Nơi quy tụ đông đảo các nhà khoa học

Thứ Hai, 07/04/2008, 16:30
Là đơn vị duy nhất trong cả nước nghiên cứu các phương pháp sử dụng tiểu sử danh nhân để phục vụ giáo dục, Trung tâm Nghiên cứu tiểu sử phục vụ giáo dục (TTNCTSPVGD) trở thành nơi có uy tín trong việc cung cấp và sử dụng các tư liệu về danh nhân.

Sau thành công của Giải thưởng Nguyễn Cảnh Toàn(do Trung tâm tổ chức) lần I năm 2006 với các tác giả được nhận giải: TS. Hoàng Minh Tâm, ông Nguyễn Nghĩa Dân, GS. Nguyễn Đăng Mạnh, GS. Bùi Duy Tân và GS.

Nguyễn Như Ý, trong tháng 4 này, Giải thưởng Nguyễn Cảnh Toàn năm 2008 sẽ được trao cho TS. Võ Hoàng Quân (công trình "Suy nghĩ về phương pháp tổ chức hội thảo"), PGS.TS Nguyễn Như An (công trình "Tập hợp các bài nghiên cứu về các danh nhân văn hóa, khoa học công nghệ") và nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang với "Những lát cắt số phận".

Từ ý tưởng tận dụng nguồn "tài sản quốc gia" sẵn có…

Trở về sau 10 năm học tập ở nước ngoài, TS. Bùi Thị Hoàng Oanh trăn trở một điều: tại sao chúng ta lại lãng phí nguồn tư liệu phong phú đang có sẵn - là tiểu sử các danh nhân - trong việc dạy và học? Câu hỏi đó đã đưa bà đến một quyết định táo bạo: thành lập Trung tâm Nghiên cứu tiểu sử danh nhân thuộc nhiều lĩnh vực để phục vụ công tác dạy và học ở Trường ĐHSP, dù hoàn toàn không có sự hỗ trợ từ ngân sách.

Thế là TTNCTSPVGD thuộc ĐHSP Hà Nội ra đời vào năm 2000, với nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tiểu sử các danh nhân văn hóa, lịch sử, cách mạng, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ và giáo dục, đồng thời, nghiên cứu các phương pháp sử dụng tiểu sử danh nhân vào mục đích giáo dục khoa học và đạo đức ở phổ thông, cao đẳng và đại học.

Giám đốc Trung tâm  - TS. Bùi Thị Hoàng Oanh kể: Khó khăn không chỉ là kinh phí, mà ngay việc tiến hành thu thập và công bố tài liệu về các danh nhân đã vô cùng nan giải. Bởi chạm đến đời tư của nhiều nhà khoa học cũng là chạm đến những bí mật quốc gia, rồi còn luật về quyền bí mật đời tư của cá nhân, nên ranh giới giữa việc xây dựng những tấm gương điển hình với việc liên quan bí mật đời tư thật mong manh. Việc nghiên cứu và sưu tập tài liệu về tiểu sử của GS.TS. NSND Phan Nguyên Hồng là một ví dụ.

Ông là nhà nghiên cứu hàng đầu về rừng ngập mặn, nhưng đây cũng lại là vấn đề quốc phòng nên việc thu thập và công bố tư liệu không hề đơn giản. Vì thế, để vượt qua lằn ranh chấp chới này, vừa bảo vệ được các vấn đề bí mật, vừa công bố được các tư liệu cần thiết phục vụ giáo dục, hoàn thành được mục tiêu khoa học, Trung tâm đã tổ chức các hội thảo khoa học với sự đóng góp của các chuyên gia, đồng thời, nghiên cứu kỹ về luật bảo vệ bí mật quốc gia cũng như luật không được xâm phạm đời tư cá nhân.

Trong bối cảnh Việt Nam còn chưa có truyền thống đi sâu về cá nhân, để tránh bị coi là sùng bái cá nhân khi xây dựng hồ sơ một danh nhân, Trung tâm cẩn trọng sử dụng các tư liệu đã được các phương tiện thông tin công bố và kiểm chứng, bên cạnh tham khảo các tư liệu riêng sưu tập được.

Từ những tư liệu có được, Trung tâm tổ chức hàng loạt cuộc tọa đàm, hội thảo quốc tế về các vấn đề liên quan đến tiểu sử danh nhân với các chủ đề: Các nhà khoa học nữ Việt Nam, Bảo tàng danh nhân khoa học, Quyền lợi và nghĩa vụ của các gia đình danh nhân văn hóa… Từ những cuộc hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia đã bàn bạc để thống nhất nhiều vấn đề quan trọng, hoặc đưa ra một số vấn đề đã nghiên cứu lý thuyết để áp dụng vào thực tế.

