị đầu tư trên 100 tỷ đồng, quy tụ công đức của rất nhiều nhà khoa học, nghệ nhân mọi miền đất nước và đúc theo công nghệ trực tiếp trong điều kiện địa hình chật hẹp, khí hậu khắc nghiệt trên độ cao hơn 1.000m của Yên Tử.

Đối với Giáo hội, phật tử và toàn dân Uông Bí, Quảng Ninh, đây là công trình có ý nghĩa rất lớn, xứng đáng là công trình tưởng nhớ, kính vọng công lao, tài ba và đức độ yêu nước, thương dân của vị vua, Đức Phật Trần Nhân Tông.

Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử trải dài gần 20km dọc lộ trình của vua Trần Nhân Tông về Yên Sơn tu hành rồi hiển Phật. Lễ hội Yên Tử được coi là một trong những lễ hội lớn nhất của cả nước ta.

Hơn 700 năm qua, Yên Tử nổi danh là nơi phúc địa, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của Đức Hoàng Đế anh hùng Trần Nhân Tông, sau hai lần lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thắng lợi đã từ bỏ ngai vàng, về tu ở Yên Sơn, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm văn hóa, kinh đô Phật giáo của Đại Việt, không chỉ ở trong nước mà còn có sức ảnh hưởng tới nhiều nơi khác trên thế giới.

Di sản ở Yên Tử  hiện còn lại hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, hàng ngàn di vật cổ quí giá, giữa một vùng đồi núi điệp trùng, ẩn khuất trong rừng già đại ngàn, cảnh trí thiên nhiên kỳ vỹ, ngoạn mục; hằng năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan, chiêm bái, lễ phật.

Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử cùng với quần thể di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh) đang được tỉnh Quảng Ninh lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Lê Minh Triết - Trịnh Mạnh
.
.
.