Phim trường cổ trang đầu tiên của Việt Nam tại Quảng Ninh:

Nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa, hồn Việt từ ngàn năm

Chủ Nhật, 08/03/2015, 09:31
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt quy hoạch xây dựng Trường quay phim cổ trang Việt Nam tại Bãi Nẫu, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí với diện tích 14,6 ha do Công ty CP Việt Nam tinh hoa làm chủ đầu tư. Phim trường cách khu trung tâm lễ hội Yên Tử khoảng 700m, đã được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đảm bảo hài hòa, bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử.

Đến nay, đây là phim trường cổ trang chuyên nghiệp, hiện đại đầu tiên, lớn nhất tại Việt Nam, với mô hình hoàng cung vương triều Lý - Trần, tái tạo không gian văn hoá cổ người Việt xưa.

Phim trường cổ trang đầu tiên tại Việt Nam

Cách đây 4 năm, đạo diễn, NSƯT Văn Lượng có chuyến du lịch xuyên Việt tìm bối cảnh cho bộ phim tài liệu “Con đường thiên lý” dài 15 tập. Trong quá trình du khảo, tìm hiểu, gặp gỡ, trao đổi với các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu, đạo diễn Văn Lượng nhận được nhiều lời góp ý chân thành về bộ phim này. Sau đó, ông tổ chức hơn chục ê kíp chọn lựa viết 45 tập kịch bản phim truyện Con đường thiên lý - Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Mô hình phim trường cổ trang tại Yên Tử.

Do trong nước thiếu bối cảnh làm phim về đề tài lịch sử và để tạo điểm đột phá trong nghệ thuật, đạo diễn Văn Lượng tìm nhà đầu tư, xây dựng phim trường cổ trang làm bối cảnh cho bộ phim này. Tuy nhiên, xây dựng phim trường cổ trang ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn như: địa điểm, ít tư liệu lịch sử để xây dựng nhà cửa theo nguyên mẫu, hệ thống để duy trì, bảo tồn, giải quyết các hệ quả sau khi làm phim, phong cảnh cổ xưa  ở Việt Nam đã thay đổi rất nhiều…

Với quyết tâm xây dựng phim trường cổ trang mang tính thuần Việt, đạo diễn Văn Lượng và ê kíp tham quan nhiều nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… nghiên cứu, tìm hiểu cách xây dựng các công trình kiến trúc thời phong kiến, ứng dụng phù hợp với điều kiện trong nước. Đoàn làm phim huy động nhiều kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, chuyên gia phim cổ trang và các cố vấn về văn hóa, điện ảnh, lịch sử, kiến trúc… hàng đầu Việt Nam tập trung nghiên cứu các quy hoạch phù hợp đảm bảo tính thuần Việt.

Khu vực xây dựng phim trường là một thung lũng nằm biệt lập, được bao bọc xung quanh là rừng cây xanh. Địa hình khu vực này khá bằng phẳng, trống trải, thuận lợi cho việc xây dựng và dàn dựng các công trình phục vụ bối cảnh làm phim. Trường quay nằm cách xa tuyến đường hành hương và các công trình văn hoá trong khu vực nên trong quá trình hoạt động, khai thác tham quan không ảnh hưởng đến khu di tích, các hoạt động của khu di tích không ảnh hưởng tới việc làm phim.

Phim trường chia thành các phân khu chức năng như: khu phim trường, khu hậu cần, khu cây xanh cảnh quan và mặt nước, khu hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông nội và liên khu. Trong đó, khu phim trường có diện tích trên 6,1 ha, với trên 40 hạng mục gồm: khu mô phỏng hành cung, khu mô phỏng phố thị, khu vườn thượng uyển và lâm viên, khu mô phỏng làng Việt cổ, khu mô phỏng thuỷ trại, quảng trường...

Phim trường là mô hình “Kinh thành Thăng Long thu nhỏ” gợi nhớ lại hào khí Lý - Trần. Nơi đây sẽ xây dựng Đại điện thiết triều, hậu cung vua chúa sinh hoạt, các phủ quan đầu triều và những làng quê dân gian trù mật từ đồng bằng đến trung du, miền núi. Phim trường cổ trang có các quần thể công trình kiến trúc thuần Việt mang đậm nét văn hóa thời Trần, đáp ứng yêu cầu làm phim chuyên nghiệp của các hãng phim trong nước và quốc tế khi muốn sản xuất các bộ phim cổ trang vinh danh những nhân vật tinh hoa của lịch sử .