Gần 10 năm qua, bằng tâm huyết với "tài sản quốc gia" là tiểu sử các danh nhân, TTNCTSPVGD đã có một lượng thông tin khổng lồ được lưu trữ về các danh nhân, như: Văn Cao, Tạ Quang Bửu, Bùi Xuân Phái, Đặng Văn Ngữ, Đặng Thai Mai, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Tố Hữu… Trong đó, có khá nhiều tư liệu về các danh nhân chưa từng được công bố, như về cuộc đời và sự nghiệp 2 ông vua yêu nước Thành Thái - Duy Tân, phát hiện mới về thân thế sự nghiệp La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, cuộc đời và sự nghiệp Trung tướng Vương Thừa Vũ, GS. Nguyễn Văn Huyên, một số danh nhân các nước châu Á v.v…

Một tiêu chí rất quan trọng của Trung tâm trong xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin còn là đi sâu vào sưu tầm tư liệu của các nhà khoa học công nghệ, vì đây là đội ngũ đóng góp rất lớn cho sự nghiệp đấu tranh và xây dựng đất nước như GS. Vũ Đình Cự, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng v.v… nhưng chưa được chú ý. Chính việc làm này sẽ giúp cho thế hệ trẻ hiểu biết một cách đầy đủ hơn về một thế hệ cha ông đã cống hiến to lớn cho dân tộc như thế nào, bằng các chi tiết phong phú và hấp dẫn.

Cho đến nay, Trung tâm đã xây dựng được hàng ngàn bộ hồ sơ hoạt động của các nhà khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, có phòng đọc tư liệu tiểu sử các nhà khoa học và tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về các nhà khoa học cho hàng ngàn sinh viên và cán bộ tham gia. Trung tâm cũng đã xây dựng hệ thống 100 nhà tưởng niệm, lưu niệm các danh nhân ở Hà Nội, phục vụ tốt cho giáo dục và góp phần phát triển du lịch Thủ đô.

Chưa đầy 10 năm hoạt động, nhưng kết quả mà Trung tâm có được đã góp phần không nhỏ để làm phong phú cách dạy và học của Trường ĐHSP Hà Nội trong giáo dục đạo đức và khoa học cho sinh viên, mở ra hướng nghiên cứu mới về việc sử dụng tiểu sử các nhà khoa học phục vụ công tác giáo dục. Với tiêu chí và kết quả hoạt động, Trung tâm đã quy tụ được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia tích cực, đóng góp cho sự lớn mạnh của một Trung tâm mang tính độc đáo và giá trị lớn lao này.

… Đến giải thưởng mang tên nhà khoa học lớn

Nhằm thúc đẩy các nghiên cứu về tiểu sử phục vụ giáo dục, từ năm 2006, TTNCTSPVGD đã tổ chức Giải thưởng khoa học mang tên GS.TS. Viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Viện sĩ Viện Hàn lâm Vương quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm tiểu sử quốc tế IBC, cũng là người đầu tiên có ý tưởng sử dụng tiểu sử các nhà khoa học phục vụ giáo dục - đào tạo và hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm.

Giải thưởng dành để trao cho các công trình khoa học, bài báo, cuốn sách, tác phẩm về tiểu sử đã công bố và được dư luận xã hội quan tâm với yêu cầu phải là "công trình có tính giáo dục cao, hiệu quả xã hội tốt và phương pháp giáo dục gây ấn tượng" qua 5 tiêu chí cụ thể. Hội đồng giải thưởng gồm các nhà khoa học của Trường ĐHSP Hà Nội, Viện Nghiên cứu sư phạm và TTNCTSPVGD trực tiếp chấm giải.

Sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, tác giả tên tuổi trong và ngoài nước như GS. Vũ Khiêu, GS.TS.NGND Phan Ngọc Liên, PGS.TS. Ngô Công Hoàn, GS.TS Phạm Đức Dương v.v… cùng nhiều tác giả của các nước: Hàn Quốc, Bangladesh, Singapore, Ấn Độ, Mông Cổ, Lào v.v… với số lượng các công trình, tác phẩm tham gia dự giải phong phú và đa dạng, đã cho thấy uy tín của Giải thưởng Nguyễn Cảnh Toàn.

Sau 2 lần xét giải, đến nay, mới có 8 người được nhận giải, lựa chọn từ hàng trăm tác giả là những nhà khoa học, tác giả tên tuổi, cho thấy tính nghiêm túc của Giải thưởng, đồng thời, cũng là sự vinh danh cho các tổ chức và cá nhân nhận giải - những người sẽ được ghi vào sổ vàng của Trung tâm

.
.
.