Nỗi khó nhọc của thơ

Thứ Ba, 25/07/2006, 10:04

Nhà thơ Tạ Hữu Yên tự thống kê rằng, ông đã "trình trước bạn đọc gần 50 đầu sách và hàng nghìn bài báo". Vậy mà khi làm tuyển tập, ông chỉ chọn 60 bài thơ mà vẫn sợ mình "nới tay" với nghệ thuật quá. Đó là nỗi sợ của một người sáng tác biết mình, biết đời… Thơ luôn là công việc khó khăn, gieo rất nhiều nhưng gặt được thường là ít ỏi.

75 tuổi đời, gần nửa thế kỷ khoác áo quân nhân, là tác giả ca từ của 144 bài hát (tính đến tháng 3/2006), nhà thơ Tạ Hữu Yên vẫn cảm thấy rụt rè khi ra mắt độc giả tuyển tập tác phẩm của mình. Một tuyển tập không quá đồ sộ với hơn 400 trang. Ngay trong lời mở sách, ông đã viết: "Thôi thì được chút gì đó trong lĩnh vực cực kỳ khó khăn - sáng tác thơ và viết báo chí - để gửi tới bạn đọc cả nước là mừng rồi... Xin được sự thông cảm và ưu ái khi cầm tuyển tập này trên tay".

Không nhiều người có được một số phận sáng tác may mắn như nhà thơ Tạ Hữu Yên. Duyên kỳ ngộ với âm nhạc đã cất cánh rất nhiều vần thơ chân thành, mộc mạc và lắm khi tinh tế của ông tới khắp mọi miền đất nước. Thực sự là ít ai không từng một lần được nghe những ca khúc bất hủ phổ thơ ông như "Đôi dép Bác Hồ" (nhạc Văn An), "Cảm xúc tháng Mười" (nhạc Nguyễn Thành), "Đất nước" (nhạc Phạm Minh Tuấn)... Những câu chữ tưởng như có gì đâu nhưng khi vang lên quấn quýt với giai điệu hợp tâm, hợp tính, hợp tình đã trở thành thân thiết và quá chừng xúc động với bao nhiêu thế hệ người nghe:

"Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu,
Nghe dịu nỗi đau của mẹ,
Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ,
Các anh không về mình mẹ lặng yên..."
("Đất nước")

Hay:

"Không thể nói trời không trong hơn,
Và mắt em xanh khác ngày thường,
Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy,
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường..."
("Cảm xúc tháng Mười")

Đã có không chỉ một thế hệ ca sĩ từng biểu diễn rất thành công những ca khúc phổ thơ của Tạ Hữu Yên và tôi tin rằng, những giọng ca trẻ trong tương lai vẫn tìm tới đó như tới mạch nguồn sáng tạo trong lành và bền chắc.

Môi trường quân đội đã là lý tưởng với Tạ Hữu Yên. Chính ở đây, ông đã tìm đúng được vị trí của mình và dù làm gì thì công việc của ông cũng gắn bó với sáng tác về những gì gần gũi nhất với ông.

Tạ Hữu Yên từng nhiều năm liền làm công tác địch vận, cả trong kháng chiến trường kỳ chống Pháp lẫn giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Những năm cuối cùng trong quân ngũ, cho tới lúc về hưu, ông là cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Vũ khí chiến đấu chủ yếu của ông là những vần thơ. Đó có thể là những câu ca dao giản dị, dễ hiểu nhưng không dễ làm một chút nào để "địch vận". Thí dụ như:

"Anh ơi, cầm súng về đây,
Mái tranh ai đợi, luống cày ai mong.
Tim còn đỏ giọt máu hồng,
Lời thiêng Tổ quốc, hỏi lòng có nghe?"

Tạ Hữu Yên có kể lại rằng, ông chập chững "vào nghề" chính bằng những câu ca dao như thế. Ca dao vẫn là thể loại mà ông yêu thích khi đã về hưu. Ông viết về họa số đề như sau:

"Oái oăm là cái số đề,
Đánh con Bảy chín, nó về Tám ba.
Số đề tráo trở như ma,
Chờ con Bốn, nó lại ra con Mười.
Số đề ngon ngọt rủ mời,
Càng chơi càng thấy cuộc đời lao đao,
Số đề - ấy một lưỡi dao,
Tay anh cầm lại "cứa" vào cổ anh..."

Thực thú vị! Có thể hình dung ra cảnh Tạ Hữu Yên khi viết nên những câu ca dao trên luôn nở nụ cười hóm hỉnh nhưng đượm buồn. Ông là người hiền lành nhưng không ngại va chạm.

Đường văn dằng dặc. Tạ Hữu Yên tự thống kê rằng, ông đã "trình trước bạn đọc gần 50 đầu sách và hàng nghìn bài báo". Vậy mà khi làm tuyển tập, ông chỉ chọn 60 bài thơ mà vẫn sợ là mình "nới tay" với nghệ thuật quá. Đó là nỗi sợ của một người sáng tác biết mình, biết đời: "Tôi vẫn tự nhủ mình - một nhà thơ, một nhà báo, một nhà văn - cầm bút sáng tác trong ba cái hạn chế: tài năng có hạn, sức khỏe có hạn (tôi bị cấp cứu ba lần), thời gian có hạn". Những lời tự đánh giá như thế là quá khiêm tốn, nhưng ở tuổi xưa nay hiếm, người ta ít ai muốn giữ cho mình ảo tưởng, về bản thân, về thế giới bên ngoài. Thơ luôn là công việc khó khăn, gieo rất nhiều nhưng gặt được thường là ít ỏi.

Cũng xin nói thêm một điều, nếp sống quân nhân đã rèn luyện cho nhà thơ Tạ Hữu Yên tính cẩn thận với mọi sự trên đời. Có thể ai đó sẽ bật cười khi một thi sĩ đã 75 tuổi mà vẫn luôn luôn tự nhủ mình:

"Không lóa mắt trước vàng ròng,
Không ngã lòng trước gái đẹp..."

Có lẽ, chúng ta chỉ nên đồng tình với ông một nửa thôi, không lóa mắt trước vàng ròng là đúng rồi, nhưng gặp phụ nữ đẹp thì lòng mình có "xiêu đình đổ quán" một chút cũng có làm sao, mà có làm sao thì cũng đã làm sao!

Xin được chia vui với nhà thơ Tạ Hữu Yên với tuyển tập mới của ông. Chúc ông mạnh khỏe để, như chính ông viết, "trời thương, còn minh mẫn, có thể còn có thêm thơ phổ nhạc nữa"

.
.
.