Phim trường cổ trang kết hợp tham quan

Phim trường cổ trang Yên Tử xây dựng làm bối cảnh cho bộ phim “Phật Hoàng Trần Nhân Tông” dài 45 tập, do NSƯT Văn Lượng làm đạo diễn. Phim trường cổ trang mang phong cách kiến trúc nghệ thuật tạo dựng cảnh trí của điện ảnh, tạo nên sự độc đáo, mới lạ. Hiện, đoàn làm phim tập kết khoảng 60 ngôi nhà gỗ thu mua từ khắp các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Bắc Giang, Thái Bình… sưu tầm, mua, tháo dỡ phục dựng tại phim trường. Hàng trăm phiến đá tự nhiên cũng được di chuyển về phim trường để kè suối, làm bờ, tăng tính chân thực, sinh động cho mỗi cảnh quay.

Theo đạo diễn Văn Lượng, việc xây dựng phim trường cổ trang Yên Tử dựa trên tính thực tiễn và cơ động. Tính thực tiễn trong đầu tư vốn, tái sử dụng hiệu quả. Tính cơ động, linh hoạt trong công năng sử dụng. Ngoài công trình Đại điện xây bằng bê tông, phần lớn các công trình khác xây dựng bằng gỗ, tường rào xung quanh bằng vật liệu có thể thay thế. Các công trình đều có thể cải biên phù hợp với đặc trưng, phong cách của từng bộ phim.

Diện tích của phim trường không quá rộng, phù hợp với quy mô của các dự án phim trong nước. Phim trường khai thác thế mạnh của rừng nguyên sinh Yên Tử, hiện thực hóa thiên nhiên vào phim trường, bảo tồn nét hoang sơ của cảnh quan tự nhiên.

Sau khi hoàn thành, ngoài việc làm bối cảnh cho các phim cổ trang, phim trường Yên Tử là một điểm tham quan văn hóa mới lạ, độc đáo, điểm du lịch lịch sử mang tính giáo dục, trở thành “địa chỉ đỏ” trong bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Tại Trường quay Yên Tử, du khách sẽ cảm nhận được tinh hoa văn hóa Việt, hồn Việt từ ngàn năm bảng lãng và kết tụ. Nơi đây sẽ thu hút các họa sĩ đến vẽ tranh, các thi sĩ đến lẩy thơ vịnh cảnh, thế hệ trẻ sẽ được hòa mình vào lịch sử bi tráng của cha anh một cách rất gần gũi thông qua những phong cảnh, vật dụng tại trường quay và những bộ phim cổ trang, lịch sử ra đời từ trường quay này.

Ngoài giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật điện ảnh, trường quay còn có những ngôi nhà cổ, làng nghề cổ truyền, làng văn hóa ẩm thực… tạo không gian văn hóa thuần Việt.

Theo NSUT, đạo diễn Văn Lượng, dự án phim trường cổ trang tại Yên Tử chia thành 3 giai đoạn. Hiện nay, phim trường đang triển khai giai đoạn 1 với một số công trình đang hoàn thiện như 3 con đường chính: Đào Nguyên, Tùy Duyên, Bồ Đề dẫn vào phim trường và hai giếng Mắt Rồng đã đưa vào sử dụng.

Nhà Thất thiền Quốc sư Phù Vân và nhà Ái tình bên hồ Tụ Thủy cũng đã hoàn tất. Khu Phố thị với 30 ngôi nhà lớn, nhỏ đang dựng khung cùng một số cảnh quan đang trong quá trình điều chỉnh, hoàn thiện.

Để tăng tính thuần Việt cho phim trường, các đạo cụ đi kèm như: giáp trụ, quần áo, đồ trang trí nội thất, vũ khí đều có các nghệ sỹ dân gian nổi tiếng trực tiếp làm thủ công, phục chế đúng với nguyên bản trong lịch sử…. Trường quay phim cổ trang Việt Nam tạo tiền đề, cơ sở vật chất thúc đẩy sự phát triển điện ảnh trong nước, mở ra ngành du lịch điện ảnh trong tương lai.

Đăng Hùng
.
.
.